Bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ
(Giúp bạn)Viêm tai giữa thường là bệnh của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn.
Theo Khám phá, viêm tai giữa là một nhiễm trùng hay viêm của vùng tai giữa. Sự viêm này thường khởi đầu khi các nhiễm trùng gây ra viêm họng, cảm lạnh hoặc các vấn đề về hô hấp và hít thở khác lan rộng đến tai giữa. Chúng có thể do nhiễm virus hay vi khuẩn. 75% trẻ em từng trải qua ít nhất một lần bị viêm tai giữa trước khi được 3 tuổi.
Nguyên nhân viêm tai giữa
Bệnh viêm tai giữa thường bắt đầu từ một cơn cảm khiến cho phần tai giữa bị sưng lên, nước nhầy tụ lại sau màng nhĩ.
Viêm tai giữa cũng có thể do phần ống thông giữa và mũi (eustachian tubes) bị sưng và nghẹt. Ống thông này có nhiệm vụ làm áp suất phía trong và phía ngoài tai cân bằng nhau. Ở trẻ em, ống thường ngắn và hẹp, khiến nước nhầy tiết ra dễ bị giữ lại nơi tai giữa khi ống này bị sưng và nghẹt do bệnh cảm.
Ngoài ra, cục “thịt dư” ngay phía trên họng, sau mũi, cũng có thể ảnh hưởng đến chuyện viêm tai. Cục “thịt dư” này bình thường có nhiệm vụ sản xuất bạch huyết cầu để chống nhiễm trùng, nhưng đôi khi chính chúng cũng bị nhiễm trùng và sưng to lên làm nghẽn ống thông tai.
Nhiễm trùng cục “thịt dư” này cũng có thể lan ra ống thông. Sau cùng, hệ thống miễn nhiễm của trẻ em còn yếu, do đó các em dễ bị mắc bệnh hơn người lớn, nhất là bệnh cảm và viêm tai giữa.
Chẩn đoán bệnh viêm tai giữa
TS Nguyễn Thị Hoài An cho biết trên Sức khỏe & đời sống, để chẩn đoán bệnh viêm tai giữa, cần thực hiện một số thao tác như sau:
- Soi tai: Trong đa số trường hợp, màng tai không có biến đổi rõ rệt, không thủng. Hiếm khi thấy bóng hơi hoặc mức nước, mức hơi trong hòm tai. Nếu dùng soi tai có bơm khí sẽ thấy màng tai kém di động hoặc không di động. Đây là dấu hiệu quan trọng để chẩn đoán bệnh.
- Đo nhĩ lượng sẽ xác định được chẩn đoán bệnh.
- Đo thính lực: Là biện pháp cần thiết để biết mức độ bệnh trước khi chỉ định điều trị.
Biến chứng của bệnh viêm tai giữa
Đa số các trường hợp viêm tai đều tự khỏi sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên nếu căn bệnh kéo dài, có thể đưa đến những biến chứng sau:
- Không nghe rõ: chất nhầy tụ lại sau màng nhĩ khiến các em nghe không rõ được, do tín hiệu nghe khó được màng nhĩ và chuỗi xương trong tai truyền đi trong môi trường nước. Các em có thể bị mất thính lực tới 25 decibels, giống như tai bị nhét giẻ vậy.
- Mất thính lực lâu dài: nước nhầy tụ sau màng nhĩ sẽ dần dần hết đi. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, nước này có thể vẫn tồn tại nơi tai giữa một thời gian dài và có thể đưa đến phá hư màng nhĩ và chuỗi xương dẫn âm thanh.
- Thủng màng nhĩ: trong thời gian tai bị viêm, nước nhầy và mủ có thể tích tụ rất nhiều trong tai giữa và đè lên màng nhĩ khiến bệnh nhân bị đau tai rất nhiều. Đôi khi sức ép của khối nước này làm màng nhĩ rách và nước mủ sẽ chảy ra tai ngoài. Tuy nhiên, nếu màng nhĩ bị rách nhiều lần và không lành, bệnh nhân sẽ bị chứng thủng màng nhĩ cần phải mổ vá lại.
- Viêm xương chẩm (mastoiditis): bệnh viêm tai không được chữa lâu ngày sẽ đưa đến viêm xương chẩm, tức phần xương sọ nằm ngay sau tai. Viêm màng não hay các phần khác của đầu. Chứng này hiếm khi xảy ra.
Phòng ngừa bệnh viêm tai giữa
Để phòng chống bệnh, bố mẹ và cô nuôi dạy trẻ phải biết cách phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp trên - nguy cơ hàng đầu dẫn đến viêm tai giữa ứ dịch. Đưa con đi khám và kiểm tra thính lực sớm khi thấy trẻ có biểu hiện gián tiếp của nghe kém như: học hành giảm sút, thay đổi tính nết, thiếu tập trung trong khi giao tiếp, bướng bỉnh, không vâng lời...
Ngoài ra, cần giải quyết sớm các ổ viêm ở đường hô hấp trên có thể gây viêm tai giữa: nạo VA, làm khô mũi cho những trẻ chảy mũi kéo dài... Những trẻ có nguy cơ cao như nhiễm khuẩn hô hấp trên kéo dài, sau đợt viêm tai giữa cấp, trẻ sứt môi, hở hàm ếch… cần được kiểm tra nhĩ lượng và thính lực.
Tham khảo thuốc: Pediakid 22 Vitamin và khoáng chất: 22 Vitamin và các nguyên tố vi lượng được tinh chế đặc biệt từ thảo dược dành cho trẻ em trong giai đoạn tăng trưởng phát triển cho tới khi trưởng thành nhằm bổ xung hàng ngày các Vitamin và các nguyên tố vi lượng giúp đạt hiệu quả tối ưu cho sự phát triển và tạo lập cân bằng, lâu dài bền vững trong suốt quá trình phát triển của trẻ. |
Trà Mi
Theo GDVN