Giỗ tổ Hùng Vương nhớ bánh giầy Quán Gánh

10:34 07/10/2014

(Giúp bạn)Bánh giầy Quán Gánh ngày càng trở nên thiết thực trong mỗi dịp lễ, hội, cưới, hỏi…đặc biệt dịp giỗ tổ Hùng Vương nhớ mùi vị của bánh giầy Quán Gánh

Bánh giầy Quán Gánh đã đi vào lòng của mỗi người dân Hà Nội tron mỗi dịp lễ hội....

" Bánh giầy Quán Gánh

Bánh rán Chợ Mơ

Cá rô Đầm Sét" 

Bánh giầy Quán Gánh đang góp phần làm phong phú thêm những món ăn ngon của Hà Nội hôm nay, tuy nhiên, từ lâu nó đã trở thành thứ bánh ngon được người đời chiêm nghiệm và ngợi ca sánh ngang với các loại bánh đặc sản ở các vùng quê khác. Bao nhiêu lần cầm chiếc bánh thưởng thức là bấy nhiêu lần tôi tự hỏi, tại sao lại có chiếc bánh ngon thơm đến lạ thường. Quả không sai khi Vua Hùng chọn hoàng tử Lang Liêu lên làm vua kế vị chỉ với hai loại bánh làm từ gạo nếp và đỗ xanh mà không phải là những lễ vật sơn hào, hải vị khác.

gio-to-hung-vuong-nho-banh-giay-quan-ganh-1

Bánh giầy Quán Gánh là một món ăn ngon của Hà Nội

Để tìm hiểu về loại bánh này, chúng tôi đã tìm về làng Thượng Đình (một trong bốn làng làm bánh dày) ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội (cách trung tâm Thành phố Hà Nội 17km). Mới đến đầu làng, tôi đã kịp nhận ra ngay không khí bận rộn làm bánh của bà con nơi đây vì đang mùa cưới, hỏi, đặc biệt là mùi hương của gạo nếp, đỗ xanh tỏa ra thơm nức mũi. Ấy vậy mà người dân chỉ làm bánh vào đêm còn ban ngày chỉ rửa lá, gần trưa ngâm gạo, chiều tối bắc bếp, đêm giã xôi, gói bánh, gần sáng đem giao. Vì bánh giầy Quán Gánh không chỉ phục vụ khách vãng lai qua đường Quốc lộ 1 mua về làm quà hay ăn một vài cái cho đỡ đói khi lỡ đường mà nó đã trở thành thứ bánh không thể thiếu trong những ngày lễ, hội và trong các đám cưới, hỏi của người dân khắp các tỉnh, thành. Thương hiệu bánh giầy Quán Gánh ngày càng bay xa và có hương vị riêng của mình, có lẽ vì cái vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá chuối, lá dong, độ thơm ngầy ngậy của đậu, thịt được pha trộn cùng với những hương liệu khác mà chỉ có người dân Nhị Khê mới làm nên được hương vị đặc trưng đó. Theo anh Nguyễn Văn Được, con trai bà Nguyễn Thị Ngố, người làm bánh lâu đời ở làng cho biết: “Chiếc bánh giầy ngon hay không, phần quyết định đầu tiên chính là ở khâu chọn gạo, đồ xôi. Gạo làm bánh phải là loại nếp trắng, dẻo thơm, đem ngâm, đồ thành xôi. Xôi đồ vừa khéo, đủ độ, sau đó giã thành vỏ bánh dẻo thơm. Người giã gạo phải là người có sức khỏe dẻo dai, và phải giã ngay từ lúc xôi còn nóng, đến khi gạo thật nhuyễn, thật dẻo. Nhưng ngày nay, nhiều hộ đã chuyển sang cách làm công nghiệp thay sức người bằng sức máy, tuy nhiên, chiếc bánh giầy cũng không vì thế mà kém đi vị thơm ngon vốn có của nó.

Bánh giầy có nhiều loại, người thích ăn bánh chay kẹp giò, người lại chọn cho mình loại bánh mặn nhân đậu xanh, thêm ít thịt ba chỉ, dừa và thơm mùi hạt tiêu, người chọn bánh ngọt. Mỗi loại bánh đều có vị ngon riêng, khi đã ăn rồi thì khó mà quên nổi. Người dân Quán Gánh tương truyền rằng: Ngày xưa, có một người hành khất đi ngang qua làng Quán Gánh nghỉ trọ. Người hành khất tuy nghèo khổ, rách rưới, bẩn thỉu nhưng vẫn được những người dân đôn hậu nơi đây đối đãi tử tế. Cảm động vì nghĩa cử đó, ông bèn dạy cho người dân nơi đây cách làm thứ bánh bằng gạo nếp vừa lạ vừa ngon và gọi là bánh giầy. Sau này, người dân mới biết người hành khất đó là vua đi vi hành để dạy dân làm nghề.

gio-to-hung-vuong-nho-banh-giay-quan-ganh-2

Cuộc sống được đổi thay từ khi có cơ chế đổi mới, chiếc bánh giầy dân dã được lên ngôi. Phố Quán Gánh không còn giới hạn trong phạm vi 1 cây số trên đường quốc lộ 1A nữa mà dọc từ hai bên đường từ làng Yên Phú (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) cho đến thị trấn Thường Tín dài gần 4km, đã có hàng loạt quầy đại lý bán đặc sản bánh giầy Quán Gánh. Trong làng, nhiều hộ đã chuyển sang làm bánh chuyên nghiệp. Nhờ nghề làm bánh giầy mà cuộc sống người dân đang dần thay đổi, những ngôi nhà cao tầng đang ngày càng mọc lên nhiều hơn, đời sống bà con ngày một đầy đủ, no ấm. Vào những ngày Giỗ Tổ, người dân trong làng không quên chọn những chiếc bánh thơm ngon nhất để lên bàn thờ tổ tiên và cũng để nhớ tới công lao dựng nước và giữ nước của Vua Hùng.

 

Comments