Sinh non làm sao để không mất sữa?
(Giúp bạn)Rất nhiều trường hợp sau khi sinh những bà mẹ rất hay bị mất sữa, để duy trì nguồn sữa mẹ, thai phụ cần nặn hút sữa thường xuyên trong giai đoạn trẻ còn nằm viện.
Hỏi:
Em sinh thường được 5 ngày, đi tiểu bình thường. Tuy nhiên, nước tiểu không chảy thành 1 dòng như trước mà chảy thành 2 dòng riêng biệt. Vết thương lúc em vệ sinh thì thấy sưng lên, cảm giác lồi ra ngoài. Khi ngồi và đi đứng có cảm giác phần bên vết khâu bị trì xuống ở chỗ hậu môn gây khó chịu. Do sinh non nên cháu bé còn đang điều trị ở bệnh viện nhi, mấy ngày đầu có sữa nhiều khiến ngực căng tức dù em sử dụng dụng cụ hút sữa. Nhưng hôm nay thì em không thấy hiện tượng căng tức nữa. Xin bác sĩ tư vấn giúp làm như thế nào để giữ lại nguồn sữa đến khi trẻ được về với mẹ?
Lại Xuân Quỳnh (quận 9, TPHCM)
TS.BS Lê Thị Thu Hà, Khoa Sản A, Bệnh viện Từ Dũ TP HCM trả lời trên báo Kiến thức, với vết khâu tầng sinh môn sưng nề, trì nặng về phía hậu môn và tiểu thành 2 dòng thì cần phải đến bệnh viện khám lại ngay. Có thể do nhiễm trùng, máu tụ...
Để duy trì nguồn sữa mẹ, em cần nặn hút sữa thường xuyên trong giai đoạn trẻ còn nằm viện. Mỗi ngày em có thể hút sữa 7 - 8 lần, như vậy mới kích thích tạo sữa mới em ạ. Bên cạnh đó em cần ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ.
Những thủ phạm khiến mẹ mất sữa
Có rất nhiều nguyên nhân gây mất sữa nhưng theo các bác sản khoa có những nguyên nhân chủ yếu sau:
Stress, trầm cảm
Theo báo Khám phá, đây là vấn đề thường gặp đối với hầu hết các mẹ trong thời gian mang thai và đặc biệt là sau sinh. Sau khi sinh vừa trải qua quá trình mang thai nặng nhọc, sinh đẻ mất sức, mất máu, thay đổi nội tiết. Người mẹ lại thiếu ngủ do thức đêm chăm sóc bé... vì vậy dễ rơi vào tình trạng trầm cảm sau sinh khiến sữa càng ra ít.
Ngoài ra, có những mẹ lo lắng quá mức khi chưa kịp thấy sữa hay lượng sữa ít, chính điều này cũng là nguyên nhân làm lượng sữa càng ít dần hơn.
Nghỉ ngơi không hợp lý
Sau sinh cơ thể mẹ thường yếu, sức đề kháng kém vì vậy các mẹ cần có một chế độ nghỉ ngơi phù hợp. Tuy nhiên, nhiều mẹ vì chăm con mà mất ngủ, ngủ không đủ giấc, hoặc một số mẹ khác do hoàn cảnh phải làm việc sớm và làm việc quá sức dẫn đến hoạt động tuyến sữa bị yếu. Do đó, kéo theo tình trạng ít sữa, tắc sữa thậm chí mất sữa.
Chế độ dinh dưỡng kém
Sau khi sinh nhiều mẹ quá kiêng khem do tập tục, quan niệm hoặc do hoàn cảnh không được chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nhiều mẹ do sợ tăng cân sẽ khó lấy lại vóc dáng sau sinh nên giảm ăn gây ảnh hưởng đến việc tiết sữa của cơ thể. Tình trạng này kéo dài thậm chí sẽ gây mất sữa hoàn toàn nếu không cho trẻ bú.
Thiếu kinh nghiệm
Do một số bà mẹ mới nuôi con lần đầu nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Các mẹ không cho bé bú thường xuyên, không đủ số lần trong ngày hoặc do cho bé bú không đúng cách nên không kích thích được phản xạ xuống sữa.
Do sinh mổ
Sinh mổ làm bé chưa được bú sữa ngay sau khi vừa sinh, thông thường cần từ 1 hoặc hơn 2 ngày sữa mới về. Bên cạnh đó, do phải tiêm thuốc kháng sinh nên ở cơ địa một số ít người thì thuốc kháng sinh có thể làm mất sữa.
Cho bé bú bình
Tuyến sữa sản xuất theo nhu cầu bú của bé, nếu sau khi sinh mẹ không cho bé bú thường xuyên mà thay vào đó cho bé bú bình sẽ dẫn đến trường hợp bé quen và không chịu bú sữa mẹ điều đó cũng khiến lượng sữa bị giảm dần.
Tr.Tuyển
Theo GDVN