“Thịt gác bếp” - Cái tài tình của người Tây Bắc
(Giúp bạn)Dọc ngang các tỉnh Tây Bắc “thịt gác bếp” đang được giới sành ăn đánh giá rất cao. Xuất phát từ bữa ăn của người Thái đen thịt được làm từ phần thịt bắp của trâu, bò, gà… Đặc trưng từ cách làm cho tới hương vị, Tây Bắc được giới ẩm thực trong và ngoài nước ái mộ với đặc sản ngon tuyệt này.
Một năm làm cán bộ chuyên trách của 4 tỉnh Tây Bắc: Sơn La, Điện Biên, Lào Cai và Yên Bái trong một dự án phòng chống ma túy đặc biệt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi đã có may mắn được thưởng thức những ẩm thực được coi là đặc sản của vùng Tây Bắc nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là món “thịt gác bếp”.
Lưu luyến vị ngọt bùi bùi của miếng thịt khi nhai trong miệng, nhâm nhi chén rượu ngô và tấm tắc khen tài ẩm thực của người dân Tây Bắc. Miếng thịt thành phẩm thơm thơm mùi khói và điều đặc biệt ở đây, khi thưởng thức miếng thịt nhìn như nó vẫn còn nguyên tươi, nhai trong miệng ta thấy hương vị ngọt ngọt của thịt tươi đọng lại, hòa quện cùng mùi khói đặc trưng và một chút cay cay, nồng nồng của gia vị.
“Thịt gác bếp” trông vẻ bề ngoài thì ở đâu cũng giống nhau nhưng trên thực tế mỗi nơi, mỗi gia đình lại có một bí quyết gia truyền riêng. Nguyên liệu chủ yếu dùng tẩm ướp món thịt này như: ớt, gừng và đặc biệt một loại gia vị đặc trưng của vùng Tây Bắc đó là “mắc kén” ( một loại hạt gần giống như hạt tiêu của người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc). Khi miếng thịt thành phẩm và khô lại ta có thể nhìn thấy rõ ràng các gia vị này còn nguyên trên các miếng thịt. Được làm ra hoàn toàn từ những công đoạn thủ công cho nên “Thịt gác bếp” có "tuổi thọ" dự trữ trong vòng 1 tháng mà không hề bị làm sao và một điểm đáng chú ý nữa của “thịt gác bếp” đó là độ an toàn khi sử dụng là rất cao bởi đặc sản này không bao giờ sử dụng chất bảo quản hay phụ gia.
Đến Tây Bắc ngồi nhà sàn, nhâm nhi ly rượu ngô và miếng mồi “thịt gác bếp”, thử hỏi còn gì hoan lạc hơn được nữa. “Thịt gác bếp” trước kia ra đời như một nhu yếu phẩm dùng để tích trữ cho những ngày mưa lũ, giáp hạt… hay những khi nhỡ chuyện trong nhà. Ngày nay khi ẩm thực giao thoa, tôi lại được ăn “thịt gác bếp” với những cách làm mới như nướng hoặc ăn kèm với Lẩu. Nhưng thực sự ngon nhất vẫn là món “thịt gác bếp” thuần túy.
Xé từng miếng nhỏ dọc theo các thớ thịt, bỏ tất cả vào một đĩa, vắt nước cốt chanh, chà chà thơm lừng ngay hương vị đặc trưng Tây Bắc, nào cầm chén lên nhâm nhi cùng rượu ngô men lá… Suýt xoa và khà một tiếng… Vị cay cay, nồng nồng bắt đầu thấm dần trên đầu lưỡi.