Ung thư buồng trứng

15:47 14/04/2015

(Giúp bạn)Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc ung thư buồng trứng là 4,6/100.000. Hầu hết các trường hợp xuất hiện ở tuổi trên dưới 50, nhưng bệnh cũng có thể xảy ra ở tuổi trẻ hơn.

Các loại khối u buồng trứng

Thông tin trên trang tin điện tử Bệnh viện K, cơ thể con người ta được cấu tạo từ nhiều loại tế bào. Trong điều kiện bình thường, các tế bào lớn lên, phân chia và tạo ra nhiều tế bào khác khi cơ thể cần đến chúng. Quá trình này giúp cho cơ thể khoẻ mạnh. Tuy nhiên đôi khi các tế bào vẫn phân chia khi cơ thể không cần đến. Những tế bào thừa này hình thành nên 1 khối tổ chức mà người ta gọi là tăng sinh hoặc khối u.

Khối u có thể là lành tính hoặc ác tính

Các khối u lành tính thì không phải là ung thư. Sau khi được lấy bỏ thì hầu hết không phát triển trở lại. Các tế bào trong khối u lành tính không lan tràn đến các cơ quan bộ phận khác trong cơ thể. Điều quan trọng nhất là khối u lành tính rất hiếm khi đe doạ đến tính mạng

U nang buồng trứng là 1 loại tăng trưởng khác. Đó là 1 túi chứa đầy nước hình thành từ bề mặt buồng trứng. Đó không phải là ung thư. U nang buồng trứng thường mất đi mà không cần điều trị gì. Đôi khi bác sỹ có thể chỉ định phẫu thuật, nhất là khi chúng có vẻ to lên.

-1

Khối u ác tính còn gọi là ung thư. Các tế bào trong loại khối u này là những tế bào bất thường, phân chia không theo nhu cầu của cơ thể và cũng không chịu sự kiểm soát nào của cơ thể. Chúng có thể xâm lấn và phá huỷ các mô và cơ quan xung quanh. Các tế bào ung thư có thể lan tràn từ nơi ban đầu đến các bộ phận khác ở xa trong cơ thể, quá trình này goi là sự di căn.

Khối u ác tính xuất phát từ buồng trứng gọi là ung thư buồng trứng. Có nhiều loại ung thư buồng trứng: Ung thư buồng trứng xuất phát từ bề mặt buồng trứng (còn gọi là ung thư biểu mô) là loại hay gặp nhất, trong khi đó những Ung thư buồng trứng xuất phát từ các tế bào sản xuất ra trứng (tế bào mầm) và Ung thư buồng trứng xuất phát từ mô nâng đỡ ở quanh buồng trứng ít gặp hơn.

Các tế bào ung thư buồng trứng có thể phát triển ra ngoài phạm vi buồng trứng và lan tràn đến các mô và cơ quan khác qua quá trình rơi rụng. Khi các tế bào u rụng ra, chúng có xu hướng cấy vào phúc mạc (1 màng lớn lót phía trong ổ bụng) và cơ hoành (1 cơ mỏng phân cách giữa ngực và bụng) để hình thành nên khối u mới. Ung thư buồng trứng cũng có thể gây nên dịch ổ bụng mà người ta còn gọi là dịch cổ trướng hay nước báng, làm cho bụng to lên và người bệnh có cảm giác đầy trướng.

Các tế bào ung thư buồng trứng cũng có thể chui vào máu hoặc hệ thống bạch huyết (các mô và cơ quan có trách nhiệm sản sinh và lưu trữ những tế bào bảo vệ cơ thể trước các bệnh nhiễm khuẩn), khi đó các tế bào u sẽ đi nhiều nơi và và hình thành nên những khối u mới tại đó.

Đối tượng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng

Tiền sử gia đình. Những người có quan hệ huyết thống bậc 1 (mẹ, con gái, chị em gái) hoặc những phụ nữ đã bị ung thư buồng trứng tự bản thân họ sẽ có nguy cơ mắc cao hơn đối với loại ung thư này. Khả năng mắc sẽ đặc biệt cao nếu như có từ 2 người trở lên trong số những người có quan hệ huyết thống bậc 1 mắc bệnh này. Nguy cơ có thể nhỏ hơn 1 chút, nhưng vẫn cao hơn bình thường nếu như có những người có quan hệ huyết thống khác như bà, cô dì, chị em họ gần mắc bệnh ung thư buồng trứng. Tiền sử gia đình mắc ung thư vú hay ung thư đại tràng cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư buồng trứng.

Tuổi. Khả năng phát sinh ung thư buồng trứng tăng theo tuổi của người phụ nữ. Hầu hết các ung thư buồng trứng xuất hiện ở tuổi trên 50, và nguy cơ cao nhất là ở tuổi trên 60.

Mang thai. Những phụ nữ chưa từng sinh con có nguy cơ cao hơn so với những phụ nữ đã sinh con. Trên thực tế, sinh càng nhiều con thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng càng giảm.

Tiền sử bản thân. Những phụ nữ có tiền sử bị ung thư vú hoặc ung thư đại tràng sẽ có nhiều khả năng mắc ung thư buồng trứng hơn so với những phụ nữ không có tiền sử.

Bột talc. Một số nghiên cứu gợi ý rằng những phụ nữ sử dụng bột talc ở vùng sinh dục qua nhiều năm sẽ tăng khả năng mắc ung thư buồng trứng.

Điều trị thay thế hormone. Có 1 số bằng chứng cho thấy những phụ nữ điều trị hormone thay thế sau khi mãn kinh cũng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn 1 chút.

-2

Triệu chứng, biểu hiện ung thư buồng trứng

Theo Sức khỏe & đời sống, ung thư buồng trứng thường không có triệu chứng gì đặc biệt cho đến tận giai đoạn phát triển muộn của chúng. Dấu hiệu và triệu chứng của ung thư buồng trứng có thể gồm:

- Đầy bụng, đau bụng, chướng bụng

- Khó tiêu, đầy hơi hoặc buồn nôn

- Đi tiểu nhiều lần

- Những thay đổi về thói quen của đường ruột không giải thích được (táo bón hoặc ỉa chảy)

- Giảm cân hoặc tăng cân không giải thích được

- Cảm giác đầy bụng, ngay cả sau bữa ăn nhẹ

- Chảy máu âm đạo bất thường

- Đau khi giao hợp (giao hợp đau).

Trà Mi

Nên đọc
-3 Rau mùi lợi sữa cho mẹ sau sinh
-4 Chăm sóc vết thương sau phẫu thuật
-5 Chăm sóc vết mổ và dinh dưỡng sau phẫu thuật thẩm mỹ
-6 Các loại thực phẩm ngăn ngừa táo bón hiệu quả

Theo GDVN

Comments