Chế độ chăm sóc trẻ bị loạn khuẩn đường ruột
(Giúp bạn)Hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ nhỏ có những đặc tính chưa hoàn thiện như của người lớn, thường có nguy cơ rối loạn và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn so với người lớn.
Chăm sóc trẻ bị loạn khuẩn đường ruột
Sức khỏe & đời sống cho biết, trẻ bị loạn khuẩn đường ruột thường có biểu hiện cụ thể như: chán ăn, đau bụng, nôn ói và tiêu chảy kéo dài, có bọt… Khi đó, nếu không có hướng xử lý đúng đắn trẻ rất dễ bị suy dinh dưỡng do đường tiêu hóa không ổn định.
Ngoài việc cần chú ý chăm sóc trẻ theo đúng sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, các mẹ có thể điều chỉnh chế độ ăn uống của bé một chút để hệ vi khuẩn trong ruột của bé mau lập lại thế cân bằng hơn:
- Tránh ăn nhiều đồ ngọt: Khi trẻ đang bị loạn khuẩn đường ruột, các mẹ nên hạn chế cho bé ăn thêm đồ ngọt bởi làm thành phần của chất ngọt có thể làm thay đổi lượng a-xít có trong đường ruột của bé, khiến tình trạng nhiễm khuẩn diễn ra trầm trọng hơn. Nếu trẻ đang bú mẹ, mẹ cũng phải kiêng đồ ngọt, nếu trẻ bú sữa bình, mẹ nên đổi sang loại sữa không chứa đường lactoza.
- Ăn uống đủ chất: Thực đơn của trẻ trong những ngày này phải phong phú và đầy đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, các mẹ nên chọn những thực phẩm dễ tiêu như thịt gà, thịt heo nạc, sữa chua, cà-rốt, chuối, hồng xiêm… để chế biến món ăn cho bé.
- Chú ý phải tuân thủ quy tắc ăn chín uống sôi và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (không dùng lại thức ăn cũ, luôn nấu mới món ăn và vệ sinh chân tay bé sạch sẽ trước khi cho ăn…). Đặc biệt, có thể tăng cường cho trẻ dùng sữa chua vì trong thành phần của sữa chua có chứa nhiều thành phần tốt cho hệ tiêu hóa.
- Bổ sung men vi sinh: Bên cạnh chế độ dinh dưỡng và giữ gìn vệ sinh, các mẹ có thể hỗ trợ quá trình ổn định hệ thống vi khuẩn ở đường ruột của con bằng cách dùng các chế phẩm vi sinh để bổ sung những vi khuẩn có lợi cho đường ruột của bé.
Chế độ ăn cho trẻ bị loạn khuẩn đường ruột
+ Lúc này hệ tiêu hóa của bé rất yếu, niêm mạc ruột đã bị tổn thương do đi ngoài nhiều lần, vì vậy bạn cần cho bé ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, súp... nấu loãng. Thậm chí, bạn có thể cho bé ăn nước cháo với muối hoặc đường. Bạn chưa nên cho bé ăn các thức ăn tanh, lạnh và nhiều chất như cua, cá hay lòng đỏ trứng gà... bé sẽ khó hấp thu và có thể làm tình trạng tiêu chảy tồi tệ hơn.
Sau khi bé không đi ngoài nữa, bạn có thể cho bé ăn uống bình thường, không nên kiêng khem quá mức vì có thể dẫn đến việc bé bị suy dinh dưỡng.
+ Lúc này bé thường không muốn ăn, quấy khóc; khi đó, bạn nên chia nhỏ bữa ăn của bé ra, mỗi bữa cho bé ăn một chút, vài thìa... Bạn có thể dừng loại sữa đang cho bé uống và thay thế chúng bằng sữa dành riêng cho những trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, tiêu chảy cấp.
+ Bạn cần chú ý cho bé uống thêm nhiều nước đun sôi để nguội, nước cam và đặc biệt là Oresol pha theo đúng tỉ lệ hướng dẫn.
+ Trong quá trình bé bị tiêu chảy, các vi khuẩn đường ruột có lợi bị mất nhiều, cộng với việc uống kháng sinh làm cho tình trạng loạn khuẩn ruột tăng lên, vì vậy, bạn cần bổ sung men tiêu hóa cho bé hoặc cho bé uống cốm bổ tỳ.
+ Để tránh bé nôn, bạn nên cho bé ăn từng ít một; nếu thấy bé không muốn ăn nữa thì nên dừng lại. Sau khi đường ruột của bé tốt lên, bé sẽ ăn uống bình thường trở lại, bạn không nên quá lo lắng.
Vệ sinh cũng là một vấn đề quan trọng trong chăm sóc bé:
+ Bạn cần lau rửa, sát trùng đồ chơi của bé, nhất là những đồ chơi bé hay cho vào miệng.
+ Tập thói quen rửa tay cho bé ngay từ bây giờ.
+ Người chăm sóc bé cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi cho bé ăn và sau khi cho bé đi vệ sinh vì đây là nguyên nhân phổ biến gây ra nhiễm khuẩn tiêu hóa ở bé.
+ Bạn nên xem lại sữa của bé xem có bị ẩm hay mở quá lâu không.
- Bé đi ngoài nhiều lần nên hậu môn hay bị đỏ, rát, khó chịu; bạn nên rửa cho bé thay vì lau bằng giấy, sau đó bôi kem chống hăm cho bé đỡ đau rát.
Vnexpress cho biết thêm, loạn khuẩn đường ruột là vấn đề thường gặp ở trẻ với triệu chứng tiêu phân lỏng, đầy bụng... Khi dùng thuốc trị tiêu chảy, bé có thể đỡ nhưng bệnh dễ tái phát.
Tình trạng suy dinh dưỡng, ăn uống không hợp lý, thay đổi thời tiết cũng có thể gây ra loạn khuẩn đường ruột ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân là hệ vi khuẩn đường ruột của trẻ chưa hoàn thiện như người lớn, những thay đổi bên ngoài hay bên trong đều dễ dẫn đến loạn khuẩn đường ruột.
Tham khảo thuốc: Paracetamol: là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, là thuốc giảm đau - hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế aspirin; tuy vậy, khác với aspirin, paracetamol không có hiệu quả điều trị viêm. |
Trà Mi
Theo GDVN