Nổi mụn nước trong miệng là bệnh gì?
(Giúp bạn)Mụn nước mọc bên trong khoang miệng không chỉ gây có chịu cho người bệnh mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật, bạn nên chú ý.
Thưa Bác sĩ, hôm nay em thức dậy thấy trong miệng có gì đó cộm cộm. Khi soi gương thì mới thấy có 1 mụn nước trong miệng, mụn không đau rát, nhìn thấy trong suốt, 1 mụn duy nhất. Em không biết là mụn gì, vài ngày trước em có hôn người yêu bị nhiệt miệng (bạn bị nhiệt ở môi và lưỡi), em không biết em có bị lây hay không? Hiện em đang bị cảm và ho rất nhiều, trước ngày nổi mụn tầm 3 ngày rồi, giờ vẫn còn ho. Vậy em bị bệnh gì thưa Bác sĩ? Cảm ơn Bác sĩ!
BS. Nguyễn Văn An - Chuyên khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định trả lời:
Chào bạn!
Hiện tượng xuất hiện các mụn nước ở trong niêm mạc miệng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau như: giai đoạn đầu của bệnh nhiệt miệng, nốt Koplick trong những ngày đầu của bệnh sởi, mụn nước trong bệnh thủy đậu,… Trong bệnh nhiệt miệng, khởi phát có thể là những vết xây xước ở trong niêm mạc miệng hoặc những mụn nước sau đó bị vỡ ra và quá trình viêm loét phát triển. Nếu mức độ nhẹ, sức đề kháng của cơ thể tốt, các loét này có thể tự khỏi, nếu không các ổ loét lan rộng và sâu gây đau buốt, khó chịu và ảnh hưởng tới sinh hoạt và làm việc của người bệnh. Khi đó sẽ cần phải điều trị bằng các thuốc kháng sinh dạng uống và bôi tại chỗ kết hợp với vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày.
Không nên chủ quan khi gặp các vấn đề về răng miệng
Trong bệnh sởi, các mụn nước trong miệng chỉ xuất hiện trong 2 – 3 ngày đầu sau đó biến mất, các triệu chứng chủ yếu sau đó là các ban đỏ trên da, các dấu hiệu viêm long đường hô hấp và kết mạc (chảy nước mũi, kết mạc mắt đỏ, chảy nước mắt…). Còn trong bệnh thủy đậu, các mụn nước xuất hiện toàn thân kèm theo ngứa. Cả 2 bệnh này đều do virus gây nên và không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu là nâng cao thể trạng và bệnh sẽ khỏi sau 7 – 10 ngày.
Chúc bạn khỏe!
Dạ thưa Bác sĩ, cháu tên Thảo, 20 tuổi. Cháu bị nổi mụn nước trong miệng nằm ở môi dưới. Khi mụn vỡ ra cháu thấy có nước vàng lẫn máu nhưng sau đó cũng ngay vị trí đó lại mọc lên lại mụn nước khác. Xin Bác sĩ tư vấn cho cháu là cháu bị bệnh gì ạ? Cảm ơn Bác sĩ!
TS. Vũ Thị Lừu - Chuyên khoa Nội - Tiêu hóa - Bệnh viện E trả lời:
Chào bạn!
Bạn không mô tả rõ mụn nước mọc đơn lẻ hay nhiều, có kèm theo đau hay không nên khó tư vấn cho bạn. Trường hợp của bạn có thể là nhiệt miệng nếu kèm theo các triệu chứng viêm nhiễm, sưng nóng đỏ đau, lở loét rất khó chịu nhất là khi nhai nuốt, ăn uống. Cũng có thể hiện tượng này là do 1 mao mạch nào đó bị vỡ ra gây nên mụn nước nhỏ có máu trong đó. Nhưng do đây chỉ là mao mạch nên việc bị vỡ cũng không ảnh hưởng gì cả. Sau vài ngày hiện tượng này sẽ tự nhiên biến mất thôi. Có thể nguyên nhân do bạn cắn trúng môi, hoặc vô tình làm dập môi.
Trường hợp của bạn nên theo dõi, nếu tái đi tái lại nhiều lần bạn nên đi khám để được chẩn đoán:
- Uống vitamin C liều cao, B2. Vitamin A cũng rất tốt vì giúp cơ thể tái tạo niêm mạc nên chóng khỏi bệnh.
- Ăn nhiều rau cải xanh hoặc cải bắp, uống nước cam, chanh.
- Lấy một nhúm hạt mè đen sắc nước ngậm nhiều lần trong ngày sẽ mau khỏi (cách này vô cùng công hiệu đối với ai thuộc thể âm hư hỏa vượng, thận âm hư…)
- Khi ăn xong súc miệng ngậm nước muối ấm pha loãng.
- Uống nhiều nước hơn bình thường.- Hạn chế ăn các loại gia vị cay nóng như ớt, tỏi, gừng, tiêu… nên ăn nhạt.
- Đặc biệt, trà xanh là một trong những dạng tinh chất được khuyến khích dùng để phòng ngừa bệnh nhiệt miệng vì hoạt chất kháng oxi hóa trong trà xanh có tác dụng thu ngắn thời gian phát tán của siêu vi.
Chúc bạn mạnh khỏe!
Tham khảo thuốc: Nước súc miệng Thái dương: Thúc đẩy tuần hoàn lợi (nướu) ngăn ngừa nguy cơ cao răng và viêm nhiễm gây sâu răng. Giúp khử sạch mùi hôi miệng và cho hơi thở thơm mát. Flour giúp cho răng chắc khoẻ mỗi ngày. Đặc biệt hương bạc hà độ cay nhẹ, thân thuộc, sát trùng nhẹ. |
Trà Mi
Theo GDVN