Sơ cứu người bị ngộ độc thuốc ngủ
(Giúp bạn)Sử dụng thuốc ngủ phải do chỉ định của bác sĩ. Nếu tự ý sử dụng, nguy cơ dẫn đến nhiều tác hại không mong muốn rất lớn như ngộ độc thuốc ngủ.
Chia sẻ trên Báo điện tử Người đưa tin, PGS.TS Nguyễn Đăng Hòa, Giám đốc Trung tâm DI & ADR (thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc) Quốc gia cho biết, sử dụng thuốc ngủ phải do chỉ định của bác sĩ. Nếu tự ý sử dụng, nguy cơ dẫn đến nhiều tác hại không mong muốn rất lớn.
Trong đó, đáng lo ngại nhất là bệnh nhân lệ thuộc thuốc và bị hội chứng cai thuốc. Hội chứng cai thuốc là co giật, run, co cứng cơ bụng, nôn, toát mồ hôi sẽ xảy ra khi người bệnh ngừng sử dụng thuốc đột ngột.
Ngoài ra, Tiến sỹ Phạm Đức Thịnh, nguyên viện trưởng viện Pháp y tâm thần TƯ phân tích rằng, seduxen là diazepam; Lexomil là bromazepam. Hai thuốc này đều thuộc dẫn chất của nhóm benzodiazepin, nhưng Lexomil có tác dụng mạnh hơn. Chúng có tác dụng an thần, gây ngủ, chống co giật, giãn cơ, giải lo âu do tác động thần kinh trung ương.
Thuốc được dùng chủ yếu trong chuyên khoa tâm thần. Nó chỉ được số ít các hiệu thuốc tân dược bán và phải bán theo đơn của bác sĩ. Người dân tự ý mua và sử dụng những loại thuốc đó rất nguy hiểm. Vì chúng gây quen thuốc, gây nghiện làm cho người bệnh phải lệ thuộc vào thuốc.
Nếu sử dụng nhiều, vượt lượng sẽ gây hại trực tiếp tới sức khỏe, gây ra các triệu chứng như: Nói luyên thuyên, lo sợ vô cớ, tim đập nhanh, vã mồ hôi, bồn chồn, ảo giác, dễ bị kích thích, mất ngủ, chóng mặt, choáng váng; nặng hơn thì xuất hiện cảm xúc hận thù, cơn thịnh nộ, giận dữ dẫn đến không kiềm chế, kiểm soát được bản thân, ý tưởng tự sát...
Triệu chứng của người bị ngộ độc thuốc ngủ
Theo Sức khỏe và Đời sống, nếu bị ngộ độc nhẹ thì vẫn ngủ say, thở vẫn đều, mạch vẫn đều và rõ, còn phản ứng khi bị cấu vào da hay châm kim... các phản xạ gân và đồng tử giảm hoặc vẫn bình thường.
Còn người bị ngộ độc nặng sẽ rơi vào tình trạng hôn mê sâu, thở chậm và nông, khò khè, mạch nhanh, huyết áp hạ hoặc không đo được, đồng tử co và giảm phản xạ với ánh sáng, phản xạ gân, cơ mất. Trong hơi thở của nạn nhân bị ngộ độc có thể có mùi thuốc.
Nạn nhân khó thở, ngứa họng, ngứa mũi, có khi thở chậm hoặc nhanh hơn bình thường (người lớn bình thường thở từ 16-18 lần/phút). Nhịp tim đập nhanh, có khi đập chậm. Tim đập không đều, ngắt quãng.Ngoài ra còn bị nôn mửa, có thể nôn ra máu, đau bụng, tiêu chảy.
Có thể bí tiểu, nước tiểu màu đỏ hồng (ra máu) hoặc đen, xanh, vàng tùy loại thuốc. Nếu bị nặng, nạn nhân có thể bị vô niệu (không tiểu được), mờ mắt, ù tai, đồng tử ở mắt có thể giãn to hoặc co lại nhỏ hơn bình thường, da khô, xanh tím. Có thể sốt cao hay hạ thân nhiệt, chân tay lạnh, vã mồ hôi…
Cách sơ cứu người bị ngộ độc thuốc ngủ
Thực hiện các thao tác để loại bỏ chất độc trong cơ thể người bị nạn bằng cách gây nôn bằng cách móc họng, đè gốc lưỡi người bị nạn để kích thích gây nôn. Hoặc hòa nước muối thật đậm đặc cho uống để gây phản xạ nôn.
Hãy tìm cách luôn luôn giữ cho đường thở lưu thông, thường xuyên hút đờm rãi, để bệnh nhân nằm đầu thấp và nghiêng đầu cho đờm dãi dễ chảy ra... Sẵn sàng chống ngừng thở, đặt nội khí quản và hô hấp hỗ trợ khi cần.
Nếu trong nhà có siro Ipeca, thì cho nạn nhân uống 30ml, sau đó cho uống khoảng 300ml nước (nếu là trẻ em thì cho dùng một nửa liều này). Nếu không có thể cho nạn nhân dùng nước đậu xanh giã nát, nước rau muống, khoai lang. Sau đó cần nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế để được xử trí thích hợp và kịp thời.
Khi phát hiện người bị ngộ độc thuốc ngủ đã bị ngừng tim, ngừng thở, trước tiên phải phục hồi lại chức năng hô hấp, tuần hoàn cho nạn nhân bằng cách hô hấp nhân tạo.
Chú ý: Chỉ xử trí gây nôn khi nạn nhân còn tỉnh. Khi người bị nạn đã nôn ra thì nên giữ lại chất nôn, mang đến bệnh viện xác định chất gây ngộ độc để điều trị bằng chất giải độc phù hợp. Khi nạn nhân bị hôn mê, cần đặt ở tư thế nằm đầu thấp và nghiêng một bên để tránh tình trạng hít sặc các chất nôn. Không được gây nôn trong trường hợp có co giật, người suy tim nặng, phụ nữ mang thai quá to.
Thuốc tham khảo: Diazepam -Giảm trong thời gian ngắn các triệu chứng của rối loạn lo hãi. -Điều trị hồi hộp, run, sảng, co giật và ảo giác do cai rượu. -Điều trị giảm co thắt cơ trong một số bệnh thần kinh. -Dùng dập tắt cơn co giật và có thể phối hợp với một số thuốc khác để điều trị co giật tái diễn nặng. |
Thùy Linh
Theo GDVN