Trẻ 3 tuổi có được uống Loratadine?
(Giúp bạn)Loratadine đã được thử nghiệm lâm sàng với trẻ và chính thức được thừa nhận dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên.
Theo thông tin tôi được biết thì Loratadine 10mg chỉ được dùng cho trẻ em trên 12 tuổi, mỗi ngày một viên. Thế nhưng có một bác sĩ nhi ở TP.HCM kê đơn cho cháu tôi mới hơn 3 tuổi uống mỗi ngày một viên trong ba ngày để chữa viêm mũi họng. Xin hỏi, bác sĩ kê toa như vậy đúng hay sai?
(Thế Thảo - Đống Đa)
Trả lời:
Trường hợp thuốc Loratadine trị dị ứng, trị ho, sổ mũi mà bạn hỏi trước đây chống chỉ định tương đối với trẻ (tức tốt nhất không nên dùng cho trẻ, nhưng ở một số trường hợp vì lợi ích điều trị, bác sĩ có thể chỉ định dùng cho trẻ em). Cụ thể khi mới xuất hiện trên thị trường dược phẩm, Loratadine chưa được thử nghiệm lâm sàng với trẻ em dưới 12 tuổi nên thuốc chỉ dùng cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi.
Theo báo Tuổi trẻ, hiện nay Loratadine đã được thử nghiệm lâm sàng với trẻ và chính thức được thừa nhận dùng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên. Vì vậy bác sĩ nhi khoa kê đơn cho trẻ 3-4 tuổi dùng thuốc Loratadine là đúng chứ không sai.
Về liều dùng của Loratadine tùy thuộc tuổi và cân nặng của trẻ. Trẻ 2-12 tuổi, nếu cân nặng trên hoặc bằng 30kg (≥30kg) sẽ dùng liều giống người lớn, tức uống một viên Loratadine 10mg mỗi ngày hoặc uống hai muỗng cà phê xirô/ngày (mỗi muỗng cà phê 5ml chứa 5mg dược chất loratadine).
Trẻ từ 2-12 tuổi, nếu cân nặng dưới 30kg (<30 kg) sẽ dùng liều bằng nửa liều người lớn, tức uống nửa viên Loratadine 10mg/ngày hoặc uống một muỗng cà phê xirô/ngày. Như vậy trường hợp cháu bạn 3-4 tuổi tùy theo cân nặng mà dùng Loratadine theo liều như trên.
Lưu ý khi dùng thuốc chống dị ứng loratadine
Báo Sức khỏe đời sống cho biết, đối với các tình trạng dị ứng như viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, ngứa và mày đay liên quan đến histamin..., cần phải sử dụng tới các thuốc chống dị ứng. Một trong các thuốc đó là loratadine. Thuốc có tác dụng làm nhẹ bớt triệu chứng của các bệnh trên có liên quan đến histamin.
Nếu như với các kháng histamin thế hệ 1 (thế hệ cũ) như chlopheniramin khi uống thuốc qua được hàng rào máu não nên có tác dụng an thần sẽ gây hiện tượng ngủ gà thì loratadine là thuốc kháng histamin thế hệ 2 (thế hệ mới) không phân bố vào não, do đó, thuốc không có tác dụng an thần.
Và ngay trong nhóm thuốc kháng histamin thuộc thế hệ thứ hai này thì loratadin có tần suất tác dụng phụ, đặc biệt đối với hệ thần kinh trung ương thấp hơn các thuốc khác. Vì vậy, loratadine dùng ngày một lần, là thuốc lựa chọn đầu tiên để điều trị viêm mũi dị ứng hoặc mày đay dị ứng.
Cần lưu ý, những thuốc kháng histamin không có tác dụng chữa nguyên nhân mà chỉ trợ giúp làm nhẹ bớt triệu chứng.
Bệnh viêm mũi dị ứng có thể là bệnh mạn tính và tái diễn nên để điều trị thành công thường phải dùng các thuốc kháng histamin lâu dài và ngắt quãng và sử dụng thêm những thuốc khác như glucocorticoid dùng theo đường hít và dùng kéo dài.
Có thể kết hợp loratadin với pseudoephedrin hydroclorid để làm nhẹ bớt triệu chứng ngạt mũi trong điều trị viêm mũi dị ứng có kèm ngạt mũi.Khi dùng loratadin, người dùng sẽ có nguy cơ bị khô miệng, đặc biệt ở người cao tuổi và tăng nguy cơ sâu răng.
Do đó, cần phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ khi dùng loratadin. Khô miệng và đau đầu là hai tác dụng phụ thường gặp khi dùng thuốc này. Ngoài ra, các triệu chứng như khô mũi, hắt hơi ít gặp hơn. Hiếm gặp tim đập nhanh hay ngoại ban da... do thuốc.
Để hạn chế các tác dụng phụ trên, nên sử dụng thuốc với liều thấp nhất có hiệu quả.Không dùng thuốc cho trẻ em dưới 2 tuổi vì độ an toàn và hiệu quả khi dùng loratadin cho trẻ em dưới 2 tuổi chưa được xác định. Hiện thuốc có dạng viên nén thường, viên nén tan rã nhanh và siro. Riêng với viên nén loratadin tan rã nhanh, sử dụng thuốc trong vòng 6 tháng sau khi mở túi nhôm đựng vỉ thuốc và sử dụng thuốc ngay nếu bóc viên nén ra khỏi vỉ.
Tr.Tuyển
Theo GDVN