Thận trọng với thuốc bôi ngoài da chứa corticoid

15:27 14/04/2015

(Giúp bạn)Thuốc bôi ngoài da chứa corticoid tuy có nhiều tác dụng trị liệu rất tốt nhưng cũng có không ít tác dụng phụ gây nguy hiểm do đó người bệnh không nên tự ý sử dụng mà chỉ dùng khi có sự chỉ định và theo dõi của thầy thuốc.

Mặt trái của thuốc bôi ngoài da có chứa corticoid

Theo Báo điện tử Người lao động, việc sử dụng thuốc bôi ngoài da dạng kem thuốc (crème) hoặc thuốc mỡ (pommade) có chứa dược chất corticoid có thể kể đến một số biệt dược như: Cortibion, Celestoderme, Synalar, Halog, Hydrocortisone, Flucinar, Topsyne, Betneval… và hàng chục tên khác.

Đây là thuốc bôi ngoài da chứa dược chất chống viêm rất quý, nếu dùng đúng chỉ định có thể chữa khỏi một số bệnh ngoài da khó trị. Song, ngay cả một số người lớn, đặc biệt là phụ nữ, cũng sử dụng sai chỉ định, như dùng chữa các vết lở loét, trị mụn trứng cá, thậm chí dùng như kem dưỡng da.

Lưu ý, các loại corticoid nếu bôi lâu ngày trên da sẽ làm teo da, rạn da, da dễ bị nhiễm trùng do mất sự đề kháng. Nếu bôi lên mặt lâu ngày, da mịn màng đâu chẳng thấy mà sẽ thấy nổi trứng cá đỏ, phát mụn li ti khắp mặt. Không những thế, thuốc còn có thể thấm qua da vào máu gây tác dụng toàn thân (có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm).

Các cô gái trước tuổi dậy thì nếu bôi các loại corticoid lên da diện rộng, lâu ngày sẽ bị rối loạn sự phát triển hệ lông. Cũng do corticoid có thể thấm qua da vào máu nên có chống chỉ định (tức không được dùng) ở trẻ sơ sinh, nhũ nhi. Bôi ngoài da cho trẻ, thuốc chứa corticoid sẽ làm giảm sức đề kháng ở nơi bôi làm bùng phát hiện tượng nhiễm khuẩn.

Cách đây không lâu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM) thông báo trường hợp đau lòng là một trẻ 2 tháng tuổi bị hoại tử đầu ngón tay, phải phẫu thuật cắt bỏ phần hư chỉ vì người thân mua kem chứa thuốc corticoid thoa mụn bóng nước trên da. Tình trạng hoại tử đầu ngón tay vừa kể là vì vi khuẩn gây hoại tử do corticoid làm giảm sức đề kháng và vi khuẩn có điều kiện phát triển.

-1

Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết thêm, corticoid có hoạt tính mạnh nhất ở dạng thuốc mỡ, tiếp đến là thuốc dạng dầu, gel, cream, dung dịch, xịt. Mỗi loại được lựa chọn cho một số vùng da đặc trưng:

- Mỡ: Tác dụng tốt nhất đối với những tổn thương mạn tính có dày da. Tránh bôi lên tổn thương da cấp tính có mụn nước, chảy nước, vùng da nhiều nếp gấp hoặc bẹn, bìu.

- Dung dịch, gel, xịt: Thích hợp cho vùng có lông tóc.

- Kem, dung dịch: Tốt nhất cho vùng nếp gấp.

- Gel, xịt: Thích hợp cho tổn thương ở niêm mạc.

Việc dùng corticoid không đúng có thể gây nhiều phiền toái như: teo da (nhất là khi dùng thuốc có hoạt tính cực mạnh, bôi lên vùng da mỏng hoặc có nếp gấp), trứng cá, giòn da, rạn da, giãn mạch, xuất huyết, rậm lông, rối loạn sắc tố, bội nhiễm, chậm liền vết thương...

Cách khắc phục là giảm hàm lượng và thời gian dùng thuốc, hoặc dừng thuốc một cách kịp thời và thích hợp; tác dụng phụ sẽ giảm và mất dần trong vài tháng. Riêng hiện tượng rạn da sẽ không phục hồi được.

Việc bôi corticoid ở mặt, hậu môn, sinh dục trong thời gian dài có thể dẫn đến phụ thuộc thuốc (lúc đầu, thuốc có đáp ứng tốt, nhưng khi ngừng dùng thì các triệu chứng trở lại và nặng hơn). Do lớp sừng và thượng bì ở da mỏng đi, bệnh nhân dễ bị kích ứng da, kém chịu đựng với các loại mỹ phẩm.

Lúc này, phải dừng ngay corticoid và bôi các chất làm mềm da; các triệu chứng bệnh sẽ tăng lên nhưng sẽ mất hoàn toàn sau vài tuần hay vài tháng.

Tránh tác dụng phụ của thuốc bôi ngoài da chứa corticoid

-2

- Thuốc phải được sử dụng đúng chỉ định; thời gian và số lần bôi trong ngày phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc. Thông thường mỗi ngày bôi 1-2 lần. Đối với những tổn thương mạn tính, thường bôi thuốc trong 2 tuần, sau đó nghỉ vài ngày hoặc một tuần rồi lặp lại 2-3 đợt như vậy.

- Đối với các vùng da có đặc điểm giải phẫu khác nhau, nên dùng thuốc có độ mạnh khác nhau. Ví dụ, ở vùng da dày như bàn tay, bàn chân, nên dùng loại có hoạt tính mạnh, cực mạnh; còn ở mặt, bẹn, bìu, nên dùng loại vừa hoặc nhẹ.

- Tránh bôi một vùng da rộng, nhất là với loại có hoạt tính mạnh, vì thuốc dễ gây biến chứng toàn thân. Việc bôi thuốc mỡ với diện rộng sẽ gây hạn chế hô hấp ở da. Bởi vậy, nếu có thương tổn lan tỏa toàn thân, nên bôi luân chuyển từng vùng.

- Đối với trẻ dưới 1 tuổi, chỉ nên dùng loại có hoạt tính nhẹ. Nếu có tổn thương ở vùng tã lót, không bôi thuốc quá 7 ngày.

Thuốc tham khảo: Flucinar 15g

Chỉ định: bệnh vẩy nến, eczema, viêm da tiết bã nhờn, lichen phẳng.

Thùy Linh

Nên đọc
-3 Bà bầu có được uống thuốc Elevit không?
-4 Chữa cảm cúm không cần thuốc kháng sinh
-5 Các nhóm thuốc điều trị nhồi máu cơ tim
-6 Thuốc điều trị bệnh viêm phổi

Theo GDVN

Comments