Yếu tố nguy cơ gây lạc nội mạc tử cung
(Giúp bạn)Lạc nội mạc tử cung thường tiến triển âm thầm trong nhiều năm, gây hậu quả nghiêm trọng và có nguy cơ dẫn đến vô sinh.
Các yếu tố nguy cơ lạc nội mạc tử cung
Theo Sức khỏe & đời sống, không phải ai cũng có nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung. Những chị em có nguy cơ cao bị lạc nội mạc tử cung thường nằm trong các nhóm sau đây:
1. Chị em bị thừa cân, béo phì
Những người béo phì thường có lượng mỡ tích trữ trong cơ thể khá lớn, điều này có thể làm tăng estrogen trong máu, làm mất cân bằng nội tiết và tác động đến dòng chảy của kinh nguyệt. Từ đó, lượng nội mạc tử cung cũng tăng lên theo, khả năng nội mạc đi "lạc" cũng dễ xảy ra hơn và dẫn đến triệu chứng lạc nội mạc tử cung.
2. Chị em thường xuyên bị rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt là cụm từ để chỉ những bất thường của kinh nguyệt về chu kỳ kinh, thời gian hành kinh, lượng máu kinh… Rối loạn kinh nguyệt là những biểu hiện bất thường ở tuổi bắt đầu hành kinh, tuổi mãn kinh, quá sớm hoặc quá muộn, về chu kỳ và số ngày hành kinh quá dài hoặc quá ngắn, về số lượng máu kinh quá nhiều hoặc quá ít, về những triệu chứng đau đớn hoặc khó chịu trong khi hành kinh, về tình trạng không phóng noãn trong kỳ kinh…
Chu kì kinh nguyệt không ổn định, nhất là trong trường hợp kéo dài có thể tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn tấn công, gây nên các bệnh viêm nhiễm "vùng kín" như viêm âm đạo, u nội mạc tử cung, viêm buồng trứng... Tất cả những yếu tố này đều có thể góp phần làm cho máu kinh chảy ngược trở lại và gây ra lạc nội mạc tử cung.
3. Những người ít vận động
Những người ít vận động là những người có xu hướng tích tụ nhiều chất béo trong cơ thể, do đó, nhóm đối tượng này có nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung cao gấp 2 lần so với những người thường xuyên vận động thể chất.
Ngoài ra, hấp thụ và tích trữ quá nhiều chất béo có thể dẫn đến sự gia tăng các bệnh sản phụ khoa, làm thay đổi lượng estrogen và mất cân bằng nội tiết. Sự mất cân bằng nội tiết có thể làm tăng sự phát triển của nội mạc tử cung, gây ảnh hưởng đến dòng chảy của kinh nguyệt, làm cho kinh nguyệt dễ chảy ngược trở lại và tăng nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung.
4. Những người có tiền sử gia đình liên quan đến bệnh này
Lạc nội mạc tử cung là bệnh theo gen di truyền vì vậy, nếu trong gia đình bạn có người bị lạc nội mạc tử cung thì bạn cũng có nguy cơ bị bệnh này. Do đó, tiền sử gia đình là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ khiến người phụ nữ dễ mắc ung thư nội mạc tử cung.
Phòng ngừa lạc nội mạc tử cung
1. Tránh quan hệ tình dục trong khi hành kinh
2. Rèn luyện thể thao, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý tránh thừa cân béo phì
3. Vệ sinh, giữ vùng kín luôn sạch sẽ, khô ráo. Cần vệ sinh nhẹ nhàng bên ngoài âm đạo, không nên xối nước hay thụt rửa sâu bên trong âm đạo để tránh vi khuẩn có điều kiện ngược lên trên tử cung gây tái viêm loét, khó khăn trong việc điều trị viêm nhiễm. Không lạm dụng rửa bằng các dung dịch vệ sinh phụ nữ vì có thể gây mất cân bằng môi trường âm đạo, làm vi khuẩn dễ sinh sôi phát triển.
4. Theo dõi chặt chẽ chu kỳ kinh nguyệt. Đặc biệt, nếu thấy có hiện tượng đau bụng quá nhiều trước, trong lúc hành kinh, khi gần gũi vợ chồng thường có cảm giác đau thì nên gặp bác sĩ để kiểm tra sớm.
5. Thường xuyên đi khám phụ khoa định kỳ
Biến chứng bệnh: Các mảnh lạc ở đâu sẽ gây nguy hiểm ở đó. Lạc ở buồng trứng, vòi trứng: Gây tắc vòi trứng, viêm nhiễm buồng trứng từ đó gây vô sinh; Lạc ở phổi gây ho ra máu; Lạc ở thận gây đái máu....Ngoài ra, máu ứ tại các cơ quan này trong giai đoạn kinh nguyệt sẽ tạo cơ hội cho viêm nhiễm và gây dính các vị trí này.
BS Đặng Lê Dung Hạnh cho biết trên Thanh niên, lạc nội mạc tử cung rất hay tái phát, nên sau khi mổ bóc khối u rồi vẫn có thể tái phát. Do đó, chỉ điều trị khi có tình trạng đau (đây là triệu chứng của bệnh và cũng là phàn nàn rất đáng kể, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống); thứ nữa là khi có ảnh hưởng đến việc mang thai, mà bệnh nhân thì vẫn còn nhu cầu mang thai.
Cách thức điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, vị trí và kích thước của khối nội mạc tử cung, và kế hoạch mang thai. Tuổi cũng là một yếu tố, vì các triệu chứng có thể nặng thêm khi lớn tuổi hơn, tuy nhiên, sau khi mãn kinh, bệnh sẽ có thể giảm dần.
Trà Mi
Theo GDVN