Đạo lý làm người trong cờ tướng
(Giúp bạn)Với cấu trúc bàn cờ - có sông làm ranh giới, phân chia lãnh thổ hai quốc gia. Mỗi quốc gia có quân đội. Tướng ở trong một cung điện, có hai quân Sĩ bảo vệ gần, hai Tượng bảo vệ xa. Năm quân Tốt dàn hàng ngang sát biên giới. Đấy là lực lượng bộ binh tiền tiêu canh giữ thường xuyên ở biên giới. Hai Pháo tượng trưng cho lực lượng tên lửa tầm xa. Hai Mã là quân khinh kỵ - đánh tám hướng - nơi nào cũng đánh được cơ động gần và chậm. Hai xe tượng trưng quân tinh nhuệ, cơ động nhanh, hoạt động tầm gần, tầm xa đều tốt.
Khi lâm trận, các thứ quân này phải được phối hợp chặt chẽ và theo một kế hoạch thống nhất của người chỉ huy. Mục đích cuối cùng là bảo vệ cho được Tướng. Tất cả các thứ quân đều phải làm tốt nhiệm vụ của mình. Nếu cần phải sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tướng. Những điều đó, cho chúng ta ý nghĩ: Cờ Tướng được sáng tạo ra để chỉ bày, dạy bảo cho mọi người cách đánh giặc bảo vệ Tổ Quốc, truyền bá tư tưởng "Trung quân ái quốc". Do đó, trong Cờ Tướng hàm chứa cái đạo lý làm người - thuộc phạm vi xã hội học, bao gồm các vấn đề sau đây:
Tổ quốc trên hết.
Trung quân ái quốc.
Đoàn kết chống ngoại xâm.
Văn đức võ đức
Trách nhiệm, bổn phận công dân.
- 1
Tổ quốc trên hết.
Xưa nay, dan tộc nào cũng đặt Tổ quốc lên trên hết. Tổ quốc vừa cao quý vừa thiêng liêng, mọi công dân trong nước phải tôn thờ, bảo vệ. Tổ quốc là gốc của đất nước, dân tộc gắn liền với sự tồn vong một quốc gia, nếu nước mất thì dân tộc bị nô lệ nhục nhã...không xứng đáng sống trên cõi đời. Do đó, mọi người phải liều chết để bảo vệ Tổ quốc - như những quân Tốt trong bàn Cờ Tướng. Tổ quốc được tượng trưng bằng Tướng hay vua trong bàn cờ. Tướng ngoài đời thường cũng như trong bàn cờ luôn là linh hồn của cuộc chiến. Tướng mất ắt là chiến bại. Mà chiến bại thì mất nước, tổ quốc lâm nguy.
- 2
Trung quân ái quốc.
Tính tư tưởng này được độc tôn dưới chế độ phong kiến. Điều này vừa là luật vừa là bản chất đạo đức mẫu mực của mọi thần dân. Trung quân không chưa đủ mà còn phải ái quốc (yêu nước) mới trọn vẹn trách nhiệm, bổn phận người dân. Nhiều người, khi đất nước bị mất (do ngoại xâm) không còn muốn sống nữa.
Trong Cờ Tướng, các quân cờ ví như thần dân trung thành tuyệt đối và quyết hy sinh bảo vệ Tướng, để giữ gìn bờ cõi giang sơn. Khi Tướng bị mất, thì dù còn Xe, Pháo, Mã - đội quân rất tinh nhuệ, hùng mạnh cúng phải chịu đầu hàng.
- 3
Đoàn kết chống ngoại xâm
Một dân tộc không có tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, chắc chắn quốc gia đó, dân tộc đó ắt bị nô lệ. Trong thời buổi cá lớn nuốt cá bé, nước lớn bức hiếp nước nhỏ, tính đoàn kết phải được chú trọng giữ gìn và phát huy. Trong gia đình, nội bộ cơ quan, đơn vị tập thể nhất thiết phải đảm bảo đoàn kết.
Trong Cờ Tướng ý chí đoàn kết thống nhất xuyên suốt mọi quân cờ. Tướng, Sĩ, Tượng, Xe, Pháo, Mã, Tốt được phân ra thành lược lượng phòng vệ và tiêu diệt quân đội đối phương trên đất nhà. Xe, Pháo, Mã, Tốt là lực lượng cơ động, tấn công nhanh quân, tướng đối phương. Dù đặc tính các quân binh chủng có khác nhau, nhưng khi lâm trận rất đoàn kết, thống nhất ý chí quyết chiến quyết thắng, nhất nhất tuân theo một mệnh lệnh chống ngoại xâm, bảo vệ Tướng, bảo vệ nước.
- 4
Văn đức võ đức
Văn đức, võ đức là những đức tính của người lãnh đạo và nhân tài trong một quốc gia. Một đất nước nước có nhiều người tài giỏi văn võ song toàn là phước cho dân tộc đó. Muốn được văn võ song toàn ắt phải rèn luyện kiên nhẫn lâu dài - nhà nước phải có kế hoạch, chiến lược đào tạo nhân tài, người dân phải có ý chí học tập để nâng cao tài năng, đạo đức.
Người làm Tướng phải am tường chiến pháp, đức độ khoan dung, dũng cảm không sợ địch mạnh, biết giữ kỷ cương pháp luật, biết lấy nhân nghĩa làm đầu ắt là thu phục được nhân tâm.
Trong Cờ Tướng, quân Xe tượng trưng cho bậc Tướng lãnh có văn đức, võ đức. Xe tài giỏi ghê gớm "nhất xa sát vạn", là anh hùng cái thế trong thiên hạ, là người quân tử đức độ, khoan dung, đại lượng...biết thương yêu giúp đỡ người cô thế, yếu hèn và không nịnh bợ người trên, không đánh kẻ thất thế, không đánh sau lưng ai, nếu đánh thì đánh trước mặt công khai.
- 5
Trách nhiệm, bổn phận công dân.
Bất cứ chế độ xã hội nào cũng phải giáo dục cho toàn dân nhuần nhuyễn tư tưởng này. Nếu không dũng cảm hy sinh để bảo vệ đất nước, cứ nhút nhát, chỉ biết hưởng thụ, sống không có lí tưởng, khi thấy giặc là chạy thì dù có được Trời phù trì cũng phải chết thôi. Tất cả các quân Cờ Tướng đều đã thấm nhuần tư tưởng này (dũng cảm hy sinh). Đặc biệt, quân Tốt biểu hiện đức tính này cao nhất. Quân Tốt chỉ biết tiến chứ không lùi, sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc.