Những viên đá quý mang lời nguyền đáng sợ
(Giúp bạn)Những viên đá quý có vẻ đẹp đầy mê hoặc, nhưng ẩn sau đó là những lời nguyền đáng sợ.
- 1
Viên kim cương Hy Vọng
Theo những lời đồn đại, kim cương Hy vọng được tìm thấy ở mỏ Gani Kollur thuộc vương quốc Golconda, Ấn Độ vào thế kỷ 17, sau đó được gắn trên bức tượng nữ thần Sita linh thiêng của người Hindu.
Truyền thuyết kể rằng lời nguyền đáng sợ đã giáng vào viên kim cương Hy Vọng, nó sẽ gây tai họa khi bị lấy ra khỏi bức tượng thần. Lời nguyền gieo rắc bi kịch và cái chết thảm khốc không chỉ đối với những người sở hữu mà cả với những ai chỉ cần chạm vào nó một lần mà thôi.
Năm 1660 - 1661, Tavernier Blue, một thương nhân người Pháp chuyên săn lùng châu báu mua được kim cương Hy vọng ở Ấn Độ và bán lại cho vua Louis 14. Sau đó, đến đời vua Louis 16, hoàng hậu Marie Antoinette tỏ ra vô cùng yêu thích viên kim cương này. Tuy nhiên chính nó lại đem đến tai họa kinh hoàng cho vợ chồng bà khi cả hai đều mất đầu dưới máy chém của quân cách mạng.
Năm 1813, nhà buôn đồ kim hoàn Daniel Eliason tại London sở hữu một viên kim cương được cho là viên kim cương “Màu xanh nước Pháp” đã cắt gọt lại một lần nữa. 11 năm sau, viên kim cương này xuất hiện trong bộ sưu tập của Henry Phillip Hope - một quý tộc danh giá người Anh.
Lời nguyền của viên kim cương lại tiếp diễn. Năm 1902, Thomas Hope, cháu trai của Phillipe Hope bán Hy Vọng cho một nhà buôn kim hoàn New York tên là Simon Frankel. Ngay sau đó, Simon Frankel gặp rất nhiều khó khăn về tài chính.
Năm 1908, quốc vương Thổ Nhĩ Kỳ Abdul Hamid mua lại Hy Vọng, nhưng chỉ một năm sau đó ông bị phế truất khỏi ngai vàng trong cuộc đảo chính 1909. Chủ sở hữu tiếp theo của viên kim cương khi đó là Pierre Cartier, người được mệnh danh “Hoàng tử Châu báu”. Năm 1911, Pierre Cartier sang Mỹ, bán viên kim cương cho Evalyn Walsh McLean.
6 năm sau khi sở hữu Hy Vọng, bà Evalyn bắt đầu khánh kiệt và liên tiếp gặp phải những tai họa khủng khiếp: con trai gặp tai nạn ô tô qua đời, ly dị chồng, con gái chết vì sốc thuốc. Cuối cùng, Hy Vọng được ông Harry Winston mua lại cùng nhiều đồ nữ trang khác của Evalyn. Tuy nhiên, 9 năm sau khi mua viên kim cương này về, Winston quyết định hiến tặng cho Bảo tàng Smithsonian.
- 2
Con bọ hung bằng ngọc của Tutankhamun
Lăng mộ của ông vua trẻ Tutankhamun được nhà khảo cổ học Anh Howard Carter phát hiện năm 1992 trong Thung lũng các nhà vua ở Luxor. Đây là một trong số ít mộ Pharaoh còn nguyên vẹn khi khai quật. Được chôn cất cùng với xác ướp là những vật trang sức phong phú, quý giá, trong số này có một viên ngọc màu xanh pha vàng hình con bọ hung dài 2,5cm trên chuỗi ngọc đeo cổ.
Những ai sở hữu viên ngọc này đều phải hứng chịu lời nguyền đáng sợ của Pharaol: “Kẻ nào dám quấy động giấc ngủ của Pharaon, đều phải chết!".
Sau khi được lấy ra khỏi lăng mộ, con bọ hung bằng ngọc đã bị đánh cắp. Sau đó, nó được một linh hải quân người Nam Phi đem trở về quê hương. Lời nguyền của viên ngọc bắt đầu linh nghiệm khi người lính này sau đó chết đuối trong một lần đi biển. Không lâu sau, con gái ông ta cũng qua đời vì bệnh máu trắng.
Kinh hoàng trước những tai ương đổ ập xuống gia đình, vợ của người lính hải quân đã bán lại con bọ hung bằng ngọc cho một người phụ nữ Nam Phi khác. Song con gái của người phụ nữ này cũng bị chết vì bệnh máu trắng, còn chồng bà thì qua đời bất thường vào đêm trước khi viên ngọc được bán đi. Cuối cùng, vì quá sợ hãi, người phụ nữ Nam Phi quyết định giao lại con bọ hung bằng ngọc cho chính phủ.
- 3
Viên thạch anh tím Delhi
Nếu ghé thăm bảo tàng Lịch sử Tự nhiên quốc gia Anh, bạn sẽ được chiêm ngưỡng viên thạch anh tím tuyệt mỹ Delhi với lời cảnh báo của nhà khoa học Edward Heron Allenz (chủ nhân cuối cùng của viên đá) được đặt ngay bên cạnh: “Viên đá bị lời nguyền, từng nhuốm máu và mang lại tai họa cho bất kỳ ai cất giữ nó!”.
Giống như một số đồ trang sức mang “lời nguyền vấy máu” nổi tiếng trên thế giới khác, điển hình như viên kim cương Hy Vọng đã được đưa đến châu Âu từ đất nước Ấn Độ huyền bí. Theo rất nhiều tài liệu nghiên cứu từ cổ xưa tới nay, các viên đá quý bị gắn với những lời nguyền, đã được các vị thần linh Ấn Độ thổi vào đó một linh hồn xứ sở. Cho nên vì một lý do nào đó buộc nó phải rời khỏi quê hương của mình, khi ở nơi mới, viên đá thần linh ấy sẽ bắt đầu hành trình trả thù với bất cứ ai sở hữu, thậm chí chỉ là ngắm nó mà thôi.
Được biết, viên đá quý Delhi được đưa từ Ấn Độ tới nước Anh bởi Đại tá W. Ferris. Từ ngày giữ viên đá, những tai họa và bất hạnh liên tiếp kéo đến với viên sĩ quan này, sức khỏe của ông ta cũng ngày một giảm sút. Sau khi qua đời, W. Ferris để lại viên đá đó cho cậu con trai trưởng. Nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, người con trai trưởng đang làm ăn phát đạt bỗng khuynh gia bại sản, phải sống trong nghèo túng và bệnh tật suốt quãng đời còn lại.
Đến năm 1890, con trai của W. Ferris tặng lại viên đá quý cho nhà khoa học Heron Allen. Ngay lập tức, gia đình ông đã phải gánh chịu rất nhiều rủi ro. Hai lần ông tặng lại viên đá cho hai người bạn hiếu kỳ thì một người trong số đó đã phải trả lại vì gặp liên tiếp những tai họa giáng xuống, còn người kia - một ca sĩ nổi tiếng đột nhiên mất giọng và không thể hát nữa.
33 năm sau ngày Heron Allen chết, con gái của ông đã đem tặng viên đá đó cho bảo tàng Lịch sử Tự nhiên quốc gia Anh cùng với một lá thư cảnh cáo của Heron Allen: “Bất kỳ ai mở chiếc hộp, trước tiên cần phải đọc lời cảnh báo này: Lời khuyên của tôi là hãy ném chiếc hộp cùng viên đá xuống biển”.
Và cho tới tận ngày hôm nay, không chỉ nổi tiếng ở kích cỡ, diện mạo độc đáo mang nét huyền bí cổ xưa, viên kim cương có màu tím chung thủy ấy vẫn còn gây sự chú ý của cả thế giới bởi lời nguyền ma quái và tai họa dành cho những ai dám sở hữu chúng. Trong khi chờ đợi các nhà khoa học tìm ra chìa khóa giải mã điều bí ẩn đó, báu vật vô giá - viên đá thạch anh tím Delhi - vẫn được trưng bày ở bảo tàng Lịch sử Tự nhiên quốc gia Anh phục vụ khách tham quan.
- 4
Viên kim cương Koh-i-Noor
Không phải ngẫu nhiên mà kim cương Koh-i-Noor, một trong những viên kim cương đẹp nhất thế giới được gắn lên vương miện dành cho các nữ hoàng Anh. Đã có một lời nguyền rằng, bất kỳ người đàn ông nào mang viên kim cương này đều có một kết cục thảm thương, chỉ có Thượng đế hoặc những người phụ nữ mới có thể mang nó mà không bị trừng phạt.
Thế kỷ 16, Hoàng đế Mughal đầu tiên là Babur từng là chủ nhân của Koh-i-Noor đã bị trục xuất khỏi vương quốc và phải sống lưu vong. Người kế vị Babur là Shah Jahan đã đặt viên “siêu” kim cương lên chiếc ngai vàng chim công tại triều đình và bị chính con trai ông này giam giữ vào cuối đời.
Tiểu vương Duleep Singh, sau khi tận tay triều cống Koh-i-Noor cho người Anh, đã được nhận khoản “trợ cấp” tương đương 80.000 USD/năm, nhưng rồi cũng phải chết trong cảnh nghèo đói giữa thủ đô Pari hoa lệ vào năm 1893.
Đến nay, viên “siêu” kim cương Koh-i-Noor thuộc quyền sở hữu của nữ hoàng Anh Elizabeth 2. Nó được bảo quản cẩn mật trong Tháp London như một phần trong bộ sưu tập châu báu của Hoàng gia Anh.