Suy nhược thần kinh: Chẩn đoán, điều trị
(Giúp bạn)Người bị suy nhược thần kinh thường không được can thiệp sớm do đó để lại hậu quả tâm lý thêm nặng nề và gây tốn kém cho người bệnh.
Chẩn đoán suy nhược thần kinh
Theo Sức khỏe & đời sống, chẩn đoán thể bệnh: tuy có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng người ta thống nhất chia làm các thể bệnh là suy nhược thần kinh thể cường và thể nhược.
Suy nhược thần kinh thể cường: quá trình ức chế tích cực, ức chế có điều kiện nhưng dễ bị suy yếu. Bệnh nhân dễ có triệu chứng kích thích và mất khả năng tự chủ.
Suy nhược thần kinh thể nhược: thường xuất hiện ức chế bảo vệ quá giới hạn, quá trình hưng phấn suy yếu rõ, bệnh nhân có biểu hiện các triệu chứng suy nhược thần kinh.
- Bệnh cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh trầm cảm hoặc rối loạn lo âu. Trong suy nhược thần kinh, triệu chứng quan trọng là bệnh nhân dễ mệt mỏi, yếu đuối và lo lắng do chức năng hoạt động trí óc và thể lực bị suy giảm mà không phải do một bệnh thực thể nào gây nên.
Điều trị suy nhược thần kinh
Bệnh nhân suy nhược thần kinh có nguồn gốc tâm lý cho nên điều trị chủ yếu là tâm lý liệu pháp.
- Các biện pháp điều trị nhằm giải quyết và loại trừ căn nguyên tâm lý. Trong điều trị tâm lý liệu pháp cần giải thích hợp lý về bệnh tật cho bệnh nhân hiểu. Sử dụng ám thị điều trị cho bệnh nhân. Hướng dẫn bệnh nhân tập khí công dưỡng sinh.
Trang tin điện tử Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm, bệnh nhân không nên tự động dùng thuốc mà cần có sự hướng dẫn của thầy thuốc để sử dụng cho hợp lý, tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc.
Các thuốc tác động lên cơ chế sinh bệnh có tác dụng lên quá trình hưng phấn hệ thần kinh như: sulbutiamine (arcalion) hoặc asthenal uống sau ăn sáng. Nếu uống vào buổi trưa hoặc tối có thể gây mất ngủ, nếu uống vào lúc đói có thể gây cồn cào, khó chịu vùng thượng vị.
Các thuốc khác có tác dụng chữa triệu chứng, tuỳ từng bệnh nhân khác nhau có thể chỉ định cho các thuốc khác nhau. Các thuốc hay được các bác sĩ khuyên dùng là:
- Tăng cường tuần hoàn và dinh dưỡng não: piracetam, ginkgo biloba...
- Thuốc an thần, trấn tĩnh: nên dùng các thuốc có tác dụng an thần nhẹ, trấn tĩnh. Tuy nhiên nhóm thuốc này thường gây quen thuốc nên sử dụng cần thận trọng.
- Thuốc giảm đau: hay dùng là các dẫn chất của paracetamol và acetaminophen: các thuốc này có đặc điểm là tác dụng nhanh nhưng có tác dụng bất lợi là độc với gan, thận, tác dụng lên đường tiêu hoá. Khi sử dụng nên dùng xa bữa ăn, uống với nhiều nước.
- Các vitamin: đừng quan niệm vitamin là các thuốc bổ mà sử dụng tuỳ tiện. Đây là nhóm thuốc cung cấp các yếu tố vi lượng, có tác dụng tới quá trình chuyển hoá của cơ thể đồng thời nó cũng có tác dụng phụ không tốt nếu ta dùng quá liêu và không đúng chỉ định.
Biến chứng suy nhược thần kinh
Người bị suy nhược thần kinh thường không được can thiệp sớm do đó để lại hậu quả tâm lý thêm nặng nề và gây tốn kém cho người bệnh.
Chẳng hạn người bị đầu óc quay cuồng, đau đầu dữ dội thường đi đến khoa thần kinh; người tim hồi hộp tức ngực, mạch nhanh thở gấp thường đến khoa tim mạch; người ăn không tiêu, đầy bụng, ợ hơi thường đến khoa tiêu hoá; người kinh nguyệt không đều, giảm ham muốn tình dục thường đến khoa phụ sản hoặc khoa tiết niệu; người tinh thần mệt mỏi, ngày càng sụt cân thường đến khoa nội tiết; người mất ngủ nghiêm trọng, lo lắng không yên thường đến khoa nội.
Các khoa ở bệnh viện đa khoa, dường như đều có thể tìm thấy bệnh nhân bị suy nhược thần kinh, mặc dù các bác sĩ luôn cho biết kiểm tra chưa phát hiện có bệnh ở cơ quan nào.
Nhưng bệnh nhân thường tự chuyển khoa hoặc chuyển viện tiếp tục tìm nguyên nhân gây bệnh, hoặc tìm bác sĩ nổi tiếng, thuốc linh nghiệm để làm giảm đau khổ cho mình, nhưng lại không muốn hoặc không nghĩ ra đi đến khoa tâm thần để chẩn đoán và điều trị.
Họ không hiểu, cũng không có nhận thức vấn đề tâm lý và trạng thái tình cảm có ảnh hưởng then chốt đối với cảm giác cơ thể và chức năng ngủ.
Tham khảo thuốc: Tobicom Caps: Nhức mỏi mắt, viêm giác mạc, đau nhức mắt, giảm thị lực trong thời kỳ cho con bú, quáng gà, bổ sung dưỡng chất khi suy yếu thị lực. |
Trà Mi
Theo GDVN