Tại sao người Việt thấp bé nhẹ cân?

23:13 10/02/2014

(Giúp bạn)Ăn quá nhiều đạm, uống thiếu sữa, ăn nhiều chất béo và bột đường nhưng lại không đủ vitamin (A, D, C…) và chất khoáng (canxi, i ốt, kẽm, sắt…) cũng dẫn đến thiếu chiều cao.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trẻ em Việt Nam dưới năm tuổi suy dinh dưỡng thấp còi đang ở mức cao 29%. Việt Nam là một trong 36 nước có tỷ lệ thấp còi nhất thế giới (36 nước này chiếm 90% trẻ thấp còi trên toàn thế giới!). Thấp còi mang đến nhiều hậu quả: nguy cơ cao mắc bệnh mạn tính không lây; năng lực học tập, lao động thấp hơn các bạn cùng trang lứa; khi lớn lên, sức lao động kém, ảnh hưởng năng suất lao động, cản đà phát triển của toàn xã hội; về tâm lý thì thiếu tự tin.

tai-sao-nguoi-viet-thap-be-nhe-can-1 
 
BS Đào Thị Yến Phi - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM cho rằng: “Thấp còi là tình trạng thiếu chiều cao so với tiềm năng di truyền. Các yếu tố có thể dẫn đến thấp còi sớm bao gồm: di truyền thấp, dinh dưỡng thiếu hoặc không cân đối, vận động ít, ngủ muộn, dậy thì sớm, mắc bệnh nhiễm trùng, giữ eo ở tuổi dậy thì…”.
  • 1

    Vận động ít, ngủ muộn…

    Với gia đình ít con nên cha mẹ có xu hướng bảo bọc, không cho con chạy chơi, đi đâu cũng đưa rước, ít vận động thể dục thể thao mà phần lớn ngồi xem ti vi suốt ngày... Ngoài ra, trẻ có khuynh hướng ngủ muộn sau 22g làm rút ngắn giấc ngủ sâu. Trong khi đó, các nội tiết tố kích thích tăng trưởng chiều cao thường tiết ra lúc ngủ sâu.

  • 2

    Nhiều sai lầm trong việc nuôi con

    Ăn quá nhiều đạm, uống thiếu sữa, ăn nhiều chất béo và bột đường nhưng lại không đủ vitamin (A, D, C…) và chất khoáng (canxi, i ốt, kẽm, sắt…) cũng dẫn đến thiếu chiều cao.

  • 3

    Không phát triển chiều cao vì bệnh

    tai-sao-nguoi-viet-thap-be-nhe-can-2

    Trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng: viêm hô hấp, viêm amiđan, tiêu chảy... đều ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Bé ăn nhiều nhưng lại nuôi một “tập đoàn” ký sinh trùng trong cơ thể cũng không thể phát triển chiều cao.

  • 4

    Dậy thì sớm, giữ eo…

    Chính sự tích tụ mỡ ở cơ thể gây nên sự rối loạn chuyển hóa nội tiết tố dẫn đến dậy thì sớm. Ngược lại các em sợ mập, ăn uống kiêng khem để giữ eo trong độ tuổi dậy thì cũng là nguyên nhân khiến các em không cao.

  • 5

    Môi trường gây… lùn

    Ô nhiễm không khí, tiếng ồn khiến cho giấc ngủ của trẻ không tốt. Môi trường nhiều dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng đến trẻ em, nhất là các em bị béo phì, suy dinh dưỡng sẽ dễ nhiễm bệnh làm chậm tăng trưởng.

  • 6

    Thời gian mang bầu cũng ảnh hưởng lớn đến chiều cao của trẻ.

    Theo TS Trần Thị Minh Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, sự thiếu dinh dưỡng trong giai đoạn tăng trưởng trong bụng mẹ sẽ ảnh hưởng đến trọng lượng và chiều dài thai nhi.

  • 7

    Di truyền… thấp

    Chiều cao do di truyền, vì vậy cha mẹ lùn không thể sinh con cao. Tuy nhiên, theo BS Đào Thị Yến Phi - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM: “Điều này chưa được xác định, tức là chưa ai biết khả năng di truyền về chiều cao của người Việt Nam là bao nhiêu. Nhưng, dựa trên thực tế những thế hệ được nuôi dưỡng tốt sau này, có thể dự trù tiềm năng chiều cao của dân ta không đến nỗi tệ”.

    tai-sao-nguoi-viet-thap-be-nhe-can-3

    Chiều cao chỉ phát triển trong một giai đoạn nhất định. BS Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM cho biết: “Khi qua tuổi dậy thì không thể khắc phục những trẻ đã thiếu chiều cao”. Để không hối tiếc, bác sĩ khuyên: “Phụ nữ mang thai cần bổ sung sắt để sinh con không thiếu cân sẽ thiếu chiều cao sau này (chiều dài bé sau khi sinh 50cm là đạt chuẩn). Cho bé bú sữa mẹ, chích ngừa phòng các bệnh nhiễm trùng, giữ môi trường lành mạnh, không hút thuốc… Khi bé lớn cần cho ăn đa dạng để không thiếu các vi chất ảnh hưởng đến tăng trưởng, bổ sung sinh tố liên quan đến chiều cao, tăng trưởng. Song song là tập thói quen tốt: đi ngủ sớm, dậy sớm vận động thể dục thể thao…”.

Comments