Suy giãn tĩnh mạch chân
(Giúp bạn)Suy giãn tĩnh mạch chân không nguy hiểm đến tính mạng, chỉ gây khó chịu, đau đớn và mất thẩm mỹ, cản trở sinh hoạt.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, suy giãn tĩnh mạch chân hay còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay suy van tĩnh mạch chi dưới là thuật ngữ chỉ sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh, gây ra các triệu chứng như nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, vọp bẻ (chuột rút) về ban đêm... có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành (nhất là ở người già), chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạnh nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu.
Yếu tố nguy cơ gây giãn tĩnh mạch chân
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi chưa được xác định rõ ràng nguyên nhân.
Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chân gây ra do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên đã được xác nhận như: quá trình thoái hóa do tuổi tác; do tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, phải mang vác nặng... tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân, làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân, lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều.
Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực, dẫn đến ứ máu ở hai chân; các yếu tố nguy cơ như: chế độ làm việc (phải đứng nhiều, làm việc trong môi trường ẩm thấp), béo phì, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin...
Triệu chứng giãn tĩnh mạch chi dưới
Theo Sức khỏe & đời sống, ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới thường mờ nhạt và thoáng qua, người bệnh có biểu hiện: đau chân, nặng chân, mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, vọp bẻ, chuột rút vào buổi tối, châm chích, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm. Những triệu chứng này thường không rõ ràng nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua.
Giai đoạn tiến triển bệnh sẽ gây phù chân, có thể phù ở mắt cá hay bàn chân, đôi khi người bệnh chỉ có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường. Vùng cẳng chân xuất hiện chàm da, thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày làm rối loạn biến dưỡng. Các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân, nặng hơn thì có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da, các mảng bầm máu trên da...
Các tĩnh mạch giãn to nếu không được điều trị, lấy bỏ sẽ có nguy cơ tạo lập cục máu đông, gây viêm tĩnh mạch nông huyết khối. Các cục máu đông tạo lập trong lòng mạch có thể bong ra, theo dòng máu trôi ngược lên phổi, làm tắc mạch phổi, nguy cơ tử vong cao.
Các tĩnh mạch giãn to dần, đến một lúc nào đó sẽ bị vỡ khi chấn thương hay va chạm nhẹ, gây xuất huyết, bầm máu. Sự rối loạn biến dưỡng da ở cẳng chân lâu ngày sẽ dẫn đến chàm, tăng sắc tố da và loét chân do ứ đọng. Tình trạng loét chân do tĩnh mạch là một biến chứng rất khó điều trị.
Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới
Việc điều trị bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới đòi hỏi sự kết hợp giữa dùng thuốc, phẫu thuật và vật lý trị liệu tại các trung tâm chuyên sâu về bệnh này.
Điều trị nội khoa với các thuốc làm tăng sức bền thành mạch nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch. Một số thầy thuốc còn áp dụng phương pháp tiêm gây xơ tại chỗ với các thuốc làm xơ hóa lòng mạch máu.
Phẫu thuật bằng phương pháp Stripping lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn bằng một dụng cụ chuyên dùng cho phép rút các tĩnh mạch và phương pháp Chivas lấy các đoạn tĩnh mạch bị giãn của hệ thống xuyên, đây là phương pháp điều trị khá triệt để, có tỷ lệ tái phát thấp.
Biến chứng giãn tĩnh mạch chi dưới
Có 3 biến chứng mà người mắc bệnh suy và giãn tĩnh mạch chân có thể gặp phải là huyết khối (cục máu đông), xuất huyết (chảy máu) và loét chân.
Phương pháp phòng ngừa giãn tĩnh mạch chi dưới
Suy giãn tĩnh mạch là bệnh lý mang tính xã hội, liên quan nhiều đến chế độ ăn uống và làm việc. Vì vậy, khuyến cáo chung là nên tránh đứng lâu, ngồi nhiều, nhất là nhân viên văn phòng, không nên ngồi làm việc một chỗ liên tục trong suốt buổi làm việc, tranh thủ giải lao, đi lại vận động vài phút trong khoảng thời gian làm việc từ 30-60 phút.
Trong lúc ngồi làm việc, có thể phối hợp các bài tập vận động chân như co duỗi các ngón chân, gập duỗi cổ chân, nhón gót... để máu lưu chuyển tốt hơn. Ăn nhiều rau quả, chất xơ, vitamin.
Nên tập thể dục để giảm cân như: bơi lội, đi xe đạp, tập dưỡng sinh.
Trà Mi
Theo GDVN