Bệnh trầm cảm ở trẻ: Nguyên nhân và hậu quả

14:26 14/04/2015

(Giúp bạn)Trầm cảm ở trẻ em bao gồm các rối loạn cảm xúc như loạn khí sắc, trầm cảm điển hình hoặc rối loạn cảm xúc lưỡng cực. Đây là bệnh sức khỏe tâm thần trầm trọng, có thể ảnh hưởng tới trẻ rất nhỏ tuổi.

Trầm cảm ở trẻ - bệnh không thể coi thường

Theo VnMedia, TS. Cao Vũ Hùng – Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có thể nói rằng trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt cũng hay gặp ở trẻ vị thành niên bị khủng hoảng, từ mức độ nhẹ nhất cho đến mức độ nặng nề nhất.

Trong thực tế, trầm cảm hay gặp ở trẻ em và vị thành niên, cũng có quan điểm cho rằng đây là biểu hiện bình thường ở giai đoạn này, là biểu hiện thoảng qua hay tình trạng khủng hoảng ở thời kỳ dậy thì, chứ chưa phải hoàn toàn là bệnh lý.

Nhiều trẻ trầm cảm bị cha mẹ kết tội nhút nhát, lười biếng, cứng đầu, không biết nghe lời. Không ít trẻ trầm cảm bị chẩn đoán nhầm thành rối loạn tăng động giảm chú ý, phản ứng tạm thời với stress.

Báo cáo Sức khỏe vị thành niên Thế giới 2014 nêu rõ trầm cảm là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tật và tàn tật ở độ tuổi vị thành niên (10-19 tuổi), quá nửa các rối loạn tâm thần xuất hiện trước tuổi 14 nhưng thường bị bỏ sót.

Theo Viện hàn lâm Tâm thần Nhi khoa Mỹ, khoảng 2% trẻ nhỏ và 4-8% vị thành niên mắc chứng trầm cảm, nghĩa là khoảng 6-10% trẻ em nói chung mắc chứng bệnh này. Trung bình cứ 10 trẻ thì có một bị trầm cảm khi lên 16 tuổi.

Hậu quả của trầm cảm

Vnexpress cho biết, trầm cảm có thể để lại hậu quả lâu dài và nặng nề cho trẻ em về mặt phát triển xã hội, phát triển cảm xúc và học tập. Nếu không được điều trị, một đợt trầm cảm có thể kéo dài 9 tháng, tương đương một năm học, vì vậy rất khó để trẻ theo kịp các bạn. Trẻ trầm cảm cũng dễ nghiện rượu, thuốc lá, ma túy.

Một nghiên cứu của Mỹ so sánh giữa nhóm người bắt đầu trầm cảm ở độ tuổi trưởng thành với nhóm người từng bị trầm cảm ở tuổi ấu thơ cho thấy nhóm thứ hai gặp nhiều thiệt hòi hơn:

- Thu nhập trung bình thấp hơn, tỷ lệ tốt nghiệp đại học thấp hơn, khó tìm việc làm hơn, quan hệ gia đình và xã hội ít thành công hơn.

- Bị các đợt trầm cảm nhiều gấp đôi, tiên lượng bệnh nặng nề hơn.

- Tỷ lệ toan tính tự tử và tự tử thành công cao hơn hẳn (34% người bị trầm cảm khi còn nhỏ có toan tính tự vẫn và 7% tự vẫn thành công, so với tỷ lệ 0% ở nhóm trầm cảm khi trưởng thành).

Biểu hiện trầm cảm ở trẻ em

Buồn rầu không nhất thiết đồng nghĩa với trầm cảm. Cũng là điều bình thường nếu trẻ đau khổ khi bị mất mát hoặc buồn bã vì bị bạn bè chơi xấu, chuyện này thường chỉ kéo dài vài ngày. Nếu tình trạng rầu rĩ kéo dài vài tuần hoặc có vẻ ảnh hưởng tới các hoạt động thường kỳ và quan hệ của trẻ thì cần nghĩ tới trầm cảm.

Trầm cảm không phải là sự thay đổi nhất thời của cảm xúc, đó là cảm giác vô vọng kéo dài, là sự thiếu hụt năng lượng và nhiệt tình kéo trường diễn trong vài tuần, vài tháng, thậm chí là vài năm.

Một trong các biểu hiện quan trọng của trầm cảm chính là sự bực bội mạn tính. Trẻ bị trầm cảm có thể gặp khó khăn trong quan hệ với bạn bè và gia đình, hoặc bị thay đổi cảm xúc quá mức.

Chúng thường tỏ ra lãnh đạm, không có khả năng tập trung, thiếu sức sống, thiếu nhiệt huyết và không mấy khi vui vẻ. Đôi khi trẻ tỏ ra cáu bẳn, hờn dỗi, thậm chí là hung hăng. Khi đủ lớn chúng thường tự gọi mình là đồ ngốc, là người vô dụng và vô phương cứu chữa…

Trẻ có thể bận rộn với các ý tưởng về chết chóc và thậm chí còn tìm cách tự tử. Trẻ vị thành niên bị trầm cảm có thể lạm dụng rượu hay ma túy, dùng những thứ này để cảm thấy dễ chịu hơn.

Tiến Khê

Nên đọc
-1 Lưu ý khi sử dụng một số loại rau quả (P.2)
-2 Lưu ý khi sử dụng một số loại rau quả (P.1)
-3 Các kỹ thuật mới trong điều trị ung thư
-4 Kẽm và vai trò quan trọng trong dinh dưỡng trẻ em

Theo GDVN

Comments