Sạm da, rám má
(Giúp bạn)Vì nguyên nhân nào đó, sắc tố melanin được sản xuất quá nhiều hoặc phân bố không đều trên da, sẽ gây thành chứng sạm da.
Thông tin trên trang tin điện tử BV Da liễu Trung ương, sạm da là tình trạng da của người bệnh đen sạm hơn so với da bình thường của chính mình. Sạm da có khi chỉ ở một vùng của cơ thể như rám má ở mặt, sạm da sau viêm, bớt sắc tố... Cũng có khi toàn thân đen sạm như trong bệnh lý của tuyến thượng thận (bệnh Addison), suy thận.
Rám má là một bệnh da với biểu hiện tăng sắc tố, thường xuất hiện ở mặt nhất là hai bên gò má, bệnh có ở cả hai giới, nhưng phụ nữ gặp nhiều hơn, bệnh tuy lành tính, không gây tử vong nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến tính sinh lý và thẩm mỹ của người bệnh đặc biệt là phụ nữ.
Nguyên nhân gây sạm da, rám má
Nguyên nhân của sạm da cũng rất phức tạp.
- Sạm da do di truyền hay bẩm sinh: hội chứng Leopard (có bất thường về điện tim, hai mắt cách xa nhau, hẹp động mạch phổi, bất thường bộ phận sinh dục, phát triển chậm, điếc), hội chứng Peutz-Jeghers (đột biến nhiễm sắc thể làm xuất hiện nhiều nốt ruồi ở môi dưới cùng với polip ở dạ dày, ruột và các mảng sắc tố trên da), tàn nhang là các đốm màu nâu hay cà phê sữa, có khi khu trú ở mặt, có khi lan tràn toàn thân, bệnh nặng lên về mùa xuân hè, giảm về mùa đông.
Ngoài ra còn phải kể đến các bệnh khác như: hội chứng Calm (các mảng màu cà phê sữa kích thước từ 2 - 20 cm, xuất hiện rất sớm đẻ ra đã có, bệnh sắc tố Becker, bệnh nhiễm sắc tố đầu chi của Dohi, tăng sắc tố dạng võng đầu chi của Kitamura, bớt sắc tố Mông Cổ, bớt Ito, Ota hay bệnh nhiễm sắc tố dầm dề (do di truyền trội trên nhiễm sắc thể X, xuất hiện ngay sau đẻ, bệnh gây sạm da ở nữ giới nhưng gây chết người ở nam giới).
- Sạm da do rối loạn chuyển hóa như bệnh nhiễm sắc tố sắt (tăng sắc tố màu thiếc hay màu đá xám, xuất hiện vùng da hở sau lan rộng ra. Bệnh thường xuất hiện ở nam giới tuổi trung niên kèm theo có gan to, tiểu đường và sắt huyết thanh cao). Bệnh thoái hóa bột (tăng sắc tố có tính đối xứng xuất hiện trong bệnh Lichen và thoái hóa bột thành mảng). Bệnh sạm da do hóa chất hay thuốc (hồng ban cố định nhiễm sắc), do dinh dưỡng gây sạm da trong bệnh thiếu vitamin A, B12, PP (sạm da ở vùng da hở).
- Sạm da cũng do yếu tố vật lý như cháy nắng, rám nắng ở những vùng hở bộc lộ với ánh sáng mặt trời mà không được bảo vệ.
- Đôi khi sạm da còn gặp trong một số bệnh: sạm da sau viêm hay nhiễm khuẩn, do khối u (các bớt sắc tố, u tế bào sắc tố), cũng có khi sạm da còn gặp trong một số bệnh hệ thống, nhiễm khuẩn toàn thân, u lympho, bệnh gai đen, xơ cứng bì, suy thận...
- Rám má là bệnh da do rối loạn chuyển hóa sắc tố Melanin ở da, đặc biệt là ở số lượng tế bào của thượng bì. Ở những người bị bệnh rám má, số lượng tế bào sắc tố hoàn toàn bình thường, nhưng do rối loạn nội tiết tố đặc biệt là estrogen làm cho tế bào sắc tố tăng cường sản xuất ra sắc tố melanin và các sắc tố này được tăng cường vận chuyển sang các tế bào thượng bì vì vậy làm tăng sắc tố của da.
Bên cạnh đó, các đại thực bào cũng di chuyển lên thượng bì và thực bào các sắc tố sau đó di chuyển và khu trú ở trong, thậm chí cả dưới hạ bì. Chính vì thế, trên lâm sàng vừa có rám má khu trú ở trung bì vừa có rám má khu trú ở cả trung bì và thượng bì hay còn gọi là rám má hỗn hợp.
- Chính vì lẽ đó người ta cho rằng rám má là một bệnh da tăng sắc tố có nguyên nhân là do nội tiết. Do vậy bất kể nguyên nhân nào ảnh hưởng tới nội tiết của cơ thể đều có thể làm phát sinh rám má, đặc biệt các nội tiết tố sinh dục như: Androgen, estrogen, progesteron,… ngoài ra một số loại hoóc-môn khác cũng có thể làm phát sinh bệnh như hoóc-môn tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến yên…
Biểu hiện lâm sàng của sạm da, rám má
- Rám má hay nám má với biểu hiện là các dát sắc tố màu nâu, xanh đen, hay đen sạm ở hai bên má, trán, cằm, mũi.
- Các dát sắc tố thường sắp xếp đối xứng, kích thước có khi nhỏ, khi to.
- Bờ của các vết sạm da rõ nhưng không đều, không có teo da, không bong vảy da và không có ngứa.
- Bệnh hay gặp ở người uống thuốc tránh thai, trong khi mang thai, thời kỳ cho con bú, đôi khi còn gặp ở những phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh thậm chí có khi gặp ở phụ nữ trẻ chưa lập gia đình.
Yếu tố làm tăng nguy cơ rám má
Sức khỏe & đời sống cho hay, một số yếu tố thuận lợi làm phát sinh bệnh như: Uống thuốc tránh thai, viêm nhiễm cấp hay mạn tính, hay gặp trong viêm xoang, viêm phần phụ,... chửa đẻ, nghề nghiệp nhất là những người làm nghề có liên quan đến dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu những người sản xuất và sử dụng nhiều nước hoa.
Tham khảo thuốc: 3b – Medi: Bổ sung các vitamin nhóm B cho cơ thể. Với liều cao dùng để điều trị các chứng đau nhức do các bệnh lý thần kinh, bệnh yếu cơ... |
Trà Mi
Theo GDVN