Viêm tuyến vú sau sinh
(Giúp bạn)Viêm tuyến vũ là bệnh thường gặp ở những sản phụ sinh con lần đầu do chưa có kinh nghiệm cho con bú và vệ sinh chăm sóc vú không đúng cách.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, viêm tuyến vú hay viêm vú, viêm tuyến sữa là một bệnh nhiễm trùng các mô vú gây đau ngực, sưng, nóng và đỏ vú. Khi bị viêm vú cũng có thể bị sốt và ớn lạnh. Phổ biến nhất ở phụ nữ cho con bú, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở người không cho con bú. Cứ 3 phụ nữ đang cho con bú thì có 1 người bị viêm vú.
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh viêm vú xảy ra trong vòng vài tháng đầu sau khi sinh, nhưng cũng có thể xảy ra trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Các triệu chứng có thể cảm thấy như mệt mỏi và kiệt sức, gây khó khăn cho việc chăm sóc em bé. Tuy nhiên vẫn có thể tiếp tục cho con bú khi bị viêm vú.
Nguyên nhân gây viêm tuyến vú
Sức khỏe & đời sống cho biết, trong thời kỳ cho con bú phụ nữ rất dễ bị viêm tuyến sữa do vi khuẩn xâm nhập vào mô vú gây ra. Vi khuẩn gây viêm tuyến sữa thường do là khuẩn cầu nho màu vàng kim và khuẩn liên cầu tính dung huyết, thông qua vết nứt trên núm vú. Khi người mẹ cho con bú không đúng cách, sữa tích tụ lại, tư thế cho bú không đúng làm trẻ khó bú, khiến bé cứ lôi kéo, day mạnh gây tổn thương (nứt) vùng da đầu núm vú.
Ở những sản phụ núm vú thụt vào hoặc bằng phẳng quá, trẻ sẽ cắn mút đầu vú, hình thành nên những vết thương nhỏ và loét rộng ra, hoặc nếu bé chưa biết bú, sản phụ phải nặn sữa nhưng chưa biết cách nặn khiến núm vú cũng bị tổn thương. Khi đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn bên ngoài xâm nhập được vào tuyến sữa qua vết nứt của đầu vú, sẽ sinh sôi nhanh chóng trong tuyến sữa, dẫn đến viêm tuyến sữa.
Làm gì khi bị viêm tuyến vú?
Biểu hiện chủ yếu khi bị viêm tuyến sữa là là bên vú bị viêm, sưng, ấn thấy đau, sữa tiết ra không thông suốt, da vú hơi đỏ, người bệnh có cảm giác sốt, sợ rét. Nặng hơn sẽ sốt, đau đớn rất khó chịu, tuyến sữa có mủ,... Nếu không được điều trị sẽ dẫn đến có thể dẫn đến biến chứng bại huyết, áp xe vú,…
Do đó các bà mẹ cần chú ý ngay từ khi có biểu hiện sữa không thông (tắc tia sữa), vú cương đau khi cho con bú cần dùng tay hoặc dùng dụng cụ hút sữa hút hết sữa thừa còn lại ở hai bên vú, vệ sinh vú thường xuyên trước khi cho trẻ bú. Nếu đầu vú đã bị nứt, bầu vú sưng đỏ, sốt,… thì tạm thời dừng cho con bú và đi khám ngay để bác sĩ chỉ định dùng thuốc chữa viêm, không nên để kéo dài tránh biến chứng.
Phòng bệnh viêm tuyến vú như thế nào?
Để phòng viêm tuyến sữa, điều quan trọng nhất là cần chú ý chăm sóc vú.
Trong thời kì mang thai thường xuyên dùng xà phòng hoặc nước ấm lau rửa đầu vú. Nếu đầu vú bằng hoặc lõm vào bên trong cần thường xuyên dùng tay kéo nhẹ ra bên ngoài.
Day đều bầu sữa để thông tia sữa ngay sau khi sinh.
Vệ sinh vú sạch sẽ trước và sau khi cho con bú. Khi cho bú cần cho bú hết một bên vú rồi chuyển sang vú bên kia, nếu sữa chưa được bú hết thì dùng tay hoặc dụng cụ hút sữa hút hết sữa thừa ra.
Mặc áo ngực bằng vải cotton rộng, thoáng, có miếng mút nhỏ để thấm sữa không rỉ ra áo ngoài.
Trà Mi
Theo GDVN