Những vị thần tình duyên trong truyền thuyết Trung Hoa (Phần 1)

00:33 12/02/2014

(Giúp bạn)Đất nước Trung Hoa có rất nhiều những truyền thuyết về các vị thần tiên, mà hàng ngàn năm qua vẫn được phụng thờ trong tín ngưỡng dân gian. Những vị thần tiên này có thể nói là muôn màu muôn vẻ …Trong đó có không ít thần tiên có liên quan đến chuyện tình ái.

  • 1

    Nữ Oa - Thần mai mối

    Nữ Oa là một vị nữ thần được sùng bái từ rất lâu đời trong rộng rãi nhân dân Trung Quốc. Bà được coi là vị thần thuỷ tổ của người Hoa, đã sáng tạo ra thế giới. Trong truyền thuyết, Nữ Oa có thể hoá sinh ra vạn vật, và kỳ tích nổi tiếng nhất của bà mà không ai không biết, đó là luyện đá vá trời, và nặn đất tạo ra con người.

    nhung-vi-than-tinh-duyen-trong-truyen-thuyet-trung-hoa-phan-1-1

    Trước khi tạo ra con người, thì bà đã tạo ra các con vật: Ngày 1 tháng Giêng tạo ra gà, mùng 2 tháng Giêng tạo ra chó, mùng 3 tạo ra dê, mùng 4 tạo ra lợn, mùng 5 tạo ra trâu, mùng 6 tạo ra ngựa, đến mùng 7 tháng Giêng mới nhào đất và nước tạo ra con người (chính vì vậy người Trung Hoa vẫn gọi ngày 7 tháng Giêng âm lịch là nhân nhật).

    Nghĩ đến con người phải được truyền nối đời đời, bà bèn tạo lập ra các chế độ hôn phối, kết hợp con trai và con gái để sinh con đẻ cái, vì vậy Nữ Oa trở thành bà mối đầu tiên trên thế gian, được người đời tôn thờ là vị tổ thần mai mối, gọi là "Cao Môi". Người ta dựng miếu thờ Nữ Oa, hay còn gọi miếu Cao Môi và tế lễ vị thần hôn nhân này rất linh đình bằng lễ thái lao (giết ba con vật lợn, trâu, dê để cúng tế), đây là lễ tế cao nhất trong các hoạt động tế tự xưa. Những miếu Cao Môi hiện vẫn còn ở nhiều nơi như Lạc Ninh - Sơn Đông, Hà Tân - Sơn Tây, Vu Đô - Giang Tây … Sự xuất hiện của thần Nữ Oa cho thấy dưới thời kỳ thị tộc mẫu hệ, phụ nữ là trung tâm trong việc hôn nhân và nữ tộc trưởng nắm việc hôn nhân của toàn bộ tộc.

  • 2

    Ngưu Lang - Chức Nữ

    Câu chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ là một trong bốn truyền thuyết ca tụng tình yêu nam nữ nổi tiếng nhất của Trung Quốc (Ba truyền thuyết còn lại là Hằng Nga Hậu Nghệ, Mạnh Khương nữ, và Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài). Ngưu Lang và Chức Nữ là bắt nguồn từ tín ngưỡng tôn thờ các vì sao thời cổ xưa ở Trung Quốc, và người ta đã nhân cách hoá các vì sao thành những con người, rồi lại thần hoá thành các vị thần tiên. Trung Quốc có rất nhiều những vị thần kiểu này như: Nhị thập bát tú, Nam Tào, Bắc Đẩu, các vị thần Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ …

    Ngưu Lang tức sao Ngưu, hay Khiên Ngưu là ngôi sao thứ hai trong chòm sao Huyền Vũ phương bắc, một trong Nhị thập bát tú. Chức Nữ tức sao Thiên Tôn nằm ở phía tây Ngân Hà, đối diện với sao Ngưu Lang. Từ rất sớm, trong "Kinh Thi" đã có ghi chép về hai ngôi sao Ngưu Lang, Chức Nữ, nhưng vẫn chưa có cốt truyện. Cho đến thời Hán mới có câu chuyện này.

    nhung-vi-than-tinh-duyen-trong-truyen-thuyet-trung-hoa-phan-1-2

    Sau thời Đông Hán thì câu chuyện tình yêu của Ngưu Lang - Chức Nữ được lưu truyền ra dân gian, đại ý cốt truyện là Chức Nữ là cháu của Ngọc Hoàng Thượng đế, đã đem lòng yêu chàng trai chăn trâu (Ngưu Lang) ở dưới trần gian, hai bên bèn kết duyên chồng vợ, sống với nhau rất hạnh phúc. Sau đó, Ngọc Hoàng biết chuyện, sai Vương Mẫu nương nương xuống trần gian bắt Chức Nữ về trời chịu tội. Ngưu Lang vô cùng đau khổ, nhờ con trâu giúp sức, đuổi theo lên trời, gần đuổi kịp thì bị Vương Mẫu dùng cây trâm trên đầu vạch một đường thành sông Ngân Hà ngăn cách. Ngưu Lang, Chức Nữ bị Ngân Hà cách trở chỉ biết đứng nhìn nhau qua sông mà khóc. Ngọc Hoàng biết chuyện thương tình, mới cho phép họ mỗi năm vào ngày mùng 7 tháng 7 nhờ chim ô thước bắc cầu để được gặp nhau.

    Sau này ngày 7 tháng 7 hàng năm trở thành một ngày lễ trong dân gian, gọi là "Thất xảo tiết" hay "Khất xảo tiết". Những người phụ nữ thường đem kim chỉ ra để "khất xảo" - cầu xin Chức Nữ ban cho sự khéo léo giỏi giang. Không những vậy, sau này người ta còn cầu xin cả thông minh, giàu sang, phúc thọ, … và đặc biệt là cầu tình duyên.

    Xưa kia, nơi nào ở Trung Quốc cũng có Chức Nữ miếu, thờ cúng Ngưu Lang và Chức Nữ như những vị thần của tự do yêu đương, trong đó miếu Chức Nữ ở Thái Thương tỉnh Giang Tô là nổi tiếng nhất.

  • 3

    Nguyệt thần (Thần mặt trăng)

    Nguyệt thần là một trong những thần tiên được lưu truyền rộng rãi nhất ở Trung Quốc, còn được gọi với những tên khác như: Nguyệt Quang nương nương, Thái âm tinh chủ, Nguyệt Cô, Nguyệt Quang Bồ Tát… Việc sùng bái thần mặt trăng đã có từ rất xa xưa, ở nhiều nước khác trên thế giới cũng có những hiện tượng như vậy.

    nhung-vi-than-tinh-duyen-trong-truyen-thuyet-trung-hoa-phan-1-3

    Mặt trăng đem đến cho người ta ánh sáng trong đêm tối, ánh trăng lung linh huyền ảo thường khơi gợi nhiều tưởng tượng, "Hằng Nga lên trời" là một trong những câu chuyện của trí tưởng tượng đó. Theo truyền thuyết Hằng Nga (hay Thường Nga) là vợ của Hậu Nghệ, vì Hậu Nghệ bắn rơi chín mặt trời nên phải tội với Thượng Đế, bị đày xuống nhân gian. Sau Hậu Nghệ được thuốc trường sinh bất lão của Tây Vương Mẫu, Hằng Nga uống trộm của Hậu Nghệ rồi bay lên trời, ở trong cung trăng, trở thành Nguyệt thần. Các sách cổ như "Sơn hải kinh", "Sưu thần ký" … đều có chép chuyện này.

    Sau đó, Nguyệt thần được rộng rãi nhân dân sùng bái, trai gái yêu đương thường cùng thề nguyền dưới trăng, bái cầu Nguyệt thần. Những người yêu nhau mà phải chia ly cũng thường cầu Nguyệt thần phù hộ để được đoàn viên. Nguyệt thần thường được coi là vị thần phù hộ và minh chứng cho tình yêu trai gái.

  • 4

     Nguyệt hạ lão nhân

    Nguyệt hạ lão nhân (còn gọi là Nguyệt lão) là vị thần chuyên quản việc hôn nhân theo truyền thuyết Trung Quốc. Theo Thẩm Tam Bạch ghi trong sách "Phù sinh lục ký" thì vị thần này "một tay cầm dây tơ đỏ, một tay chống cây gậy trên đầu có treo sổ hôn nhân, sắc mặt như trẻ thơ mà tóc bạc trắng, đi lại giữa mịt mù không ra khói, không ra sương".

    nhung-vi-than-tinh-duyen-trong-truyen-thuyet-trung-hoa-phan-1-4

    Người ta cho rằng Nguyệt lão là thần nhân duyên, chuyên se duyên cho các đôi trai gái. Ông lấy sợi dây đỏ buộc chân họ lại với nhau, đã buộc ai vào ai thì dù xa cách núi sông cũng đến được với nhau, còn nếu như hai người không có dây đỏ buộc chân vào nhau thì có ở kề bên cũng không nên duyên chồng vợ được.

    Rất nhiều nơi ở Trung Quốc có đền Nguyệt lão. Trong Bạch Vân am dưới núi Cô Sơn ở bên Tây Hồ - Hàng Châu có Nguyệt lão điện, thờ thần Nguyệt lão, với đôi câu đối:
     

      願天下有情人,都成了眷屬;
       是前生注定事,莫錯過姻緣。

    "Nguyện thiên hạ hữu tình nhân, đô thành liễu quyến thuộc;
     Thị tiền sinh chú định sự, mạc thố quá nhân duyên"

    (Mong người yêu nhau trong thiên hạ đều được thành gia quyến; Là việc đã định sẵn từ kiếp trước, chuyện nhân duyên chẳng sai bao giờ)

    Đó chính là nguyên nhân mà từ xưa đến nay người ta vẫn tôn thờ Nguyệt lão. Câu chuyện về Nguyệt lão nổi tiếng nhất là câu chuyện Vi Cố lấy vợ được ghi trong "Tục u quái lục" của Lý Phục Ngôn đời Đường. Câu chuyện này lưu truyền rộng rãi trong nhân dân, về sau Lưu Đoái đời Minh còn viết vở hý kịch "Nguyệt hạ lão nhân định thế gian phối ngẫu" diễn về tích này.

    Trong hôn lễ ở Trung Quốc còn có phong tục buộc dây tơ hồng, hoặc đôi trai gái cùng cầm một dải lụa đỏ đi vào phòng cưới…Tế thần Nguyệt lão (hay Tế tơ hồng) cũng trở thành một nghi thức trong hôn lễ xưa. (Tục lệ này cũng phổ biến ở Việt Nam)

  • 5

    Tứ châu Đại thánh - Thần tình yêu

    Tứ châu Đại thánh được lưu truyền ở vùng Quảng Đông, Phúc Kiến. Về vị thần này có câu chuyện như sau: Giữa hai huyện Huệ An và Tấn Giang của Phúc Kiến có con sông Lạc Dương chảy qua, nước sông chảy siết, không thể bắc cầu qua được, người dân ở đó đã nhiều đời cố gắng mà không thành. Một hôm có ông lão chở một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp đi trên thuyền ở giữa sông, ông lão bảo, ai có thể dùng tiền ném vào trúng người cô gái thì sẽ gả cô cho người ấy. Vì vậy mà người ta kéo nhau đến ném tiền đông như trảy hội, nhưng không có ai ném trúng được cô gái, tiền chỉ rơi xuống sông mà thôi. Như vậy đến vài tháng, lòng sông đầy những tiền, thành một cái móng vững chắc để dựng cầu. Hoá ra ông lão ấy là thần thổ địa, còn cô gái chính là Quan âm Bồ tát hoá thành để giúp dân xây cầu.

    Nhưng khi sắp xong công việc thì có một người ở đất Tứ châu đã nghĩ ra một kế thông minh và ném trúng được cô gái. Ông lão bèn bảo anh ta ra lương đình bên sông ngồi chờ để bàn chuyện hôn nhân. Người ấy đến lương đình ngồi đợi nhưng đã không bao giờ đứng dậy nữa, nguyên là linh hồn anh ta đã được Quan âm Bồ tát đưa đến tây thiên thành phật rồi, chỉ còn nhục thân lưu lại ở lương đình và được nhân dân tôn sùng thờ phụng là Tứ châu Đại thánh.

    Dân gian lưu truyền Tứ châu Đại thánh rất thương cảm cho những người tình si. Ai đang yêu mà muốn người yêu không bao giờ rời bỏ mình chỉ cần lấy một chút đất bụi ở phía sau gáy tượng Tứ châu Đại thánh rồi lặng lẽ rắc lên người đối phương thì người ấy trọn đời sẽ không thay lòng, tình yêu, hôn nhân đều hạnh phúc. Không biết đã bao nhiêu người làm theo điều đó, chỉ biết phía sau gáy tượng Tứ châu Đại thánh cứ phải thường xuyên sửa đi sửa lại mãi.

Comments