Lady Borton: Những bông hoa trên đầu súng (Phần 2)

00:39 12/02/2014

(Giúp bạn)Theo chân hai người lính già qua những lộ trình ngày 10/10 năm ấy, nhà văn Mỹ Lady Borton hiểu vì sao có những bông hoa trên đầu súng.

  • 1

    Về tới Long Biên, chúng tôi bắt đầu hát

    Ông Doãn Thạch Khôi sinh ra tại Hà Nội nhưng lớn lên ở Nam Định. Đã ngoại thất tuần, người lính già đầu bạc này vẫn tráng kiện với những tràng cười như pháo ran.

    Chúng tôi bắt đầu cuộc đi từ chân cầu Đuống, từ phía Bắc Ninh. Ông Khôi chỉ ra phía xa, qua khỏi dòng xe cộ xối xả và những ngôi nhà và cửa hiệu. “Chúng tôi đi từ 4h sáng”, ông kể:

    “Vùng này lúc đó toàn là đồng lúa. Không một bóng người, chỉ có chúng tôi. Rồi trời bỗng đổ mưa, tôi ra lệnh cho phân đội khoác áo mưa vào. Nhưng trông anh em có vẻ lôi thôi. Áo mưa cái mầu sáng, cái mầu tối, cái lành, cái đã rách. Chúng tôi tới chân cầu lúc 6h30, khi trời đã bảnh mắt. Không chịu được cảnh nhếch nhác, tôi hạ lệnh:

    “Cởi áo mưa ra”.

    Ông Khôi cười ròn khanh khách.

    lady-borton-nhung-bong-hoa-tren-dau-sung-phan-2-1
    Nhân dân Hà Nội hân hoan đón chào bộ đội ta về tiếp quản Thủ đô. Ảnh tư liệu.


    “Tôi đồ rằng bộ đội sẽ phải chịu mưa để giữ quân phong tề chỉnh. Nhưng anh em vừa bỏ áo mưa ra thì trời rạng dần, mưa tạnh. Vậy là điềm trời giúp”.

    “Chúng tôi tiến lên cầu và thấy quân Pháp đang đứng chờ, cùng với cơ man nào là nhà báo. Anh, Pháp rồi Ba Lan... với máy ảnh, máy quay phim”. Ông lại cười vang. “Một thời khắc lịch sử như vậy nhưng Việt Minh chúng tôi lại không có một phóng viên nào”.

    Chúng tôi vượt qua cầu đi về phía Hà Nội. Ông Khôi dừng lại bên một tấm biển chỉ đường lên cầu Long Biên nay dành riêng cho những người đi xe đạp.

    “Đây là chỗ chúng tôi lên xe của Pháp để đi về nội thành. Đoàn xe gồm một tăng và nhiều xe bọc thép. Bộ đội Việt Minh người nhỏ nhưng thoăn thoắt leo lên thùng xe. Về tới Long Biên đã 7h30, chúng tôi bắt đầu hát, nhớ ngày nào chúng tôi luồn dưới cây cầu này để thoát vây”.

  • 2

    Những bông hoa trên đầu súng

    Sang đến nội thành, đoàn công voa rẽ trái đi theo vệ đê về Đồn Thuỷ, nay là bệnh viện Quân đội 108. Ông Khôi cho biết ngay sau hiệp nghị Giơ-ne-vơ, một Ban liên hiệp quân sự gồm 150 sĩ quan Việt và Pháp đã được thành lập để giám sát việc chuyển giao Hà Nội cho phía Việt Nam. Liền đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao cho Trung đoàn Thủ đô làm nhiệm vụ quân quản, và họ đã dành cả tháng 9 cho công tác chuẩn bị.

    “Chúng tôi đã giả định hàng loạt tình huống”. Ông Khôi tiếp. “Chúng tôi chỉ được mang súng bộ binh nhẹ và vài quả lựu đạn. Nếu quân Pháp kháng cự, chúng tôi đã sẵn sàng, quyết đánh. Nhưng chúng tôi được lệnh tránh xung đột và bảo vệ các mục tiêu trọng yếu, không để địch phá.

    Người Việt Nam không chấp nhận tiếp quản một thủ đô không điện nước, không tàu hoả xe điện, không bưu điện, bệnh viện, đài phát thanh. Chúng tôi diễn tập một loạt tình huống và thảo luận cách làm dịu sự cay cú của quân Pháp. Chúng tôi thậm chí đã cắm hoa vào đầu nòng súng!

    Đoàn công voa Pháp chở quân của Trung đoàn Thủ Đô tới Đồn Thuỷ vào khoảng 8h. “Không khí thật căng thẳng”.

    lady-borton-nhung-bong-hoa-tren-dau-sung-phan-2-2

  • 3

    Hòa bình muôn năm

    Ông Khôi ngắm khuôn viên là mặt tiền của bệnh viện quân đội lúc đó được dùng làm nơi gặp gỡ của hai bên, trầm ngâm: “Những xúc cảm tự nhiên trào dâng. Mới đây còn bắn, giết nhau. Bao nhiêu người bị bắn chết, bị thương, bao nhiêu nhà tan cửa nát, hàng triệu người chết đói ...” 

    “Tôi hiểu rằng cần làm không khí chùng xuống. Tôi chào viên sĩ quan Pháp trước. Anh ta cũng đưa tay lên vành mũ chào lại. Tôi tiến lại, chìa tay ra bắt.

    "’Vive la paix!’ (Hoà bình muôn năm) Tôi hô.

    Quân Pháp sững ra rồi phá lên cười. Chúng tôi cũng phá lên cười. Rồi hai bên bắt tay nhau. Quân ta chia làm 35 tổ, mỗi tổ từ hai đến ba mươi lăm người. Mỗi tổ có hai sĩ quan liên lạc người Pháp hộ tống. Tổ của tôi có mười ba người, chịu trách nhiệm tiếp quản nhà máy nước.”

  • 4

    Cột Cờ lần đầu tiên cắm cờ đỏ sao vàng

    Ông Trần Đông cũng dẫn một cánh quân vào tiến vào nội thành ngày đó, nhưng từ hướng Ô Cầu Giấy. Ông dự kiến đưa tôi vào sân Câu lạc bộ Quân nhân, để mô tả quang cảnh buổi lễ chào cờ Việt Nam đầu tiên tại khu Cột Cờ, nhưng ở đó người ta  đang có việc và chúng tôi đành lỡ dịp.

    Thay vào đó, chúng tôi đỗ xe dưới bóng một cây lim trên con đường mang tên Hoàng Diệu, viên quan đã quyết tử giữ thành Hà Nội chống cuộc đánh chiếm lần thứ nhất của quân Pháp năm 1882. Cùng ngắm tòa tháp ba tầng, xây bằng gạch, có những cửa sổ ngũ giác, trên cùng là tháp cột cờ, cao tới sáu mươi mét.

    “Chúng tôi chỉ có hai ngày để chuẩn bị cho lễ chào quốc kỳ vào sáng 10 tháng Mười năm ấy.” Ông Đông kể. “Lá quốc kỳ rộng tới 40 mét. Và chúng tôi kịp nhận ra rằng cây cọc hiện hành sẽ không thể giữ nổi lá cờ đại. Làm sao đây?”.

    “Ban đầu chúng tôi định dùng một đoạn ray để làm cột cờ, và phải chờ đến nửa đêm mồng Tám cho quân Pháp rút hết khỏi Ga Hà nội để nhờ các công nhân hoả xa hỗ trợ. Anh em công nhân cho rằng việc hàn một tấm ray lên đỉnh Cột Cờ không phải là một giải pháp hay.
    Cuối cùng, họ tặng chúng tôi một đoạn ống thép cao 12 mét, có kèm puli. Nhờ đó, sáng sớm ngày mồng Mười, lá quốc kỳ Việt Nam đã được kéo lên. Tôi được đứng gần tháp Cột Cờ khi lễ Chào Quốc kỳ bắt đầu, tự hào hát Quốc ca Việt Nam và nghe đọc Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch nhân ngày Giải phóng Thủ Đô. Nhưng niềm tự hào lớn nhất là cảm xúc được ngắm lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trên đỉnh Cột Cờ, trên nền trời Hà Nội, chấm dứt gần một thế kỷ đô hộ của thực dân”.

    Chúng tôi theo đường Điện Biên rẽ sang phố Hàng Bông, khởi đầu khu phố cổ. Những con phố hẹp rợp bóng cờ các quốc gia ASEM, cùng các biểu ngữ chào mừng kỷ niệm lần thứ 50 ngày tiếp quản thủ đô, các lá cờ hình vuông, viền tua răng rồng ngũ sắc của nước Việt thời cổ đại. Các gia đình cưỡi môtô đi bao quanh xe chúng tôi. Ông Đông mỉm cười, hồi tưởng.

    “Chúng tôi đã đi đều không được chỉnh cho lắm trên đoạn phố này. Dễ hiểu thôi. Chúng tôi ở chốn rừng núi về, chỉ quen vừa chạy vừa ẩn nấp, tiến quân kiểu “lai vô ảnh khứ vô hình”. Còn hôm ấy, chúng tôi cố vừa hát, vừa đi đều, vừa đón bắt những bông hoa.”

    Tới phố Hàng Đào, ông Đông trỏ một cửa hiệu trang hoàng những chiếc đèn lồng phết giấy hồng điều. “Đây là ngôi nhà mà tôi từng sống thời thơ ấu”.

    “Ngày ấy, “ Tôi hỏi, chỉ tấm biển thông báo Khu phố cổ được công nhận là di tích lịch sử của quốc gia, “ông có nghĩ rằng sẽ lại đi ngang những phố phường của thuở thiếu thời sau hàng nửa thế kỷ, trong một lễ kỷ niệm trọng thể và tráng lệ nhường này?”

    “Dĩ nhiên là không”. Ông Trần Đông đáp, ánh mắt lấp lánh men say ngày hội. “Và lại càng không ngờ được đi cùng với một người bạn Mỹ”.

Comments