Trẻ khóc ngất: Ứng phó như thế nào?
(Giúp bạn)Nếu trẻ thường xuyên tái diễn cơn khóc mà không được điều trị sớm thì nguy cơ tử vong cao 5 - 10%. Việc điều trị muộn cũng thường để lại các di chứng.
Theo Vnexpress, cơn khóc lặng có thể xuất hiện ở trẻ 6 tháng tới 6 tuổi và hay gặp nhất ở trẻ 1-3 tuổi. Khoảng 5% trẻ em có thể rơi vào tình trạng này. Cơn thường xảy ra khi bé khóc lóc, giận dữ, sợ hãi hoặc bị chấn thương nhẹ. Bé hít vào rồi nín lặng, không thở ra, miệng há rộng như muốn khóc nhưng không phát ra tiếng.
Hệ thần kinh khiến nhịp tim và nhịp thở chậm lại trong một khoảng thời gian ngắn, bé trở nên xanh tím hay nhợt nhạt. Rất may cơn khóc lặng không nguy hiểm và không gây tổn thương lâu dài. Các cơn thường kết thúc trong vòng 30-60 giây, bé thở lại và bắt đầu khóc, da cũng hồng hào trở lại. Đây là phản xạ của cơ thể khi có kích thích khó chịu chứ không phải hành vi phản kháng có ý thức của trẻ.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân sâu xa của cơn khóc lặng vẫn chưa được làm sáng tỏ. Khoảng 1/3 trẻ em khóc lặng có tiền sử gia đình gặp các cơn tương tự.
Ở một số trẻ, cơn khóc lặng có thể liên quan tới thiếu máu thiếu sắt, khi cơ thể không sản xuất đủ hồng cầu. Phần lớn các bé trải qua tình trạng khóc lặng không có bệnh lý nghiêm trọng tiềm ẩn.
Các cơn khóc lặng có thể rất khác nhau về mức độ nặng nhẹ và tần suất. Chúng có thể xảy ra thường xuyên, vài lần mỗi ngày hay thưa thớt hơn, chỉ vài lần mỗi năm. Cơn thường xuất hiện khi trẻ mệt mỏi quá mức, bực bội hay khóc lóc. Thông thường, cha mẹ đã chứng kiến các cơn khóc lặng sẽ dự báo được khi nào trẻ sẽ rơi vào cơn khóc lặng mới.
Có hai dạng cơn khóc lặng:
- Cơn xanh tím: Do thay đổi kiểu thở, thường xuất hiện khi trẻ bực bội hay cáu giận. Đây là dạng hay gặp nhất. Khi đang khóc lóc hoặc bực tức, bé hít vào một hơi rồi nín thở, liền sau đó bé trở nên xanh tím, nhất là vùng quanh miệng.
- Cơn nhợt nhạt: Ít phổ biến hơn, do nhịp tim chậm và thường xuất hiện khi trẻ bị đau đớn. Các biểu hiện bao gồm bé hít vào rồi nín thở, nhịp tim chậm lại, da trở nên nhợt nhạt, mồ hôi ra nhiều và bé cảm thấy mệt sau khi dứt cơn.
Các bé từng có cơn nhợt nhạt có thể bị ngất khi ở tuổi thành niên hay trưởng thành.
Phần lớn trẻ sẽ tự thoát khỏi các cơn khóc lặng khi được 4-8 tuổi. Trẻ bị co giật trong thời gian cơn khóc lặng không có nguy cơ bị bệnh co giật nhiều hơn các trẻ khác.
Chẩn đoán
Bác sĩ có thể thăm khám và làm xét nghiệm máu kiểm tra tình trạng thiếu máu thiếu sắt, làm điện não đồ để loại trừ cơn động kinh và làm điện tâm đồ để loại trừ cơn ngất tím do tim đập chậm.
Cơn khóc lặng có thể bị nhầm với cơn động kinh vì trong một số trường hợp hai tình trạng này khá giống nhau.
Sau đây là một số gợi ý giúp cha mẹ phân biệt hai trạng thái này:
- Trong co giật do động kinh, trẻ có thể xanh tím nhưng chỉ xanh tím trong và sau cơn co giật, không xanh tím trước khi co giật như trong cơn khóc lặng.
- Đại tiểu tiện không tự chủ thường gặp trong co giật do động kinh nhưng rất hiếm gặp ở trẻ khóc lặng.
Điều trị
Không có điều trị đặc hiệu. Thuốc chống động kinh không có tác dụng và hiếm khi được khuyên dùng. Bổ sung sắt có thể làm giảm tần suất và mức độ nặng của cơn khóc lặng, nhất là nếu có thiếu máu thiếu sắt, nhưng việc sử dụng rộng rãi thuốc này vẫn đang trong giai đoạn đánh giá.
Phòng ngừa
Cha mẹ không thể ngăn ngừa cơn khóc lặng nhưng có thể phòng ngừa sự kiện dẫn tới cơn khóc này bằng cách:
- Cho bé nghỉ ngơi đầy đủ.
- Tránh các tình huống khiến bé cáu giận, đánh lạc hướng nếu thấy bé có vẻ bực bội.
- Giúp bé cảm thấy an toàn, trấn an nếu thấy bé hoảng sợ.
- Giải thích cặn kẽ cho bé trước khi thay đổi một hoạt động hay tình huống nào đó để bé không quá sợ hãi khi rơi vào hoàn cảnh mới.
- Học cách xử lý các cơn nóng giận của con thay vì nhượng bộ chỉ vì sợ bé lên cơn khóc lặng. Khi nhượng bộ không hợp lý, bạn đang góp phần khuyến khích bé nổi nóng thường xuyên hơn.
Làm gì khi bé có cơn khóc lặng?
- Đừng hoảng loạn, hãy nhớ rằng cơn khóc lặng thường sẽ kết thúc trong vòng một phút.
- Đặt trẻ nằm nghiêng và theo dõi cho tới khi cơn kết thúc.
- Không đưa bất kỳ vật gì vào miệng trẻ, kể cả ngón tay để làm thông thoáng đường thở. Nếu bé bắt đầu có các cử động co giật, bạn có thể giữ đầu, tay và chân của trẻ, không cho chạm vào vật cứng hay sắc nhọn để tránh bị chấn thương.
- Không lay gọi, lắc người hay hắt nước vào con vì điều này không giúp làm ngưng cơn khóc lặng. Hãy để cơn này tự kết thúc.
- Trấn an trẻ em và người lớn có mặt tại hiện trường rằng cơn khóc này không có gì nguy hiểm và sẽ sớm kết thúc.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
- Cần đưa bé đi khám bác sĩ sau cơn khóc lặng đầu tiên để kiểm tra loại trừ các bệnh lý tim mạch hoặc thần kinh tiềm ẩn.
- Trẻ dưới 6 tháng cần được kiểm tra tìm các nguyên nhân tiềm tàng. Cơn khóc lặng có thể xảy ra ở tuổi này nhưng hiếm gặp.
- Các cơn xảy ra rất thường xuyên (vài lần mỗi ngày) có thể nằm trong khuôn khổ của cơn khóc lặng nhưng vẫn cần kiểm tra kỹ lưỡng.
- Các cơn xảy ra hơn một lần/tuần cần được kiểm tra phát hiện thiếu máu thiếu sắt.
- Trẻ co giật, người cứng đơ kéo dài hơn một phút và phải mất một lúc lâu mới hồi tỉnh cần được kiểm tra kỹ, đây có thể không chỉ là cơn khóc lặng đơn thuần.
Trả lời trên Khoa học và Đời sống, theo BS CK II Trần Bình Nguyên, Bệnh viện Nhi TƯ, trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ thường gặp phải những cơn khóc ngất tím (hay còn gọi là cơn khóc lặng), các mẹ thường nghĩ tới nguyên nhân là vì đói, mệt, vì đòi hỏi... mà không ngờ tới những căn bệnh nghiêm trọng mà hay gặp nhất là tim bẩm sinh và động kinh.
Cơn khóc ngất xảy ra khi trẻ bị chấn thương nhẹ, giận dữ, không đạt được ý muốn hoặc sợ hãi. Biểu hiện đầu tiên là khóc làm co thắt cơ vùng hầu họng làm trẻ lặng đi, ngừng thở sau đó tím tái hoặc thậm chí giật nhẹ tay chân.
Nếu trẻ thường xuyên tái diễn cơn khóc mà không được điều trị sớm thì nguy cơ tử vong cao 5 - 10%. Việc điều trị muộn cũng thường để lại các di chứng.
Vì vậy, khi thấy trẻ hay khóc ngất cần đưa đi khám để phân biệt khóc thông thường với khóc do bệnh động kinh hoặc tim mạch.
Tham khảo thuốc: Natri clorid 0,9% Natri clorid 0,9% là thuốc nhỏ mắt hoặc rửa mắt, chống kích ứng mắt và sát trùng nhẹ.Trị nghẹt mũi, sổ mũi, viêm mũi do dị ứng, dùng được cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên không nên dùng kéo dài. |
Tiến Khê
Theo GDVN