Những sai lầm khi "cầm" tiêu chảy cho trẻ

14:32 14/04/2015

(Giúp bạn)Khi trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ không được nôn nóng, sốt ruột cho trẻ uống oresol liên tục vì như thế sẽ càng phản tác dụng...

Vì sao không nên "cầm" tiêu chảy cho trẻ?

Chia sẻ trên Dân trí, PGS.TS  Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho hay, người Việt có một quan điểm gần như mặc định, đi ngoài thì phải “cầm” tiêu chảy thì mới khỏi, mới đỡ bị mất nước.

Vì thế, cứ thấy trẻ bị đi ngoài là một loạt các biện pháp lại được áp dụng, như cho trẻ uống các loại kháng sinh Becberin, Biseptol và các thuốc cầm tiêu chảy, kiêng khem không cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, ăn cháo trắng, cho trẻ ăn, uống nước các loại lá và quả chát có nhiều chất Tanin như lá nhọ nồi, lá ổi xanh, quả ổi xanh, quả hồng xiêm xanh... ngay lập tức sẽ có tác dụng cầm ỉa. Vì chất Tanin có tác dụng làm săn màng ruột, giảm số lần đi ngoài ngay tức khắc.

Nhưng với tiêu chảy do rota vi rút cũng như tiêu chảy do vi khuẩn, nấm, hóa chất…  việc ngăn cơ chế đưa chất thải ra khỏi cơ thể theo các phương pháp này lại gây rất nhiều nguy cơ. Bởi thực chất, bệnh chỉ đỡ giả tạo, giảm số lần đi ngoài và thực tế thì các tác nhân gây tiêu chảy như vi rút, vi khuẩn, nấm, hoá chất... thải hồi rất chậm do màng ruột bị săn, làm cho bệnh càng thêm kéo dài, thậm chí nặng hơn.…

Chỉ riêng với tiêu chảy do vi rút, việc giảm số lần tiêu chảy sẽ khiến bụng trẻ càng chướng lên, không “thoát” ra ngoài được bằng đi ngoài, trẻ sẽ càng bị nôn vọt do đầy bụng. Trong khi đó, nôn gây mất nước không kém gì tiêu chảy.

TS Dũng cho biết, tiêu chảy mùa đông do rota vi rút gây ra và thường chỉ kéo dài trong 3 - 7 ngày. Trẻ bị tiêu chảy mùa đông thường có các biểu hiện sốt nhẹ, quấy khóc, hơi mệt, nôn, tiêu chảy…Trẻ đi ngoài nhiều lần, phân lỏng, màu vàng chanh hoặc trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải. Lúc này, việc làm đúng nhất là bù nước đúng cách cho trẻ bằng oresol, sau vài ba ngày vi rút được loại thải ra ngoài trẻ sẽ hết bệnh.

Nhưng phải bù nước như thế nào khi cứ uống vào là trẻ bị nôn? Về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai, đặc biệt lưu ý cha mẹ không được nôn nóng, sốt ruột cho trẻ uống oresol liên tục vì như thế sẽ càng phản tác dụng: trẻ bị kích thích lại nôn.

Hãy bình tĩnh theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, chỉ cho trẻ uống từng thìa nhỏ một, lúc lại một thìa sẽ giảm nguy cơ nôn. Với trẻ nôn ít, thì cứ 1 - 2 phút cho uống một ngụm (hoặc dùng thìa nếu trẻ nhỏ). Còn nếu trẻ bị nôn thì phải cho uống oresol chậm hơn, sau 2-3 phút lại uống một lần, một ngụm (thìa nhỏ).

Nếu trẻ bị nôn ra ngay sau khi uống, cũng không vội uống lại ngay, bởi trẻ không phải bị nôn ra là nôn sạch mà đã có sự hấp thu vào cơ thể. Sau cơn nôn, để con bình tĩnh lại, lại từ từ, kiên nhẫn từng ngụm oresol.

Tuy nhiên bác sĩ cũng đặc biệt lưu ý cha mẹ phải theo dõi đáp ứng của trẻ. Nếu đã bù oresol đường uống đúng cách mà trẻ vẫn nôn quá nhiều, có dấu hiệu mất nước (mệt, kêu khát nước, đái ít…) thì nên cho trẻ đến viện để bác sĩ khám, chỉ định bù nước bằng truyền dịch, phòng nguy cơ mất nước rất nguy hiểm.

-1

Theo TS Dũng, với thời tiết miền Bắc như hiện nay, dịch tiêu chảy vẫn còn tiếp diễn. Trong khi đó chưa có thuốc đặc trị rota vi rút mà cơ thể phải tự kháng lại. Tiêu chảy rất dễ lây qua dịch nôn, phân… vì thế cần vệ sinh, rửa tay xà phòng sạch sẽ, lau sạch dịch nôn bằng dung dịch tiệt trùng để phòng nguy cơ lây tiêu chảy rota vi rút cho cả gia đình.

Những điều cần biết về tiêu chảy do rota vi rút ở trẻ

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, rotavirus là tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp thường gặp nhất trong mùa đông, chủ yếu lây lan qua đường phân - miệng.

Tiêu chảy cấp do rotavirus dễ lây lan vì lượng virus thải ra trong phân rất lớn, hơn nữa rotavirus lại sống được trong môi trường tự nhiên như trên các bề mặt tiếp xúc của đồ chơi, mặt bàn ghế, trong nước và trên da...

Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm rotavirus, tuy nhiên bệnh thường xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Khi mắc bệnh lần đầu trẻ thường bị rất nặng và nhẹ dần ở các lần sau. Trong năm năm đầu đời, tất cả trẻ đều bị nhiễm virus này.

Đa số trẻ sẽ hết tiêu chảy sau 4 - 8 ngày, tuy nhiên vẫn có trẻ kéo dài tiêu lỏng đến hai tuần dù đã chơi và ăn trở lại. Biến chứng nguy hiểm của bệnh tiêu chảy là gây mất nước, nặng nhất là tử vong.

Theo các nhà chuyên môn, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus là uống vaccin. Đây là vaccin loại uống, dùng cho trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi.

Bệnh tiêu chảy do nhiều tác nhân gây ra, do vậy uống vaccin chỉ phòng được rotavirus nhưng vẫn có thể mắc các bệnh tiêu chảy do các tác nhân khác. Vì vậy, dù trẻ đã được uống loại vaccin này, các bậc cha mẹ vẫn cần tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh cho trẻ (ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh...), riêng người lớn cần duy trì thói quen rửa tay trước khi chế biến món ăn cho trẻ...

Thuốc tham khảo: Oresol hương cam

Dùng cho các trường hợp:
Tiêu chảy, nôn mửa… cơ thể sẽ bị mất nước và điện giải dẫn đến dễ bị trụy tim mạch.

Dùng bột uống bù điện giải Oresol hương vị cam sẽ bù lại lượng dịch, điện giải và bổ sung năng lượng cho cơ thể khi bị tiêu chảy, nôn mửa hoặc sốt cao.

Thùy Linh

Nên đọc
-2 Nên và không nên cho trẻ bị tiêu chảy ăn gì?
-3 Phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp
-4 Thuốc trị tiêu chảy dùng không đúng cách sẽ gây hại
-5 Xử lý đúng cách khi bé bị tiêu chảy

Theo GDVN

Comments