Bệnh lác mắt
(Giúp bạn)Lác mắt là một dị tật ở mắt do lệch trục nhãn cầu. Lác mắt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, lác bẩm sinh hoặc mắc phải, cũng có yếu tố di truyền.
Lác mắt là gì?
Theo thông tin trên trang tin điện tử BV Mắt Trung ương, lác mắt là khi ta nhìn vật nào đó, hai mắt không thẳng hàng mà có một mắt lệch đi so với mắt kia. Có thể lệch vào trong gọi là lác trong, lệch ra ngoài gọi là lác ngoài, hoặc lệch lên trên gọi là lác đứng trên, lệch xuống dưới gọi là lác đứng dưới.
Lác xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa các cơ ngoại nhãn của mắt, làm cản trở sự phát triển thị giác hai mắt và có thể ảnh hưởng đến thị lực, đồng thời cảm nhận chiều sâu - khả năng định vị một vật nào đó trong không gian 3 chiều – có thể mất thị giác hai mắt.
Ai có thể bị lác mắt?
Lác mắt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, lác bẩm sinh hoặc mắc phải, cũng có yếu tố di truyền. Người lớn thường lác thứ phát sau một chấn thương mắt, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) không được điều trị hoặc một bệnh lý nào đó, có thể tổn thương ở thần kinh hoặc tại cơ vận nhãn. Trẻ bị lác bẩm sinh thì chưa rõ nguyên nhân, có thể do di truyền.
Nguyên nhân gây lác mắt
Về nguyên nhân gây lác, 40% là do bẩm sinh (xuất hiện từ 0-6 tháng tuổi), 40% do tật khúc xạ và 20% do bệnh lý khác.
Người lao động dẫn lời bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Hồng, phụ trách phòng khám lác Trung tâm Mắt TP HCM, cho biết: Bệnh viễn thị, nếu không được điều trị, sẽ dẫn đến lác trong (một mắt nhìn lệch vào trong), còn bệnh cận thị không được điều trị có thể gây lác ngoài (một mắt nhìn lệch ra ngoài).
Có 6 cơ vận nhãn bám xung quanh mắt để giúp mắt liếc các hướng. Một cơ có vai trò liếc mắt sang phải, một cơ liếc mắt sang trái và 4 cơ còn lại làm cho mắt liếc lên trên hoặc xuống dưới và sang 4 góc. Khi thị giác hai mắt phát triển tốt thì hai mắt sẽ luôn làm việc cùng nhau để nhìn về 1 vật, não sẽ buộc cho các cơ ở một mắt hoạt động cân bằng nhau và hai mắt phối hợp hài hoà nhau. Lác mắt xảy ra là do sự mất cân bằng hài hoà này. Lác có thể do một rối loạn nào đó ở não hoặc tại cơ làm sự điều phối trên bị rối loạn.
Có thể một tổn thương nào như khối u, xuất huyết… làm liệt thần kinh vận động cho cơ nên mắt bị lác.
Lác có tính gia đình. Những tổn thương tuần hoàn trong bệnh tiểu đường, đục thuỷ tinh thể, viễn thị, khối u mắt hoặc bệnh lý khác làm cho mắt có thể dẫn đến lác.
Triệu chứng của bệnh lác mắt
Triệu chứng của lác đơn giản nhất là được thấy hai mắt lệch nhau do người xung quanh phát hiện hoặc khi soi gương. Tuy nhiên, có những trường hợp lác độ nhỏ hoặc lác ẩn thì khó phát hiện hơn.
Triệu chứng có thể là mỏi mắt thường xuyên hoặc khả năng tập trung kém, nhìn mờ do tật khúc xạ kèm theo hoặc do nhược thị.
Nếu lác mắt xảy ra đột ngột, bệnh nhân có thể nhìn đôi do hai mắt nhìn về hai vật đồng thời. Để giảm khó chịu thì bệnh nhân sẽ nghiêng đầu để nhìn, và dần dần não sẽ tự ức chế ảnh ở một mắt để xoá song thị. Hậu quả là gây ra nhược thị ở một mắt.
Tác hại của bệnh lác mắt
Tác hại cực kỳ quan trọng là nếu lác xảy ra ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển thị giác là làm cho thị giác kém phát triển, có thể gây nhược thị mất khả năng nhìn bằng hai mắt, do đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như không thể làm một số nghề nghiệp đòi hỏi thị giác hai mắt tốt.
Ngoài ra với người lớn, lắc mắt làm mất vể thẩm mỹ và là trở ngại rất lớn cho việc giao tiếp trong cuộc sống.
Ở người lớn tuổi, lác mắt đột ngột có thể là báo hiệu một bệnh lý cấp tính ở hệ thần kinh vận động, do đó cần phải khám và tìm nguyên nhân để điều trị.
Tham khảo thuốc: 3b – Medi: Bổ sung các vitamin nhóm B cho cơ thể. Với liều cao dùng để điều trị các chứng đau nhức do các bệnh lý thần kinh, bệnh yếu cơ, các rối loạn do nghiện rượu lâu năm |
Trà Mi
Theo GDVN