Áp-xe não liên quan đến bệnh gì?
(Giúp bạn)Áp-xe não là một bệnh rất nặng, tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, mọi người cần nắm vững các triệu chứng của áp-xe não để kịp thời xử lý.
Áp-xe não liên quan đến bệnh gì?
Theo Sức khỏe và Đời sống, nhiều nghiên cứu cho biết có 3 nguyên nhân chính gây áp-xe não: một là chấn thương ở đầu mặt cổ; hai là nhiễm khuẩn ở gần não bộ như viêm xoang trán, xoang sàng, viêm tai giữa, viêm xương chũm; ba là nhiễm khuẩn theo đường máu: vi khuẩn gây các bệnh áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm màng trong tim, áp-xe gan, viêm tủy xương, viêm bể thận, mụn nhọt rồi vào máu lên não gây áp-xe não.
Nếu áp-xe não theo đường máu có đặc điểm là ổ áp-xe thường ở sâu trong não, có một hay nhiều ổ ở các vị trí khác nhau. Những vi khuẩn gây áp-xe não thường gặp là trực khuẩn đường ruột, tụ cầu vàng, liên cầu không gây tan huyết, vi khuẩn kỵ khí, nấm, amip.
Vị trí ổ áp-xe có thể ở ngoài màng cứng, dưới màng cứng và trong não. Trên thực tế, còn gặp áp-xe não nhưng không rõ nguyên nhân.
Áp-xe não do viêm tai
Trao đổi trên Vnexress, tiến sĩ Phạm Khánh Hòa, Trưởng khoa Cấp cứu, cho biết, sở dĩ bệnh từ tai gây biến chứng ở não là do tổ chức não rất gần tai, có chỗ tai chỉ cách màng não bởi một vách xương mỏng 1 mm, thậm chí 0,5 mm. Bệnh từ tai cũng có thể theo đường máu vào não. Ba biến chứng nguy hiểm thường gặp do viêm tai là: viêm màng não, áp-xe não và viêm tĩnh mạch do tai.
Khi có áp-xe não do viêm tai, ổ áp-xe tiến triển qua các giai đoạn làm tắc mạch, viêm phù nề, hoại tử thành mủ, hình thành vỏ bao bọc quanh ổ mủ. Về lâm sàng, ở giai đoạn đầu rất ít các triệu chứng nên người bệnh thường không được để ý tới.
Ở giai đoạn tiềm tàng, nhức đầu là biểu hiện quan trọng nhất. Bệnh nhân nhức nửa đầu liên tục, uống thuốc giảm đau không đỡ, sốt, chảy mủ tai mạn tính có đợt hồi viêm. Đến giai đoạn rõ rệt, biểu hiện lâm sàng tập trung vào 3 hội chứng lớn:
- Hội chứng tăng áp lực nội sọ: Nhức đầu bên có áp-xe, thỉnh thoảng bệnh nhân phải lấy tay đập vào đầu, tinh thần chậm chạp, đờ đẫn, mạch chậm và không đều, nôn tự nhiên, phù nề gai thị (nếu soi đáy mắt), đi lại loạng choạng).
- Hội chứng nhiễm khuẩn: Sốt, bạch cầu trong máu cao, người gầy sút.
- Hội chứng thần kinh khu trú: Thường xuất hiện muộn do áp-xe đại não (biểu hiện liệt 1/2 người bên đối diện, liệt vận động nhãn cầu, co giật cục bộ, mất ngôn ngữ, bán manh...), áp-xe tiểu não (bệnh nhân loạng choạng, trương lực cơ giảm cùng bên, run tay, quá tầm, rối tầm, mất liên vận, đồng vận chung).
Ở giai đoạn cuối cùng, bệnh nhân sẽ bị co giật, ưỡn cứng người, ngừng thở do tụt kẹt hạnh nhân tiểu não, rối loạn hành tủy, mất hết phản xạ và dần dần tử vong.
Theo thống kê của bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, tỷ lệ viêm tai chiếm 5% dân số với khoảng 4 triệu người. Áp-xe não do viêm tai có giảm song tỷ lệ tử vong do biến chứng này vẫn còn lớn, chiếm tới 40-50% các trường hợp. Hầu hết là bệnh nhân đến từ những nơi có điều kiện chăm sóc y tế thấp và sự hiểu biết của người dân còn hạn chế.
Bởi vậy, ở các tuyến cơ sở hễ thấy bệnh nhân chảy mủ tai mà xuất hiện các triệu chứng như trên, cần gửi ngay đến chuyên khoa tai mũi họng để mổ và điều trị theo đúng nguyên tắc. Đây là một bệnh cảnh cấp cứu nên phải gửi bệnh nhân càng sớm càng tốt.
Khi bệnh nhân bị viêm tai có mủ, đặc biệt là viêm tai có mủ thối, phải đi khám sớm để xác định bệnh, đề phòng biến chứng vào trong sọ não.
Linh Chi
Theo GDVN