Tết Trung thu – Một nét đẹp của người Việt (Phần 2)

17:18 27/09/2015

(Giúp bạn) - Trung thu là giữa mùa thu, Tết Trung Thu như tên gọi đến với chúng ta vào đúng giữa mùa thu tức là vào rằm tháng Tám âm lịch. Tết Trung Thu là tết của trẻ em. Ngay từ đầu tháng, Tết đã được sửa soạn với những cỗ đèn muôn mầu sắc, muôn hình thù, với những bánh dẻo, bánh nướng mà ta gọi gồm là bánh trung thu, với những đồ chơi của trẻ em muôn hình vạn trạng, trong số đó đáng kể nhất của thời xưa là ông Tiến sĩ giấy.

Làm Lân, Sư tử:

Trên khắp đất nước ta, có nhiều nơi làm Lân hay đầu Sư tử, chúng ta hãy đến thăm một địa danh: vùng quê ở xã Nghĩa Hòa (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) để hiểu thêm về một nghề truyền thống.

Tháng 7 âm lịch hàng năm, nhiều hộ gia đình ở ở xã Nghĩa Hòa (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) tất bật làm đầu lân, sư tử truyền thống để kịp cung ứng thị trường dịp tết Trung thu rằm tháng 8.

Ảnh minh họa

Theo cứ liệu lịch sử, từ trước thế kỷ XIX, phố cổ Thu Xà (nay là xã Nghĩa Hòa), cư dân buôn bán sầm uất, tấp nập, chỉ đứng sau thương cảng Hội An.

Hai bên dòng sông Đào là phố xá, nơi sinh sống chủ yếu của người Hoa và nghề làm lân sư rồng cũng ra đời từ đó. 

Những năm 1940, khi cửa biển hẹp dần, sông Đào bị bồi lấp, hoạt động buôn bán bị ngưng trệ, dòng người di cư lên phố cổ Hội An ngày càng nhiều nên nghề làm đầu lân ở đây cũng dần mai một. Hiện ở Nghĩa Hòa chỉ còn gần 10 hộ dân còn gắn bó với nghề làm đầu lân, sư tử truyền thống. 

Ảnh minh họa

Nghệ nhân Nguyễn Đức Toàn cho hay, làm mỗi đầu lân, sư tử mất khoảng 3 ngày với 4 công đoạn gồm lên sườn, phối màu, tạo hoa văn và trang trí hoàn chỉnh. Để sản phẩm đủ sức cạnh tranh thị trường, đầu lân, sư tử không chỉ toát lên vẻ uy nghi, 'hồn vía' của linh vật sống động mà còn phải gọn, nhẹ thì con trẻ mới mê thích.

Gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề, đến nay dù tuổi cao sức yếu nhưng nghệ nhân Nguyễn Tô (77 tuổi, ngụ xã Nghĩa Hòa) vẫn còn mê mẩn với đầu lân, sư tử. Tiếp bước nghề gia truyền, 4 người con của ông Tô đã lập thêm nhiều cơ sở làm đầu lân, sư tử truyền thống ở quê nhà. 

Nghệ nhân Nguyễn Tô

Nghệ nhân Nguyễn Đức Đoàn (ngụ xã Nghĩa Hòa) cho hay, vài chục năm trước, đầu lân, sư tử quét sơn rất hút hàng nhưng vài năm trở lại đây sản phẩm này đòi hỏi sự tìm tòi nghiên cứu công phu, tỉ mỉ hơn như dán giấy thiếc, vải kim sa, lông vũ, mắt lân… Đây là nét đặc trưng riêng, độc đáo của sản phẩm đầu lân sư Nghĩa Hòa so với các tỉnh khác.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Đoàn

Sau khi hoàn thành, sản phẩm đầu lân được treo lên vách nhà chờ đưa đi tiêu thụ. Thời gian cao điểm làm đầu lân, sư tử bắt đầu từ tháng 7 âm lịch hàng năm. Hiện mỗi sản phẩm có giá dao động từ 140.000 đến 2 triệu đồng 

Thống kê của UBND xã Nghĩa Hòa, trung bình mỗi dịp tết Trung thu, các hộ gia đình nơi đây sản xuất khoảng 5.000 đầu lân, sư tử các loại chủ yếu đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên. 

Ảnh minh họa

Trẻ em khắp nơi về Nghĩa Hòa thỏa thích lựa chọn mua đầu lân, sư tử theo sở thích của mình.

Comments