Mang thai tháng thứ 3: Bà bầu bị cúm có sao không?

14:40 14/04/2015

(Giúp bạn)Bà bầu mang thai tháng thứ 3 bị cúm khiến rất nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, chuyên gia lý giải không phải tất cả cúm đều có hại. Bà bầu nên bình tĩnh để có cách bảo vệ thai nhi.

Cúm ảnh hưởng đến thai nhi nhưng không phải tất cả

Vào thời gian chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột khiến cho tỉ lệ người bị cảm cúm tăng lên đáng kể, đặc biệt là những phụ nữ mang thai. Bị cúm khi mang thai có vẻ vô hại đối với người mẹ nhưng trong nhiều trường hợp lại có thể đe dọa sức khỏe của thai nhi, nhất là trong trường hợp người mẹ bị sốt.

Tuy nhiên, Bs. Nguyễn Thị Song Hà – phòng khám sản phụ khoa hiếm muộn cho biết, các tài liệu khẳng định, khi người mẹ bị nhiễm cúm nặng thì tình trạng sốt cao, nhiễm khuẩn và nhiễm độc do virus gây ra có thể làm cho thai bị lưu và gây sảy thai. Tuy vậy, không phải tất cả các loại virus đều gây dị tật.

-1

Mang thai tháng thứ 3 bị cúm cần hết sức cẩn thận


Có tài liệu cho rằng cúm có thể gây sứt môi, đục thuỷ tinh thể mắt cho thai, nhưng không đưa ra các tỷ lệ gây dị tật có tính thuyết phục. Bạn nên biết rằng với những thai kỳ bình thường, người mẹ không hề có bệnh tật gì trong lúc có thai, thì tỷ lệ dị tật các loại trên thai nhi đã có từ 1-2% trong tổng số thai nhi được sinh ra.

Vì thế, những thai có dị tật ở những bà mẹ có tiền căn bị cúm trong thời kỳ đầu của thai nghén rất có thể không phải do virus cúm gây ra.

Khi bị cảm cúm, các thai phụ không nên quá lo lắng vì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều trị thích hợp và nên thường xuyên đi khám thai đều đặn, theo dõi sự phát triển của thai bằng siêu âm.

Với các máy siêu âm 4 D hiện đại ngày nay, bác sĩ có thể phát hiện sớm các dị tật của thai  như sứt môi, tay chân khoèo, thoát vị rốn, thoát vị đốt sống... hay dị tật ở tim, ở thận, ruột hay ở não... Việc bỏ thai hay không phải cần được cân nhắc kỹ và nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa sản.

Bà bầu nên làm gì khi bị cúm

Điều đầu tiên và quan trọng nhất là cần đi khám bác sĩ. Hệ thống miễn dịch của người phụ nữ sẽ suy giảm hơn từ khi bắt đầu mang thai, do đó, bà bầu rất dễ bị nhiễm trùng, mắc ho, cảm lạnh và cúm. Và trong các trường hợp này chỉ có bác sỹ mới có những lời khuyên tốt nhất sau khi đã khám và làm các xét nghiệm cần thiết.

Nguyên tắc thứ hai cũng rất quan trọng là không được tự ý dùng bất kì loại thuốc nào. Các loại thuốc đều có thể có tác dụng phụ dẫn đến sảy thai, dị tật thai nghén, nhiễm độc thai nghén… nếu được dùng không đúng chỉ định, liều lượng và chức năng.

Một số cách đề phòng cúm cho bà bầu

- Virus gây cảm cúm có khả năng xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, mắt, mũi và miệng. Bàn tay là khu vực tiếp xúc và lưu trữ nhiều loại virus trong đó có virus gây cảm. Do vậy bạn nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

- Uống nhiều nước, đặc biệt là uống nhiều nước đường chanh, cam vắt để thanh lọc những độc hại trong cơ thể, tăng sức đề kháng, giúp bạn phòng chống bệnh.

- Ăn nhiều  rau quả: Các loại rau quả có màu xanh sậm, vàng, đỏ rất giàu vitamin và khoáng chất có tác dụng củng cố sức khỏe, tăng sức đề kháng, chống lại chứng bệnh cảm.

- Ăn sữa chua giúp nâng miễn dịch và phòng bệnh cho cơ thể.

- Hít thở không khí trong lành: Thời tiết mùa đông khô lạnh, hay mùa mưa khiến bạn ngại vận động ngoài trời. Đây chính là nguy cơ làm gia tăng tình trạng cảm ở thai phụ . Trừ những ngày quá lạnh, nếu không, bạn cũng nên  đi bộ ngoài trời, tập thể dục nhẹ nhàng để tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi cảm.

- Đặc biệt giữ cho chân luôn được ấm bằng cách, bôi dầu nóng vào lòng bàn chân và mang vớ, quấn ấm cổ khi đi ngủ, uống nhiều nước cam, chanh.

- Nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh căng thẳng, hạn chế tối đa stress

Theo GDVN

Comments