Bổ sung fluor cho mọi trẻ em: Nên hay không?

14:26 14/04/2015

(Giúp bạn)Fluor là chất khoáng có nhiều trong trà và nước uống, là yếu tố vi lượng rất quan trọng tham gia vào quá trình phát triển răng, tạo ngà răng và men răng.

Trên các phương tiện truyền thông, người ta nghe thấy những quảng cáo về các chế phẩm có chứa fluor với những thông điệp thế này: sử dụng thường xuyên fluor giúp răng chắc khoẻ; thiếu fluor dẫn đến những bệnh lý răng miệng, xương khớp nguy hiểm.

Tuy chưa có thống kê nhưng qua các câu hỏi tư vấn sức khoẻ, dễ dàng nhận thấy có nhiều người đã và đang ngộ nhận về công dụng của fluor.

Cơ thể cần rất ít fluor mỗi ngày

Trao đổi trên Sài Gòn Tiếp thị, PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức cho biết, với mong muốn con mình có hai hàm răng trắng bóng, đều như bắp, chắc khoẻ đã thôi thúc không ít phụ huynh tìm mua các chế phẩm chứa fluor cho trẻ dùng thường xuyên, như: kem đánh răng, nước súc miệng, kẹo chewing-gum hoặc các thực phẩm có bổ sung fluor (fluoride supplements). Chế phẩm chứa càng nhiều fluor càng được ưu tiên lựa chọn.

Ngay trong nhiều mẫu quảng cáo, cũng đánh vào tâm lý này bằng những câu nhấn nhá làm đậm hàm lượng và công dụng của fluor có trong sản phẩm.

Ngộ nhận về công dụng của fluor

Đúng là fluor có chức năng tham gia vào quá trình phát triển răng, tạo ngà răng và men răng, giúp răng bền vững hơn trước các tác nhân gây bệnh sâu răng. Tuy nhiên, có phải dùng nhiều fluor là tốt?

Hàng ngày, cơ thể chúng ta phải được cung cấp đủ năm nhóm chất dinh dưỡng qua thức ăn, thức uống: chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và chất khoáng.

Fluor chính là chất dinh dưỡng nằm trong nhóm chất khoáng và là chất khoáng vi lượng, với ký hiệu hoá học là F. Gọi là vi lượng vì hàng ngày cơ thể ta cần rất ít fluor. Lượng cung cấp qua thức ăn thức uống của fluor tính bằng miligram (mg), như trẻ từ 1 – 3 tuổi cần 0,7mg/ngày, trẻ từ 4 – 8 tuổi cần 1,0mg/ngày, trẻ từ 9 tuổi trở lên và người trưởng thành cần 2 – 4mg/ngày. Trong khi các chất khoáng đại lượng cần cung cấp lại có lượng tính bằng gram (g), như canxi.

Không cần bổ sung fluor cho mọi trẻ em

Vnexpress dẫn tin theo bác sĩ Patrich Hescut, Tổng thư ký Hội Nha khoa Pháp cho biết, việc bổ sung fluor cho trẻ ngay từ lúc nằm trong bụng mẹ hoặc khi còn quá bé là điều không cần thiết vì trong thời điểm đó, chất fluor không có tác dụng hoặc chỉ tác dụng rất ít đến răng tương lai của trẻ. Hơn nữa, việc lạm dụng fluor ở trẻ nhỏ còn có thể gây nhiễm độc fluor.

Trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa cần được bổ sung fluor. Khi mà chiếc răng cửa đầu tiên chưa xuất hiện, chất này rất ít tác dụng đến men của răng sau này, kể cả răng sữa và răng vĩnh viễn vì fluor tác động tại chỗ là chủ yếu.

Trước khi trẻ được 6 tháng tuổi, fluor không bảo vệ được răng chưa mọc khỏi bị sâu. Việc bổ sung fluor cho mẹ cũng không thể bảo vệ được răng tương lai của thai nhi vì chất này tuy có đến và đi qua rau thai nhưng không nhập vào men răng vĩnh viễn trong tương lai của trẻ.

Việc bổ sung fluor giọt có thể gây nhiễm độc fluor (một bệnh nguy hiểm và không phục hồi, thể hiện bằng các đốm trắng) ở trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Nếu bà mẹ bắt trẻ đánh răng quá nhiều thì tình trạng trên cũng rất dễ xảy ra vì ở tuổi này bé không biết nhổ mà thường nuốt một phần kem đánh răng.

Ngay cả khi trẻ đã có một răng cửa, việc bổ sung fluor cũng chỉ cần thiết trong các trường hợp sau:

- Trẻ thuộc các gia đình có nhiều người bị sâu răng.

- Trẻ hay ăn vặt, ăn nhiều thực phẩm ngọt.

- Trẻ suy dinh dưỡng.

- Trẻ có thói quen bú bình về đêm, bú sữa hay uống nước ngọt, nước trái cây bằng bình.

- Trẻ có thói quen ngủ mà ngậm vú mẹ.

Những trẻ này có nguy cơ bị sâu nhiều răng, có hội chứng sâu răng ở mặt ngoài các răng cửa và lan sang các răng hàm, tạo một rãnh màu nâu ở sát lợi, xói mòn hẳn phần dưới của răng. Vì vậy, chúng cần được bổ sung fluor qua các nguồn chính là nước uống, muối ăn và kem đánh răng.

Nếu nước đã có fluor, trẻ không có nguy cơ gì đặc biệt và nhất là nếu trẻ có thói quen đánh răng ngày 2 lần bằng kem có fluor thì không cần bổ sung fluor nữa.

Tiến Khê

Nên đọc
-1 Khi nào cần thay bàn chải, quần chíp, bát đũa mới?
-2 Bí quyết giúp bạn bỏ thuốc lá
-3 Những bệnh không nên uống vitamin
-4 Xà phòng gây ung thư gan?

Theo GDVN

Comments