Vô hiệu hóa tác dụng phụ của thuốc hạ áp captopril thế nào?
(Giúp bạn)Một số tác dụng phụ không mong muốn thường gặp khi dùng thuốc này là chóng mặt và ngoại ban, ho.
Lưu ý tác dụng phụ của thuốc captopril
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, captopril là một thuốc được dùng trong điều trị tăng huyết áp. Tác dụng hạ huyết áp xảy ra trong khoảng 60 - 90 phút sau khi uống liều thứ nhất. Thời gian tác dụng phụ thuộc vào liều. Sau một liều bình thường, tác dụng thường duy trì ít nhất 12 giờ. Trong điều trị tăng huyết áp, đáp ứng điều trị tối đa đạt được sau 4 tuần điều trị. Việc giảm phì đại thất trái đạt được sau 2 - 3 tháng dùng captopril.
Tác dụng hạ huyết áp không phụ thuộc vào tư thế đứng hay nằm. Hạ huyết áp tư thế (hạ huyết áp thế đứng) thường ít gặp, nhưng có thể xảy ra, đặc biệt ở người có thể tích máu giảm. Ngoài điều trị tăng huyết áp thuốc còn được dùng để điều trị suy tim và nhồi máu cơ tim. Thuốc được uống trước bữa ăn 1 giờ. Liều lượng và số lần dùng thuốc bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.
Khi dùng thuốc này cần thận trọng ở người có suy giảm chức năng thận, người bệnh mất nước và/hoặc điều trị thuốc lợi tiểu mạnh vì có nguy cơ hạ huyết áp nặng. Bản thân captopril có thể gây tăng nhẹ kali huyết, vì vậy không kết hợp với các thuốc lợi tiểu giữ kali như spironolacton, triamteren, amilorid trong điều trị tăng huyết áp và thận trọng khi dùng các muối có chứa kali (vì có thể gây tăng kali gây ra bất lợi trong điều trị).
Không được dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai vì có thể dẫn đến thương tổn cho thai nhi và trẻ sơ sinh như hạ huyết áp, giảm sản sọ sơ sinh, vô niệu, chậm phát triển thai, đẻ non và còn ống động mạch đã xảy ra. Captopril bài tiết vào sữa mẹ, gây nhiều tác dụng có hại cho trẻ bú sữa mẹ, vì vậy không được dùng captopril đối với người cho con bú.
Trong điều trị tăng huyết áp đôi khi phải dùng phối hợp hai loại thuốc trở lên hoặc với người mắc nhiều bệnh mạn tính cùng lúc thì cũng phải dùng đồng thời nhiều loại thuốc, cần tránh sự tương tác bất lợi giữa các thuốc điều trị bệnh với nhau. Cụ thể, cần tránh dùng đồng thời với thuốc lợi tiểu furosemid vì dễ gây ra tác dụng hiệp đồng hạ huyết áp. Dùng đồng thời captopril với các chất chống viêm không steroid (đặc biệt indomethacin) làm giảm tác dụng hạ huyết áp của captopril.
Một số tác dụng phụ không mong muốn thường gặp khi dùng thuốc này là chóng mặt và ngoại ban, ho. Các phản ứng này thường phụ thuộc vào liều dùng và liên quan đến những yếu tố biến chứng như suy thận, bệnh mô liên kết ở mạch máu. Ngoài ra, thuốc còn gây viêm miệng, viêm dạ dày, đau bụng, đau thượng vị và thay đổi vị giác (thay đổi vị giác thường mất đi trong vòng 2-3 tháng điều trị).
Người bệnh cần lưu ý phát hiện những bất thường này có thể xảy ra với mình trong quá trình dùng thuốc, kịp thời báo cho bác sĩ biết để có cách xử trí kịp thời.
Thông tin thêm về thuốc captopril
Trang www.dieutri.vn cho hay, captopril là chất ức chế enzym chuyển dạng angiotensin I, được dùng trong điều trị tăng huyết áp, và suy tim.
Tên chung quốc tế: Capxopril.
Loại thuốc: Thuốc chống tăng huyết áp, ức chế enzym chuyển.
Dược lý và cơ chế tác dụng
- Capxopril là chất ức chế enzym chuyển dạng angiotensin I, được dùng trong điều trị tăng huyết áp, và suy tim. Tác dụng hạ huyết áp của thuốc liên quan đến ức chế hệ renin - angiotensin - aldosteron. Renin là enzym do thận sản xuất, khi vào máu tác dụng trên cơ chất globulin huyết tương sản xuất ra angiotensin I, là chất decapepxid có ít hoạt tính. Nhờ vai trò của enzym chuyển dạng (ACE), angiotensin I chuyển thành angiotensin II. Chất sau làm co mạch nội sinh rất mạnh, đồng thời lại kích thích vỏ thượng thận tiết aldosteron, có tác dụng giữ natri và nước. Capxopril ngăn chặn được sự hình thành angiotensin II.
- Tác dụng chống tăng huyết áp: Capxopril làm giảm sức cản động mạch ngoại vi, thuốc không tác động lên cung lượng tim. Tưới máu thận được duy trì hoặc tăng. Mức lọc cầu thận thường không thay đổi. Nếu có hạ nhanh huyết áp ở người bệnh tăng huyết áp kéo dài hoặc huyết áp rất cao thì mức lọc cầu thận có thể giảm nhất thời, thể hiện ở sự tăng creatinin huyết thanh.
- Tác dụng hạ huyết áp xảy ra trong khoảng 60 - 90 phút sau khi uống liều thứ nhất. Thời gian tác dụng phụ thuộc vào liều: Sau một liều bình thường, tác dụng thường duy trì ít nhất 12 giờ. Trong điều trị tăng huyết áp, đáp ứng điều trị tối đa đạt được sau 4 tuần điều trị.
- Giảm phì đại thất trái đạt được sau 2 - 3 tháng dùng capxopril. Tác dụng hạ huyết áp không phụ thuộc vào tư thế đứng hay nằm.
- Hạ huyết áp tư thế (hạ huyết áp thế đứng) thường ít gặp, nhưng có thể xảy ra, đặc biệt ở người có thể tích máu giảm.
- Ðiều trị suy tim:
Capxopril có tác dụng tốt chống tăng sản cơ tim do ức chế hình thành angiotensin II, là chất kích thích tăng trưởng quan trọng của cơ tim. Ðối với người bệnh suy tim, capxopril làm giảm tiền gánh, giảm sức cản ngoại vi, tăng cung lượng tim và vì vậy làm tăng khả năng làm việc của tim.
Tác dụng huyết động và lâm sàng thường xảy ra nhanh và duy trì trong khi điều trị. Cải thiện lâm sàng thấy cả ở người bệnh có tác dụng huyết động kém. Tưới máu thận có thể tăng nhanh tới 60%, tác dụng này thường đạt được từ 60 - 90 phút sau khi uống một liều và đạt tác dụng tối đa sau 3 - 8 giờ, duy trì trong khoảng 12 giờ.
Có thể phối hợp capxopril với digitalis và các thuốc lợi tiểu. Không nên phối hợp với các thuốc lợi tiểu giữ kali như spironolacton vì có thể dẫn đến tăng kali máu nặng.
- Ðiều trị nhồi máu cơ tim:
Lợi ích của các chất ức chế ACE là làm giảm tỷ lệ tái phát nhồi máu cơ tim, có thể do làm chậm tiến triển xơ vữa động mạch. Capxopril làm giảm tỷ lệ chết sau nhồi máu cơ tim. Nên dùng thuốc sớm trong cơn nhồi máu cơ tim cấp tính cho mọi người bệnh, ngay cả khi có dấu hiệu nhất thời rối loạn chức năng thất trái.
Dược động học
Sinh khả dụng đường uống của capxopril khoảng 65%, nồng độ đỉnh của thuốc trong máu đạt được sau khi uống một giờ. Thức ăn không ảnh hưởng đến hấp thu của thuốc. Thể tích phân bố là 0,7 lít/kg. Nửa đời sinh học trong huyết tương khoảng 2 giờ.
Ðộ thanh thải toàn bộ là 0,8 lít/kg/giờ, độ thanh thải của thận là 50%, trung bình là 0,4 lít/kg/giờ. 75% thuốc được đào thải qua nước tiểu. 50% dưới dạng không chuyển hóa và phần còn lại là chất chuyển hóa capxopril cystein và dẫn chất disulfid của capxopril. Suy chức năng thận có thể gây ra tích lũy thuốc.
Chống chỉ định
Tiền sử phù mạch, mẫn cảm với thuốc, sau nhồi máu cơ tim (nếu huyết động không ổn định). Hẹp động mạch thận 2 bên hoặc hẹp động mạch thận ở thận độc nhất. Hẹp động mạch chủ hoặc hẹp van 2 lá, bệnh cơ tim tắc nghẽn nặng.
Thận trọng
Suy giảm chức năng thận. Thẩm tách máu. Người bệnh mất nước và/hoặc điều trị thuốc lợi tiểu mạnh: nguy cơ hạ huyết áp nặng.
Bản thân capxopril có thể gây tăng nhẹ kali huyết, vì vậy tránh kết hợp với các thuốc lợi tiểu giữ kali như spironolacton, triamteren, amilorid; nếu dùng thuốc lợi tiểu, cần phải rất thận trọng. Cũng cần thận trọng khi dùng các muối có chứa kali và phải kiểm tra cân bằng điện giải thường xuyên.
Ở người bệnh tăng hoạt độ renin mạnh, có thể xảy ra hạ huyết áp nặng sau khi dùng liều capxopril đầu tiên, cần tiêm truyền tĩnh mạch natri clorid 0,9%. Hạ huyết áp nhất thời này không cản trở việc tiếp tục sử dụng capxopril. Nếu liều ban đầu thấp (6,25 mg hoặc 12,5 mg) thì thời gian hạ huyết áp nặng sẽ giảm.
Nếu đại phẫu hoặc trong khi gây mê với thuốc có tác dụng hạ huyết áp, cần lưu ý rằng capxopril ngăn cản sự hình thành angiotensin II, gây giải phóng renin thứ phát, dẫn đến hạ huyết áp kịch phát, cần được điều chỉnh bằng tăng thể tích tuần hoàn.
Nguy cơ tăng mạnh các phản ứng phản vệ khi sử dụng đồng thời các chất ức chế ACE và màng thẩm tách có tính thấm cao, lọc máu, rút bớt LDL và trong khi giải mẫn cảm - chống dị ứng.
Capxopril cũng gây phản ứng dương tính giả khi xét nghiệm aceton trong nước tiểu.
Thuốc tham khảo: Captopril Stada® 25mg Chỉ định: |
Thùy Linh
Theo GDVN