Chấn thương răng ở trẻ em: Biện pháp khắc phục
(Giúp bạn)Các tai nạn thường xảy ra ở nhà hoặc khi các cháu chơi đùa, thường gặp ở bé trai hơn bé gái. Răng bị tổn thương thường là răng cửa giữa và răng cửa bên hàm trên.
Các loại chấn thương răng thường gặp ở trẻ
Theo Sức khỏe và Đời sống, các tai nạn thường xảy ra ở nhà hoặc khi các cháu chơi đùa, thường gặp ở bé trai hơn bé gái. Răng bị tổn thương thường là răng cửa giữa và răng cửa bên hàm trên (cả răng sữa lẫn răng vĩnh viễn), hiếm khi gặp ở các răng cửa dưới hoặc răng nanh, răng hàm…
Các bé có răng cửa hàm trên chìa ra phía trước nhiều thường có nguy cơ chấn thương răng cao hơn gấp 2 - 3 lần so với các bé có khớp cắn bình thường. Các chấn thương dù ở răng sữa hay răng vĩnh viễn nếu không được xử trí kịp thời có khả năng gây ra biến chứng đau, sưng, răng đổi màu, di chứng trên mầm răng vĩnh viễn, rối loạn mọc răng, gây mất thẩm mỹ ở vùng răng phía trước…
Do vậy, khi trẻ gặp tai nạn liên quan đến răng, cha mẹ trẻ cần đưa trẻ đến ngay phòng khám hoặc bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt để khám và điều trị.
Các chấn thương liên quan đến răng thường gặp là: chấn động răng, gãy, vỡ men răng, gãy thân răng, gãy chân răng, trật khớp răng như lún răng hay trồi răng, răng lung lay, răng di lệch, răng rơi ra ngoài.
Cách xử trí khi trẻ bị chấn thương răng
Cầm máu
VTV dẫn tin theo O2TV cho biết, các loại chấn thương răng đều ít hoặc nhiều gây chảy máu tại chỗ, do đó việc đầu tiên cha mẹ phải cầm máu cho trẻ bằng một miếng gạc tẩm ôxy già ép sát vào vùng răng bị chấn thương.
Vệ sinh vùng răng
Có thể cho trẻ tự cắn miếng gạc, vệ sinh vùng xung quanh chấn thương bằng nước sạch. Nếu là răng vĩnh viễn bị rơi ra khỏi xương ổ răng: Rửa nhẹ nhàng với nước lạnh, nước muối sinh lý cho sạch các chất bẩn (không được chà rửa răng).
Cố định răng
Nếu có thể nên đặt răng trở lại vị trí nguyên thủy trong hàm, bằng cách dùng lực của ngón tay đẩy nhẹ răng vào xương ổ răng. Tiếp theo, đặt miếng bông hay gạc đè lên thân răng mới cắm lại và bảo trẻ ngậm miệng lại từ từ để giữ răng ở tại vị trí đó.
Nếu trẻ quá nhỏ không hợp tác, trẻ có thể bị sặc hoặc nuốt mất răng, không thể thực hiện điều này thì phải giữ răng luôn ẩm trong suốt thời gian trước khi cắm ghép, không được để răng bị khô…
Bảo quản răng gãy
Chú ý bảo quản tốt chiếc răng bị gãy, bằng cách cầm răng bằng gạc tẩm nước muối sinh lý và nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên khoa răng để được cắm lại vào xương ổ răng.
Lưu ý đem đến bác sĩ càng sớm càng tốt để tủy và mạch máu được tái lập dễ dàng. Không được ngâm răng trong thuốc sát trùng, thuốc tẩy, nước súc miệng hay nước bình thường.
Đối với răng sữa không nên cắm lại vì sẽ ảnh hưởng đến sự mọc mầm răng vĩnh viễn sau này, nhưng cha mẹ phải mang theo răng để chắc chắn rằng chân răng không còn sót hay lún trong ổ răng.
Giữ gìn vệ sinh sau chấn thương
Vệ sinh răng miệng kỹ sau khi ăn: Cần cho trẻ súc miệng bằng chlorhexidine 2 lần/ ngày trong 1 tuần.
Đối với các chấn thương răng khác thì sau khi cầm máu cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời.
Tiến Khê
Theo GDVN