Sự tích 100 cây nứa vàng
Để vào được “xứ sở” của người Đan Lai đang sinh sống giữa vùng lõi rừng quốc gia Pù Mát thuộc xã Môn Sơn, chỉ có một con đường “độc đạo” là vượt sông Giăng. Từ chân đập Phà Lài, chúng tôi phải đi mất hàng giờ đồng hồ gieo mình trên những đoạn dốc đá, thác ghềnh hiểm trở mới có thể vào được trong bản Cò Phạt. Dòng sông Giăng cũng là con đường thủy duy nhất để người dân Đan Lai có thể giao lưu, buôn bán với thế giới bên ngoài mỗi lần xuống xuôi.
Chính vì vậy, dòng sông Giăng đã có nhiều người phải “hiến” thân cho hà bá. Mấy năm trở lại đây, khi nước sông Giăng ngày càng hung dữ thì số người chết đuối cũng ngày một nhiều. Như năm ngoái, một người từ dưới xuôi vào trong bản, khi đến đoạn nước chảy xiết đã làm cho thuyền va vào đá và lật nhào, xác người trôi xuống tận hạ nguồn chân đập Phà Lài. Nơi đây cũng có nhiều chiến sĩ biên phòng của Đồn biên phòng 555 đi làm nhiệm vụ tuyên truyền, giúp đỡ bà con cũng đã nằm lại với thác ghềnh.
Già Quyết đang kể về truyền thuyết người Đan Lai
Từ xưa đến nay, người Đan Lai vẫn sống như một bộ lạc. Mọi sinh hoạt của người dân nơi đây vẫn đang tồn tại theo hình thức trao đổi hàng hóa, không giao tiếp với xã hội bên ngoài. Chính vì điều này nên cuộc sống của người dân Đan Lai quanh năm nghèo khó và thiếu thốn. Trẻ con trong bản lớn lên không được đến trường.
Đứa mới nứt mắt ra đã theo bố vào rừng săn bắt, hái lượm. Cái ăn trong ngày được người dân ví như những câu dân ca Đan Lai, câu ca đó đã ăn sâu vào tiềm thức mọi người mà mỗi lần đi săn người Đan Lai đều hát: Theo dấu chân nai/ Bỏ vào hạt lúa/Theo dấu chân cọp/ Cắm vào hạt ngô/ Lang thang đầu suối/ Đìu hiu lưng đèo/ Như dòng suối nhỏ/ Như gió rừng chiều.
Tiếp chúng tôi trong gian nhà sàn cũ nát, già làng La Văn Quyết nâng chén rượu uống cái ực, rồi hướng mắt về phía xa xăm nơi hạ nguồn sông Giăng, chậm rãi kể về truyền thuyết ra đời của tộc người Đan Lai. Xưa kia, người Đan Lai sống ở miền Hoa Quân, nay thuộc huyện Thanh Chương của Nghệ An. Ngày ấy, nơi đây từng có một bạo chúa vô cùng độc ác chuyên đi hành hạ mọi người.
Một hôm, bạo chúa này mới bắt dòng họ La (tộc người Đan Lai bây giờ) phải tìm cho ra “100 cây nứa bằng vàng và một chiếc thuyền chèo liền mái”, nếu không sẽ bị giết cả dòng họ. Thừa biết bạo chúa có ý đồ muốn hãm hại dòng họ mình, không còn cách nào khác cả dòng họ La đành phải rời làng trốn mới hi vọng thoát thân.
Trong một đêm vắng, dòng họ La đã rời làng trốn đi thật xa vào trong rừng sâu. Họ không biết phải đi đâu, và cứ đi đi mãi cho đến khi nào trời tối mịt. Và đến khi mệt không thể đi được nữa thì mọi người dắt díu nhau tựa vào những gốc cây to, hang đá ven đường nghỉ lưng. Cuối cùng, điểm dừng chân của họ là vườn quốc gia Pù Mát bên dòng sông Giăng hung dữ bây giờ.
Ngày đó nơi đây chỉ toàn thú dữ, chim chóc, không có con người sinh sống. Dòng họ La quyết định “đóng đô” tại đây, với hi vọng không ai biết họ và không để bạo chúa tìm thấy giết hại. Mãi một thời gian dài, khi có người tình cờ vào trong rừng thì phát hiện ra có tộc người sinh sống. Khi bị phát giác, dòng họ La lại tiếp tục lẩn trốn sâu hơn vào vùng lõi vườn quốc gia cho đến bây giờ và từ đó lấy tên người Đan Lai.
Già Quyết cho biết: “Sở dĩ có tên người Đan Lai là vì từ “Đan” là lấy lại của từ Đan Nhiệm, tên làng của tổ tiên ngày xưa. Từ “Lai” nghĩa là lai tạp, vì bao thế hệ người Đan Lai sinh sống với các dân tộc khác nên phải che dấu thân phận”.
Tục ngủ ngồi xuất phát từ việc trốn bạo chúa
Hiện, tộc Đan Lai có khoảng 3.000 người sống tập trung chủ yếu ở 3 bản: Cò Phạt, Khe Cồn và bản Búng thuộc của xã Môn Sơn huyện Con Cuông. Những năm qua người Đan Lai được nhà nước quan tâm giúp đỡ nhiều về kinh tế, vật chất như: trợ cấp gạo, dạy trồng trọt, chăn nuôi…. Tuy nhiên, nhận thức của người Đan Lai vẫn chưa thay đổi nhiều. Họ quan niệm “trời sinh voi trời sinh cỏ” nên người Đan Lai sống phóng khoáng như núi rừng, cỏ cây.
Đối với người Đan Lai, cuộc sống của họ chỉ biết mỗi hai việc đó là săn bắt, hái lượm. Vốn sống dựa vào núi rừng nên lương thực, thực phẩm cũng hạn chế theo mùa. Làm bữa nào ăn bữa nấy nên đói ăn, đứt bữa là chuyện thường ngày. Mặc dù hàng năm được nhà nước trợ cấp tiền cứu trợ, gạo, thậm chí cây giống, phân bón, con giống nhưng sau khi lấy về họ lại bán hết đi để lấy tiền uống rượu. Vào rừng chặt được cây nứa, bắt được con cá dưới khe đều quy ra rượu.
Đặc biệt, người Đan Lai có thói quen uống rượu từ tối cho đến khi mặt trời ló rạng mới chịu trở về nhà, lúc nào trong người cũng có hơi men khiến cho con người lúc nào cũng tê tê say say. “Ở đây dù thiếu ăn, thiếu mặc đến mấy cũng không ai cần biết. Trong nhà của người Đan Lai khi nào cũng có cả chục lít rượu để uống dần. Già trẻ, trai gái đều uống rượu. Khi nào trong nhà không còn một thứ gì bỏ vào bụng thì họ mới vào rừng săn bắt”, già Quyết nói.