Rằm tháng 7 tìm hiểu về mở cửa địa ngục

00:19 12/02/2014

(Giúp bạn)Theo Phật giáo, trong tháng cô hồn hay rằm tháng 7 âm lịch, cửa địa ngục sẽ mở ra để giải phóng cho ma quỷ. Vậy chuyện mở cửa địa ngục là như thế nào? Tại sao lại mở cửa địa ngục tháng 7 âm? Bài viết sau sẽ giúp bạn tìm hiểu điều lý thú này.

  • 1

    Chuyện quỷ đói được siêu thăng

    Ở Việt Nam, rằm tháng bảy với người miền Bắc chủ yếu được coi là ngày xá tội vong nhân, còn với người miền Nam lại có ý nghĩa chính là Vu lan báo hiếu. Tuy cùng một ngày nhưng hai lễ này mang ý nghĩa khác nhau.

    Truyền thuyết về Vu lan liên quan đến tôn giả Mục Kiền Liên, một trong các đại đệ tử của đức Phật Thích Ca, một người sớm đắc quả A La hán thoát khỏi vòng luân hồi. Không còn bị vô minh che mắt, ngài có thể nhìn thấu hàng vạn tiền kiếp của mình cũng như mọi điều trong các cõi. Là một người con chí hiếu, đức Mục Kiền Liên muốn nhìn xem người vợ đã khuất của mình bây giờ đang ở cảnh giới nào.

    Sinh thời, bà Thanh Đề mẹ ngài là kẻ sống bạc ác, cay nghiệt, vì vậy ngài biết mẹ mình sẽ bị đọa xuống địa ngục. Thế nhưng tuy đã tìm ở nhiều tầng địa ngục, Mục Kiền Liên vẫn chưa thấy mẹ. Chỉ đến khi soi thiên nhãn đến tầng ngục sâu nhất, dành cho những người sinh thời phạm những tội ác ghê gớm nhất, ngài mới thấy mẹ mình đang bị đày đọa ở đó trong hình hài của ngạ quỷ (quỷ đói) và phải treo ngược người.

    Đau lòng xót ruột, Mục Kiền Liên hóa phép ra mâm cỗ thật ngon dâng mẹ. Bà mẹ đói khát vội vàng vồ lấy thức ăn, nhưng hễ đưa đến gần miệng là lập tức biến thành lửa đỏ. Mục Kiền Liên dù tu hành đắc đạo, nhiều phép thần thông những chẳng thể làm gì giúp người mẹ đang phải trả giá cho tội lỗi của mình. Ngài bèn trở về cầu cứu Phật Thích Ca.

  • ram-thang-7-tim-hieu-ve-mo-cua-dia-nguc-1

  • Đức Phật nói, một mình Mục Kiền Liên không thể giúp giảm nhẹ nghiệp quả cho bà Thanh Đề mà phải nhờ đến uy lực của nhiều tăng sĩ tu hành tinh tiến cùng cầu độ cho bà từ ngày mùng 4 đến 15 tháng 7, đồng thời phải làm cơm chay cúng dường tăng chúng, bố thí, làm việc thiện giúp đỡ chúng sinh. Làm vậy, theo đức Phật, không những có thể cứu bà Thanh Đề thoát kiếp ngạ quỷ mà còn giúp bà hưởng phúc.

    Mục Kiền Liên làm theo, quả nhiên bà mẹ được siêu thăng. Phật dạy, những người khác muốn báo hiếu cho cha mẹ đã khuất cũng có thể làm theo cách này. Từ đó, ngày rằm tháng 7 trở thành ngày lễ Vu lan (từ gốc tiếng Phạn là Ullambana, nghĩa là giải thoát khỏi sự khốn khổ vì bị treo ngược, ý nói cảnh đọa đày của mẹ Mục Kiền Liên). 

    Để người thân đã khuất giảm tội nghiệt và hưởng phúc lành, nhiều gia đình mời tăng sĩ về nhà lập đàn cầu siêu rất linh đình. Tuy nhiên theo kinh Địa Tạng, lợi ích của việc này có 7 phần thì 6 phần là cho người sống, chỉ 1 phần cho người chết. Việc người chết hưởng phúc hay chịu khổ vẫn tùy thuộc chủ yếu vào việc họ làm lúc sinh thời.

    Ngoài ra, nếu chỉ ỷ lại cho tăng ni đọc kinh hộ thì cũng ít tác dụng nếu như người nhà không làm các việc thiện, kiểu như làm công đức hộ cho người chết, thì việc đọc kinh cũng đem lại ít kết quả. Nếu họ làm được nhiều việc thiện thì cũng không nhất thiết mời tăng ni về tụng kinh, bởi bản thân những việc thiện đó sẽ được hồi hướng cho người chết, hóa giải một phần nghiệp chướng của họ.

  • 2

    Ngày mở cửa địa ngục trong tháng 7 âm

    Về sự tích ngày xá tội vong nhân, ngay trong quan niệm của Phật giáo cũng có 2 truyền thuyết. Có chuyện kể rằng ngày trước, quỷ thường hay quấy phá làm hại người, khiến họ không thể yên ổn làm ăn, con người khổ quá bèn kêu lên Phật. Đức Phật giúp con người trục quỷ, đày chúng xuống địa ngục. Thế nhưng vì lượng cả từ bi, ngài cho phép chúng trở lại dương gian mỗi năm một lần vào dịp rằm tháng 7.

    Do vậy cứ vào ngày đó, con người thường tránh cho trẻ nhỏ hay người yếu bóng vía ra đường, sợ quỷ bắt mất, đồng thời làm các phép trừ quỷ như rắc vôi bột, treo vài nhánh tỏi trước nhà… Việc cúng thực phẩm, tiền vàng, quần áo cũng là để cho quỷ khỏi quấy phá.

    Một chuyện khác kể rằng, một đại đệ tử của Phật là đức A Nan Đà một buổi tối đang ngồi trong tịnh thì thấy một con ngạ quỷ người gầy quắt, cổ dài, miệng nhả ra lửa bước vào, nói rằng 3 ngày nữa A Nan Đà sẽ chết và cũng trở thành quỷ miệng lửa (diệm khẩu) như nó. Quỷ nói: “Nếu muốn tránh thì ông phải bố thí cho lũ ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc đồ ăn, và cúng dường Tam bảo giúp chúng tôi, để chúng tôi được tái sinh vào cõi trên thì ông cũng được tăng thọ”.

  • ram-thang-7-tim-hieu-ve-mo-cua-dia-nguc-2
  • Tôn giả A Nan Đà đem chuyện này nói với đức Phật. Phật bèn làm một bài chú tên là “Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ đà la ni”, đem tụng trong lễ cúng tam bảo để cầu siêu thoát cho quỷ đói miệng lửa. Về sau, dân gian hiểu rộng ra thành lệ cúng và cầu phúc cho vong nhân nói chung, nhất là những cô hồn không có thân nhân cúng tế, phải vật vờ không nơi nương tựa.

    Lễ cúng vốn mang tên “phóng diệm khẩu”, tức thả quỷ miệng lửa, dần dần thành xá tội vong nhân – tha tội cho mọi người đã chết.

    Xá tội vong nhân trong quan niệm của Đạo giáo dựa trên truyền thuyết cho rằng, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở cửa địa ngục – Quỷ môn quan -  từ ngày 2.7 để ma quỷ được trở lại cõi trần, và đến rằm tháng 7 thì tất cả ma quỷ đều phải trở về, cửa địa ngục đóng lại.

    Trong dân gian Việt Nam, các quan niệm, truyền thuyết của Phật giáo và Đạo giáo hòa lẫn với nhau. Vì vậy, người ta không chỉ đề phòng ma quỷ trong ngày rằm tháng 7 mà gần như suốt nửa đầu tháng, nên tháng 7 được gọi là tháng cô hồn. Họ cho rằng đây là tháng quỷ ma đầy đường nên con người hay gặp chuyện đen đủi.

    Cũng vì cho rằng quỷ ma được thả ra suốt nửa đầu tháng 7 nên nhiều gia đình Việt Nam không đợi đến rằm mới cúng, mà cúng trước khá lâu. Có nhà cúng các cô hồn trước, sau vài ngày mới cúng tổ tiên nhà mình là để cho quỷ đói khỏi xông vào cướp đồ ăn mà mình dâng bố mẹ, ông bà.

    Tuy nhiên với nhiều gia đình Việt, việc cúng các cô hồn vất vưởng đói khát, không nơi nương tựa không phải chỉ để khỏi bị quấy phá mà vì muốn làm phúc, giúp những cô hồn ít ra cũng có một ngày được no nê, đỡ tủi phận khi những vong hồn khác được con cháu mời về dâng tiến đồ ăn, còn mình không ai đoái tưởng.

    Đó là ý nghĩa mang tính nhân văn rất cao trong văn hóa Việt, cũng như quan niệm về ngày xá tội: con người dù đã gây ra những tội ác gì thì trong quá trình chịu trừng phạt, quả báo, cũng có được một ngày xá tội để đỡ khổ cực, đau đớn…

Comments