Hướng dẫn những việc làm thay thế để không đánh trẻ

11:08 11/02/2014

(Giúp bạn)"Nếu đánh con, vô tình bạn đã dạy bé sử dụng bạo lực khi giận và lấy vũ lực để giải quyết vấn đề. Những trẻ hay bị bố mẹ đánh thường không có lòng tự trọng, hay phiền muộn và chấp nhận một công việc có mức lương thấp khi trưởng thành". Đây là lời khẳng định của tiến sĩ Murray Strauss, làm việc tại phòng nghiên cứu về lĩnh vực gia đình trong một nghiên cứu mới nhất của ông. Và dưới đây là 9 cách làm thay thế mà bạn có thể tham khảo để tránh đánh bé.

  • 1

    Bình tĩnh

    Trước hết, nên tránh xa những tình huống có thể khiến bạn muốn đánh con vì cảm thấy giận hay không tự chủ được. Hãy bình tĩnh và thư giãn. Trong khi thư giãn, bạn thường thay đổi thái độ và tìm ra cách giải quyết vấn đề.

    Đôi khi, bạn mất tự chủ vì phải chịu đựng quá nhiều căng thẳng. Chẳng hạn, bạn đang vội chuẩn bị bữa tối thì các con đánh nhau, điện thoại reo, rồi con làm rơi hộp đậu, vậy là bạn mất tự chủ. Nếu không thể tránh khỏi tình huống đó, bạn hãy thử đi tới đi lui và đếm từ 1 đến 10.

  • 2

    Tự chăm sóc bản thân

    Nhiều cha mẹ thường đánh con khi họ không có thời gian dành cho mình. Họ cảm thấy kiệt sức vì phải tất bật giải quyết mọi việc. Do đó, bạn hãy dành thời gian để tập thể dục, đọc sách, đi bộ,… Đó là điều rất quan trọng để tránh căng thẳng.

  • 3

    Ân cần nhưng kiên quyết

    Một tình huống khác khiến cha mẹ thường đánh trẻ là khi con không làm theo những yêu cầu lặp đi lặp lại của bạn. Bạn đánh trẻ để bé hành động theo những gì bạn nói.

    Cách giải quyết tình huống này: Đến gần con, nhìn thẳng vào mắt bé, nhẹ nhàng chạm vào người bé và ân cần nhưng kiên quyết nói với bé rằng bạn muốn bé làm việc gì đó như “mẹ muốn con giữ trật tự”.

  • 4

    Đưa ra các lựa chọn

    Cho con lựa chọn là phương pháp hiệu quả khiến bạn tránh đánh bé. Nếu bé nghịch thức ăn trên bàn, bạn có thể nói “hoặc là con ngừng nghịch hoặc là con phải rời bàn ăn”. Nếu con bạn tiếp tục nghịch ngợm, bạn hãy nhẹ nhàng nhưng kiên quyết nhấc bé khỏi bàn. Sau đó, nói rằng bé có thể quay trở lại khi bé thật sự muốn ăn và không nghịch thức ăn nữa.

  • 5

    Sử dụng các kết quả logic

    Các kết quả liên quan logic tới hành vi của bé sẽ dạy bé học sống có trách nhiệm hơn. Ví dụ, bạn đánh con vì bé làm vỡ cửa sổ nhà hàng xóm. Trong tình huống này, bé sẽ hiểu rằng không được lặp lại điều đó, và lần sau nó phải giấu sai lầm đi bằng cách đổ lỗi cho người khác hay nói dối… Trẻ có thể nghĩ chúng là người tồi hoặc giận dữ và tìm cách trả thù cha mẹ vì đã đánh mình. Tức là, bé có thể hành động theo yêu cầu của bạn do sợ bị đánh chứ không phải vì tôn trọng bạn.

    Cũng với tình huống trên, nếu bạn ân cần nhưng kiên quyết nói với bé “mẹ đã nhìn thấy con đánh vỡ cửa kính, con làm gì để sửa đây?” thì trẻ có thể quyết định cắt cỏ hay rửa xe cho hàng xóm để "bồi thường". Lúc này, bé hiểu rằng có thể mắc sai lầm nhưng điều quan trọng là phải có trách nhiệm sửa chữa nó. Như thế, trẻ không còn tập trung vào lỗi đã mắc mà tìm cách khắc phục. Vì vậy, trẻ sẽ không giận dữ và trả thù cha mẹ nữa. Điều quan trọng nhất là không làm tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ.

  • 6

    Bồi thường

    Khi con phá vỡ thoả thuận, cha mẹ thường muốn trừng phạt bé. Nhưng, thay vào đó, bạn có thể để bé bồi thường, tạo cơ hội cho bé khôi phục lòng tin của người khác. Ví dụ, một cậu bé ngủ ở nhà bạn. Cha cậu yêu cầu mọi người không được ra khỏi nhà vào lúc nửa đêm nhưng chúng không tuân theo thoả thuận đó. Người cha rất giận và trừng phạt bằng cách không cho bọn trẻ ngủ ở đây trong vòng 2 tháng. Cậu bé chủ nhà và bạn nổi giận, sưng sỉa mặt mày và không nghe theo. Người cha nhận ra mình đã sai. Ông xin lỗi và nói rằng chúng đã phụ lòng tin của ông và thảo luận về tầm quan trọng của việc giữ lời hứa. Sau đó, ông yêu cầu các cậu bé phải bồi thường. Bọn trẻ quyết định xẻ hộ người cha đống gỗ ở sân sau. Chúng rất nhiệt tình với công việc và sau đó không bao giờ thất hứa nữa.

  • 7

    Tránh xung đột

    Khi trẻ con hỗn xược, cha mẹ rất dễ nổi nóng và bạt tai bé. Nhưng bạn nên bỏ ý định này ngay. Đừng rời phòng trong tâm trạng bực tức hoặc thất bại mà hãy bình tĩnh nói rằng “mẹ sẽ đi sang phòng bên cho đến khi nào con ăn nói lịch sự hơn”.

  • 8

    Hành động nhẹ nhàng nhưng kiên quyết

    Thay vì đập vào tay hoặc mông con khi bé định lấy một thứ gì đó mà không hỏi ý kiến, bạn hãy ân cần và kiên quyết nhấc bé lên và mang sang phòng bên. Đưa đồ chơi hoặc một vật hấp dẫn bé và nói “con sẽ chơi thứ đó khi nào con lớn”. Bạn có thể sẽ mất nhiều thời gian nếu như bé khăng khăng đòi.

  • 9

    Báo tin trước

    Trẻ con thường nổi giận khi không được báo trước tình huống mới vì chúng cảm thấy mình không có quyền gì. Do đó, thay vì yêu cầu con phải ra về ngay lập tức, bạn hãy nói rằng "chúng ta còn 5 phút nữa". Điều này giúp bé có sự chuẩn bị và hoàn thành trò chơi.

    Giận dữ là một dạng bạo lực trong xã hội. Nó còn đáng sợ hơn cả đánh đập vì ảnh hưởng đến lòng tự trọng của trẻ, khiến bé cụt hứng, nổi loạn và không hợp tác với bạn. Vì thế, bạn cần biết cách giải quyết sáng tạo các vấn đề mà không cần sử dụng quyền hành và bạo lực.

Comments