Bắt bài 5 thói quen ngủ của trẻ và cách xử lý giúp bé ngủ ngon hơn

Hải Yến 10:35 26/02/2017

(Giúp bạn) - Nhận dạng được thói quen ngủ của trẻ sẽ vô cùng hữu ích để bố mẹ có thể giúp trẻ có được giấc ngủ thật ngon. Dưới đây là 5 thói quen ngủ của trẻ và bật mí những cách xử lý cho bố mẹ để giúp bé ngủ ngon hơn.

1. Trẻ không thích ngủ
Cha mẹ nhiều khi sẽ cảm thấy thật khó tin và bất lực vì tại sao trẻ lại có thể không cần ngủ như vậy. Những đứa trẻ không thích ngủ thường chỉ gật gù 1 hay 2 tiếng nhưng sau đó lại thức dậy và hăng hái chạy nhảy,vui chơi hơn bao giờ hết và luôn đòi cha mẹ chơi cùng.
Cha mẹ nên làm gì?
Cha mẹ cần hiểu rằng ở độ tuổi nhỏ như vậy, trẻ thực sự cần ngủ đủ giấc, thậm chí cần ngủ nhiều hơn người lớn. Do đó khi trẻ lơ mơ hãy đặt trẻ xuống và vỗ về cho trẻ ngủ. Mẹ cũng nên nhờ ông bà giúp đỡ và chợp mắt lấy sức khi trẻ đã ngủ vì trẻ có thể thức dậy bất cứ lúc nào.

cách xử lý khi trẻ có thói quen không thích đi ngủ
cách xử lý khi trẻ có thói quen không thích đi ngủ

2. Trẻ hay gắt ngủ
Những đứa trẻ này thực sự rất khó chiều. Chúng mệt và cần ngủ nhưng chúng lại không muốn ngủ. Khi cha mẹ cố gắng ru trẻ ngủ bằng đọc sách, kể chuyện, làm trò cười và thậm chí khi đã lơ mơ rồi thì chúng vẫn cứ cố đòi hỏi tiếp.
Cha mẹ nên làm gì?
Hãy thật kiên nhẫn! Dù trẻ không muốn thừa nhận chúng buồn ngủ nhưng cha mẹ biết thừa rằng chúng sắp gật gù tới nơi. Cha mẹ nên giới hạn sách, truyện đọc trước giờ đi ngủ để trẻ không đòi hỏi và biết rằng việc đọc hết cũng có nghĩa là đã đến giờ ngủ rồi.

cách xử lý khi trẻ hay gắt ngủ
cách xử lý khi trẻ hay gắt ngủ

3. Trẻ ngủ không ngon giấc
Những giấc mơ thường xảy ra đối với trẻ nhỏ, vì vậy trẻ thường có thể hay gặp ác mộng và thức giấc giữa đêm. Cảm giác sợ hãi sau những cơn ác mộng sẽ khiến trẻ không dám ngủ lại.
Cha mẹ nên làm gì?
Cha mẹ nên tránh cho trẻ xem hay đọc cho trẻ những cuốn sách hay video có hình ảnh hơi đáng sợ, và hãy cố giải thích cho trẻ hiểu rằng ác mộng không hề có thật. Dạy trẻ những cách để tự lấy bình tĩnh như hít thở sâu hay tưởng tượng ra những điều vui vẻ, khuyến khích trẻ tự bình tâm và ngủ tiếp hoặc cha mẹ có thể bật những bản nhạc nhẹ nhàng, phù hợp với độ tuổi của con để trẻ có một giấc ngủ ngon.

cách xử lý khi trẻ ngủ không ngon giấc
cách xử lý khi trẻ ngủ không ngon giấc

4. Trẻ quen hơi mẹ
Những đứa trẻ như thế này thường thích gần gũi mẹ khi ngủ. Trẻ sẽ khó chịu hay quấy khóc nếu cha mẹ bắt trẻ ngủ riêng vì có thể trẻ đã quen với việc ngủ chung hoặc nếu trẻ ngủ một mình thì sẽ có cảm giác không an toàn và sợ hãi.
Cha mẹ nên làm gì?
Cha mẹ nên loại bỏ thói quen này của trẻ càng sớm càng tốt. Hãy tập cho trẻ thói quen ngủ riêng từ sớm vì điều này sẽ hình thành tính tự lập trong trẻ. Từ từ ở bên, vỗ về khi bé chuẩn bị đi vào giấc ngủ và rời đi khi bé đã ngủ say. Cha mẹ cũng có thể đưa cho trẻ vài con thú bông hay những chiếc chăn xinh xắn, ấm áp theo sở thích của trẻ để trẻ có cảm giác an toàn và được bao bọc.

cách xử lý khi trẻ quen hơi mẹ khi đi ngủ
cách xử lý khi trẻ quen hơi mẹ khi đi ngủ

5. Trẻ không ngủ khi lạ giường
Những đứa trẻ này quen với chiếc giường của mình và chỉ ngủ ngon khi được ngủ ở chiếc giường quen thuộc. Ví dụ cha mẹ đưa bé đi thăm ông bà và cho bé ngủ lại đây, trẻ nhất định không ngủ ngoan và khó ngủ ngon giấc.
Cha mẹ nên làm gì?
Cha mẹ nên cố gắng dần dần cho trẻ làm quen với những chỗ ngủ khác nhau từ sớm, cho trẻ tập quen với môi trường xung quanh. Cha mẹ cũng nên mang theo những tấm đệm mỏng, chăn mỏng hay đồ chơi quen thuộc mà trẻ hay ôm khi ngủ nếu có ý định cho bé ngủ ở nơi không phải nhà mình.

cách xử lý khi trẻ ngủ lạ giường
cách xử lý khi trẻ ngủ lạ giường

Comments