Hẹp bao quy đầu ở trẻ em

14:30 14/04/2015

(Giúp bạn)Hẹp bao quy đầu nếu không được xử lý sớm sẽ khiến trẻ đi tiểu khó cộng với chất cặn đọng lại bên trong lâu dần thành những cục to, gây viêm nhiễm.

Hẹp bao quy đầu ở trẻ em là gì?

Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, hẹp bao quy đầu (HBQĐ) là bệnh thường gặp không chỉ ở trẻ em và ngay cả người lớn cũng có thể bị. Người trưởng thành HBQĐ là do từ lúc còn bé đã bị rồi nhưng không phát hiện, hoặc người nhà không để ý cho đến khi tuổi trưởng thành thấy nhiều điều bất tiện xảy ra mới đi khám bệnh.

Khi mới lọt lòng, nhiều trẻ đã có hiện tượng HBQĐ. Đây là hiện tượng HBQĐ sinh lý, do bao quy đầu không tụt xuống được gây nên hiện tượng dính bao quy đầu với quy đầu. Bình thường các trẻ khác không bị HBQĐ là do khi dương vật cương lên (do phản xạ tự nhiên hoặc phản xạ đi tiểu) mà có sự co kéo làm cho bao quy đầu của trẻ tuột xuống, quy đầu lộ ra và không gây HBQĐ.

Hầu hết các trẻ em trai khoảng 3 tuổi là bao quy đầu tụt xuống trọn vẹn, chỉ có một tỷ lệ nhất định (khoảng 1%) bao quy đầu bị dính vào quy đầu không tụt xuống được, gọi là HBQĐ.

Trong những năm đầu của tuổi sơ sinh, khi cơ thể trẻ phát triển dần lên thì dương vật của bé cũng phát triển theo và bắt đầu có sự bài tiết và bong ra các tế bào chết của thượng bì da bao quy đầu, các tế bào thượng bì bong ra, tích tụ lại tạo thành chất màu trắng nằm ngay ở da bao quy đầu.

Chất màu trắng này càng ngày càng nhiều nếu trẻ không bị HBQĐ thì chúng sẽ bị trôi đi qua các lần tắm, rửa, nếu bị HBQĐ thì chất cặn này càng ngày càng tích tụ lại và rất dễ nhiễm trùng.

-1

Tác hại khi trẻ bị hẹp bao quy đầu

Do trẻ bị HBQĐ nhưng bố mẹ không để ý hoặc không biết nên không chú ý, chỉ khi trẻ mắc một số bệnh mà khi khám bệnh thầy thuốc mới cho biết là cháu bị HBQĐ và đó là tác hại của việc HBQĐ mà không biết để xử lý sớm.

Khi HBQĐ thì hiện tượng ứ đọng nước tiểu mỗi lần đi tiểu, da bao quy đầu sẽ căng phồng lên vì lỗ chảy rất bé nước tiểu không tống ra kịp, sau một thời gian nước tiểu mới chảy ra hết. Nước tiểu cứ bị ứ đọng nhiều lần và kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm, thêm vào đó là việc trẻ không được vệ sinh tốt vùng bao quy đầu và quy đầu thì rất dễ nhiễm trùng bao quy đầu.

Khi bao quy đầu bị viêm nhiễm sẽ tấy đỏ, xuất tiết, kết hợp với các tế bào thượng bì bong ra và đọng lại có màu trắng, có hạt hơi rắn ở xung quanh rãnh quy đầu và ngay cả ở quy đầu làm cho trẻ đi tiểu khó, đau.

Ngoài ra do HBQĐ và bị viêm nhiễm gây đau nên trẻ không đi tiểu hết nước tiểu mà bị gián đoạn gọi là tiểu dắt. Nhiều trường hợp do bố mẹ, cô nuôi trẻ không hề biết về bệnh HBQĐ nên mắng trẻ và cứ tưởng cháu thích đi tiểu làm cho cô nuôi trẻ phiền lòng.

Gây viêm đường tiết niệu ngược dòng: do nước tiểu bị ứ đọng nhiều lần và dài ngày kèm theo luôn luôn có các chất cặn bã của tế bào thượng bì da bao quy đầu bong ra, gây hiện tượng viêm nhiễm và viêm ngược dòng đường tiết niệu rất nguy hiểm, ví dụ như gây viêm bàng quang, viêm thận. Đây là những bệnh lẽ ra không đáng mắc phải nếu biết điều trị sớm bệnh HBQĐ.

Nên làm gì khi trẻ bị hẹp bao quy đầu?

Chia sẻ trên Vnexpress, thạc sĩ Nguyễn Hoài Bắc, Phòng khám Nam khoa, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết, hẹp bao quy đầu nếu không được xử lý sớm sẽ khiến bé đi tiểu khó, thậm chí thấy đau, khóc, nước tiểu ra không hết cộng với chất cặn đọng lại bên trong lâu dần thành những cục to, gây viêm nhiễm. Đây còn là một trong những nguyên nhân gây ung thư dương vật.

-2

Bác sĩ Bắc cho biết, trước đây người ta thường đợi đến khi trẻ lớn xem hiện tượng hẹp bao quy đầu có tự hết không, rồi mới xử lý. Nhưng hiện nay, các bác sĩ nhi khoa và nam khoa khuyến cáo nên chủ động lộn sớm cho trẻ để chăm sóc tốt bộ phận sinh dục cho bé.

Việc can thiệp sớm giúp cho các mẹ có thể kéo bao quy đầu của bé xuống một cách dễ dàng để vệ sinh hằng ngày, tránh việc nước tiểu và chất cặn bã đọng lại ở khoang giữa quy đầu và da quy đầu, gây nên viêm nhiễm mạn tính, viêm đường tiết niệu, viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn.

Ngoài ra việc giải quyết hẹp bao quy đầu còn giúp cho dương vật của bé phát triển một cách thuận lợi, tránh được hiện tượng lún dương vật - tình trạng rất hay gặp ở nhiều trẻ.

Theo bác sĩ, mặc dù có rất nhiều lợi ích nhưng việc can thiệp vào bao quy đầu cho trẻ phải tuân thủ theo nguyên tắc “ít sang chấn”, ưu tiên dùng các thuốc chống viêm và duy trì lộn hàng ngày để da dương vật giãn da một cách tự nhiên, chứ không nên dùng panh kéo hoặc cắt bao quy đầu ở trẻ nhỏ.

Thời điểm nong lộn bao quy đầu thích hợp nhất là khi trẻ dưới một tuổi vì giai đoạn này da quy đầu của các bé mỏng, độ đàn hồi cao, miệng bao quy đầu chưa phát triển thành mảng xơ nên sẽ đáp ứng với biện pháp nong lộn tốt hơn. Ngoài ra vào thời điểm này trẻ chưa biết xấu hổ, cảm nhận chưa rõ ràng nên việc nong lộn sẽ dễ dàng hơn do trẻ không kháng cự mạnh và ít để lại sang chấn về tinh thần.

Tại nhà, bố mẹ cũng có thể nong dần bao quy đầu cho con bằng cách: Khi bé 5-6 tháng, mỗi lần tắm cho con, bố mẹ có thể dùng tay nhẹ nhàng kéo lộn phần da quy đầu xuống, mỗi lần một chút, ngày hôm sau tăng hơn ngày hôm trước, để bao quy đầu rộng dần và có thể trượt lên trượt xuống khỏi bao quy đầu một cách dễ dàng.

Tuy nhiên, nếu sau một thời gian tình hình không cải thiện hoặc do miệng bao quy đầu quá hẹp thì phụ huynh nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn. Thường bác sĩ chỉ cần nong và tách phần da quy đầu bị hẹp rồi hướng dẫn gia đình tiếp tục chăm sóc bé sau đó. Trẻ lớn 5-6 tuổi trở lên vẫn bị tật này thì thường phải can thiệp bằng cắt da bao quy đầu.

Bố mẹ không nên kéo phần da quy đầu quá mạnh, làm bé bị đau, hoặc khi đã kéo tụt xuống thì nhanh chóng phải kéo da bao quy đầu trở lại để da quy đầu phủ kín như trạng thái bình thường, nếu không có thể dẫn đến biến chứng thắt nghẽn da phần này. Nếu chẳng may gặp tình huống trên, bố mẹ phải đưa bé đến bệnh viện cấp cứu sớm.

Thuốc tham khảo: Pediakid 22 Vitamin và khoáng chất

Bổ sung hàng ngày các Vitamin và các nguyên tố vi lượng giúp đạt hiệu quả tối ưu cho sự phát triển và tạo lập cân bằng, lâu dài bền vững trong suốt quá trình phát triển của trẻ.

Thùy Linh

Nên đọc
-3 Bệnh rối loạn đông máu di truyền Hemophilia ở trẻ em
-4 Thiểu năng tuyến giáp ở trẻ sơ sinh
-5 Bé 9 tháng tuổi béo phì: Chế độ dinh dưỡng nào là hợp lý?
-6 Ngộ độc do dầu gội, sữa tắm ở trẻ em


Theo GDVN

Comments