Thủ phạm làm suy giảm hệ miễn dịch ở trẻ

14:27 14/04/2015

(Giúp bạn)Các chuyên gia y tế khuyến cáo, chẩn đoán bệnh sớm là yếu tố quan trọng giúp việc điều trị hội chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh đạt hiệu quả cao.

Suy giảm hệ miễn dịch ở trẻ

Suy giảm miễn dịch là một bệnh khiếm khuyết về di truyền khiến cơ thể bệnh nhi không có khả năng chống lại tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn.

Trao đổi trên Hà Nội mới, PGS.TS Lê Thị Minh Hương, trưởng khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trẻ thường mắc các bệnh nhiễm trùng nặng, dai dẳng hoặc tái phát nhiều đợt. Tùy theo bản chất loại suy giảm miễn dịch, bệnh nhân sẽ mắc những bệnh nhiễm trùng khác nhau.

Suy giảm miễn dịch được chia thành 2 loại: dạng tiên phát bẩm sinh (do gen) và dạng thứ phát do mắc phải (nhiễm HIV, suy dinh dưỡng nặng, dùng thuốc ức chế miễn dịch, xạ trị…); trong đó suy giảm miễn dịch bẩm sinh là căn bệnh hiếm gặp với tỷ lệ 1/1.200 trẻ sinh sống.

Theo BS Lê Thị Minh Hương, hiện nay, để điều trị suy giảm miễn dịch bẩm sinh chỉ có 2 phương pháp hiệu quả nhất là ghép tủy và truyền chế phẩm miễn dịch. Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hà Lan, Pháp… trẻ được phát hiện bệnh trước 6 tháng tuổi và tiến hành ghép tủy thì cơ hội khỏi bệnh có thể đạt tới 95%. Trẻ bị bệnh ở thể nhẹ, nếu được truyền chế phẩm miễn dịch đều đặn, vẫn có thể học tập, vui chơi và có cuộc sống bình thường như các bạn.

Nguyên nhân làm suy yếu hệ miễn dịch của trẻ

Đặc thù của thời tiết: Theo Trí thức trẻ, thời tiết chuyển sang lạnh, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột giữa ngày và đêm khiến cho cơ thể gặp nhiều cản trở. Cơ thể trẻ chưa kịp thích nghi với sự thay đổi của môi trường – đặc biệt là với những trẻ có thể trạng yếu, thân nhiệt của trẻ lúc này cũng vì thế mà mất ổn định. Kết quả là hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm.

Ép con ăn quá nhiều: Một số bậc phụ huynh quan niệm rằng “mùa đông chóng đói”, lo sợ con đói hoặc ăn không đủ chất nên ép con ăn nhiều hơn. Đặc biệt là ban đêm, nhiều cha mẹ sợ con quấy khóc vì đói nên thường cho con ăn trước khi ngủ. Chính việc ép con ăn quá nhiều, thức ăn chưa được tiêu hóa hết có thể sinh nhiệt, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, làm giảm khả năng miễn dịch.

Ít vận động: Mùa đông, thời tiết lạnh giá, các bậc cha mẹ phần vì ngại, vì sợ con bị lạnh nên “giam lỏng” con trong nhà, khiến cho trẻ bị giới hạn hoạt động thể chất. Các bậc cha mẹ không biết rằng đối với các em bé đang trong giai đoạn tăng trưởng, vận động là biện pháp hữu hiệu, cần thiết giúp trẻ tăng sức đề kháng. Nếu cơ thể ít vận động, tập thể dục quá ít, ngoài việc làm giảm khả năng vận động của trẻ mà còn làm giảm khả năng miễn dịch, trẻ chịu lạnh cũng kém.

Mặc quá nhiều quần áo: Thời tiết lạnh, nhiều cha mẹ lo sợ con bị lạnh nên mặc cho trẻ quá nhiều áo ấm mà không biết rằng điều đó có thể khiến cho hệ miễn dịch của trẻ bị ảnh hưởng. Khi mặc cho trẻ quá nhiều áo cơ thể bị nóng, nhiệt độ cơ thể tăng, lỗ chân lông mở ra, ra nhiều mồ hôi bé sẽ bị tự nhiễm lạnh, có thể dẫn tới viêm phổi.

Vệ sinh cơ thể kém: Thời tiết lạnh, cơ thể của trẻ vốn chưa kịp thích nghi với môi trường, thân nhiệt chưa ổn định, dễ bị vi khuẩn xâm nhập… Việc lơ là trong việc giữ vệ sinh sẽ tạo điều kiện để các loại vi khuẩn tấn công cơ thể, dẫn đến hệ miễn dịch của trẻ suy yếu, trẻ sẽ dễ mắc các bệnh liên quan đến hô hấp và tiêu hóa.

Biện pháp nâng cao sức đề kháng – hệ miễn dịch cho trẻ

Để giúp con mình khỏe mạnh và tăng sức đề kháng – miễn dịch trong mùa lạnh, các bậc phụ huynh cần lưu ý:

- Bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể trẻ. Nước là thành phần giúp thanh lọc cơ thể, tăng sức đề kháng, vì thế cần cho trẻ uống đủ lượng nước mỗi ngày và kết hợp chế độ thực phẩm hợp lý.

- Đảm bảo chế độ ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng để trẻ có năng lượng chống lạnh.

- Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt cho trẻ. Không nên ăn sống, ăn đồ lạnh, nên ăn thức ăn chín, uống nước sôi, vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

- Giữ ấm cho con phù hợp với nhiệt độ môi trường (buổi sáng và tối cần mặc đủ ấm, cởi bớt đồ khi buổi trưa nhiệt độ tăng), hạn chế để trẻ ra ngoài trời lúc có sương, gió. Khuyến khích trẻ vận động, tập thể dục thường xuyên.

Tiến Khê

Nên đọc
-1 Phụ nữ nên ăn táo
-2 Ánh nắng có lợi cho bệnh nhân Alzheimer
-3 Những sai lầm làm suy giảm hệ miễn dịch ở trẻ
-4 Trẻ từ 1 đến 3 tuổi ngủ bao nhiêu tiếng là đủ?

Theo GDVN

Comments