Những lưu ý về dinh dưỡng cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi
(Giúp bạn)Ở giai đoạn từ 1 đến 3 tuổi, dinh dưỡng của bé rất quan trọng. Các mẹ nên tận dụng sữa mẹ để hỗ trợ thêm cho bé bồi dưỡng cơ thể và chống bệnh tật.
Dinh dưỡng cho trẻ từ 1 đến 2 tuổi
Theo Tri thức trẻ, ở giai đoạn từ 1 đến 2 tuổi:
+ Về thể chất: Bé trai nặng hơn bé gái một chút.
+ Về vận động:
- Bé 10 -14 tháng: đứng chựng, đi chập chững.
- Bé 18 tháng: có thể chạy, vịn tay lên cầu thang.
- Bé 24 tháng bắt đầu thích nhảy, đi cầu thang một mình, biết cầm nắm đồ vật, lục lọi ngăn tủ.
+ Về tâm sinh lý
- Bé 8 tháng: có thể nhận biết người quen và người lạ.
- Bé 12 -18 tháng: bập bẹ những tiếng đầu tiên “ba”,”mẹ”...
- Bé từ 18 tháng: bé có thể nói câu ngắn, đơn giản, có khả năng hiểu và làm theo những yêu cầu đơn giản của người lớn.
+ Chế độ dinh dưỡng của bé 1 - 2 tuổi:
Gồm 3 bữa ăn chính, xen kẽ là 3 - 4 cữ bú mẹ. Ngoài cháo và bột, có thể tập các thức ăn mềm như bún, phở, mì, nui. Trong mỗi chén cháo của bé cần có 4 nhóm thực phẩm sau:
- 2-3 thìa canh chất đạm băm nhuyễn (Thịt, cá, tôm, cua, trứng… Nếu mẹ nấu cháo nước xương, hãy cho bé ăn cả phần thịt vì chứa nhiều chất đạm).
- 2 thìa rau lá hoặc củ băm nhuyễn (rau muống, rau dền, bí đỏ, cà rốt..)
- 1-2 thìa dầu ăn
- Thêm bột hoặc cháo cho đầy chén
Sữa mẹ, sữa tươi và các chế phẩm sữa như phô mai vô cùng quan trọng cho sự phát triển đầu đời của bé.
+ Những lưu ý quan trọng:
- Cơ thể bé hằng ngày cần nhiều chất dinh dưỡng. Việc cho bé ăn đa dạng các nhóm thực phẩm, đổi mới thường xuyên là rất cần thiết.
- Mẹ có thể bổ sung các món ăn phụ như sữa chua, phô mai, bánh, kem, chuối, đu đủ, nho...
- Trước bữa ăn chính 1,5 – 2 tiếng, mẹ không nên cho bé ăn vặt để tránh “ngang dạ”, làm bữa chính mất ngon.
- Trong bữa ăn cần tạo không khí vui vẻ, thoải mái.
- Nếu trẻ ăn bột, cháo ít, hãy bổ sung thêm dinh dưỡng bằng các món ăn nhẹ khác hoặc uống thêm sữa, thay vì ép ăn hết cháo.
Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ từ 1 đến 3 tuổi
Trang thông tin điện tử Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, ở lứa tuổi này bữa ăn hằng ngày của bé rất quan trọng. Nên tận dụng sữa mẹ để hỗ trợ thêm cho bé bồi dưỡng cơ thể và chống bệnh tật.
Cố gắng cho trẻ bú đến 18 - 24 tháng. Khẩu phần ăn của trẻ cần được cung cấp đủ năng lượng, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.
+ Năng lượng
Năng lượng cần đủ cho hoạt động cơ thể của trẻ và để tích luỹ, giúp thúc đẩy sự lớn lên của các tổ chức. ở lứa tuổi này tiêu hao năng lượng của trẻ lớn do trẻ chơi đùa, đi lại chạy nhảy nhiều. Nhu cầu năng lượng ở lứa tuổi này là 110 Kcal/kg cân nặng, ước chừng trẻ nặng khoảng 9 - 13 kg do đó năng lượng cung cấp là 900 - 1300 Kcal.
Năng lượng cần được cung cấp đủ qua bữa ăn của trẻ gồm có: chủ yếu là chất bột như bột, cháo, cơm nát; ngoài ra còn có chất đạm, chất béo. Tỷ lệ giữa các thành phần sinh năng lượng nên là: đạm 15%, béo 20%, đường bột 65%.
+ Chất đạm:
Chất đạm rất cần cho sự phát triển cơ thể trẻ, đặc biệt là các tế bào não. Với trẻ nhỏ, cần ưu tiên các loại đạm động vật như: thịt, sữa, trứng, cá, tôm... vì chúng có giá trị cao, có đủ các chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, ngoài ra còn giúp cho cơ thể trẻ khỏe mạnh, tăng sức chống đỡ với bệnh tật.
Lượng đạm động vật trong khẩu phần ăn của trẻ nên đạt từ 50 - 60%. Tuy nhiên, nếu phối hợp tốt đạm động vật với đạm thực vật (đậu đỗ, vừng, lạc... ) sẽ tạo nên sự cân đối giúp hấp thu và sử dụng đạm tốt hơn.
Nhu cầu chất đạm của trẻ từ 1 - 3 tuổi là 28 g/ngày. Khi chế độ ăn thiếu đạm sẽ làm cho trẻ chậm lớn, kém thông minh, nhưng nếu cho trẻ ăn quá nhiều đạm cũng không tốt vì gây gánh nặng cho gan, thận. Mặt khác, trong quá trình tiêu hóa, chất đạm tạo ra nhiều sản phẩm gây thối rữa, độc hại.
Trong bữa ăn của trẻ chất đạm chỉ phát huy tác dụng cao khi có đủ năng lượng. Nếu khẩu phần ăn đủ đạm nhưng thiếu năng lượng trẻ vẫn có thể bị suy dinh dưỡng.
+ Chất béo:
Dầu mỡ vừa cung cấp năng lượng cao, làm tăng cảm giác ngon miệng, lại giúp trẻ hấp thu và sử dụng tốt các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K... rất cần cho trẻ. Mỗi bát bột, bát cháo, ngoài các thành phần khác (gạo, thịt, rau... ), cần cho thêm 1 - 2 thìa cà phê mỡ hoặc dầu.
Mỡ lợn, mỡ gà rất tốt cho trẻ vì trong thành phần các loại mỡ đó có các chất rất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ. Nếu trẻ đã ăn cơm thì nên cho mỡ hoặc dầu vào xào, rán, kho với thức ăn.
+ Các chất khoáng:
- Các chất khoáng rất cần cho sự tạo xương, tạo răng, tạo máu và các hoạt động chức năng sinh lý của cơ thể. Ở lứa tuổi này canxi và phốt pho cần được chú ý để cung cấp đủ cho trẻ, hằng ngày trẻ cần 400 - 500 mg canxi. Canxi có nhiều trong sữa và các loại tôm, cua, ốc, trai...
- Phốt pho có nhiều trong các loại lương thực, ngũ cốc. Cần có một tỷ lệ thích hợp giữa canxi và phốt pho mới giúp trẻ hấp thu và sử dụng được hai loại khoáng chất này. Tỷ lệ tốt nhất giữa canxi/phốt pho = 1/1,5.
- Ngoài việc ăn uống đủ, thỉnh thoảng cần cho trẻ ra ngoài tắm nắng tạo điều kiện cho vitamin D hoạt động, giúp cơ thể chuyển hoá tốt canxi và phốtpho.
- Chất sắt rất cần cho sự tạo máu, sắt còn tham gia vào thành phần nhiều men quan trọng trong cơ thể. Mỗi ngày trẻ cần được cung cấp 6 - 7 mg sắt qua thức ăn. Nguồn sắt tốt có trong thức ăn động vật là các nội tạng: tim, gan, bầu dục.
Nguồn sắt tốt có trong thức ăn thực vật là đậu đỗ và các loại rau có màu xanh sẫm. Sắt có trong thức ăn động vật hấp thu tốt hơn trong thức ăn thực vật nhưng trong rau quả lại có nhiều vitamin C giúp cơ thể hấp thu và sử dụng sắt có hiệu quả hơn.
Ưu tiên nguồn thức ăn động vật, phối hợp với các đậu đỗ và rau quả nhằm đảm bảo đủ sắt cho cơ thể.
+ Vitamin:
Mọi vitamin đều cần cho trẻ nhưng ở lứa tuổi này người ta quan tâm đến vitamin A và vitamin C. Hai vitamin này rất cần cho sự phát triển bình thường của trẻ, cần cho sự tạo máu, tăng cường sức chống đỡ với bệnh tật.
Ở lứa tuổi này nhu cầu vitamin A chính chỉ có trong các thức ăn động vật như trứng, gan... Rau quả có màu vàng, đỏ, da cam vừa là nguồn cung cấp caroten (tiền vitamin A) vừa là nguồn cung cấp vitamin C. Vì vậy, cần cho trẻ ăn rau, quả thường xuyên.
Thùy Linh
Theo GDVN