Bệnh sỏi tiết niệu
(Giúp bạn)Sỏi tiết niệu là những khối tinh thể kết tụ một số thành phần trong nước tiểu ở đường niệu trên (chủ yếu từ can-xi).
Sỏi tiết niệu là gì?
BC Đào Thế Tân cho biết trên báo Lao Động, sỏi tiết niệu là gọi chung tất cả các loại sỏi nằm ở thận, bàng quang và cả niệu quản. Điểm khác nhau cơ bản là bản chất hoá học của từng loại sỏi vì nó liên quan đến cách phòng và chữa bệnh.
Vị trí của sỏi nằm ở đâu cũng quyết định đến tiên lượng bệnh, lựa chọn cách điều trị và điều trị thành công đến mức độ nào.
Y học hiện tại vẫn chưa rõ tường tận bệnh sinh (cơ chế gây bệnh) nên chưa có cách ngừa tiệt nọc để không cho sỏi hình thành mà mới chỉ can thiệp được vào một số yếu tố thuận lợi cho hình thành sỏi.
Các bác sĩ cho rằng, bệnh sỏi ở hệ tiết niệu liên quan đến chuyển hóa một số chất khoáng như can-xi, phốt-phát, oxalate là các thành phần chính cấu tạo nên sỏi. Nhưng thực ra, hoạt động sinh hoá - huyết học của cơ thể “tinh vi” hơn nhiều nên nó còn liên quan đến các loại vitamine và nguyên tố vi lượng như magne.
Có một số nguyên nhân mang tính cơ học đã được biết tới bao gồm: Một số dị dạng bẩm sinh (đẻ ra đã bị dị dạng sẵn nhưng khi thành sỏi mới biết); một số do di chứng chấn thương hệ tiết niệu; bệnh nhân mắc bệnh khác phải nằm bất động lâu ngày. Cả 3 nguyên nhân này đều có điểm chung là gây cản trở lưu thông bình thường của đường dẫn nước tiểu làm hình thành sỏi ngay tại chỗ bị hẹp. Do đó phẫu thuật tạo hình lại đường tiết niệu để nước tiểu lưu thông bình thường sẽ là phương pháp điều trị cơ bản bệnh sỏi, nghĩa là không có nguy cơ tái lại.
Một vài triệu chứng đáng lưu ý của bệnh sỏi tiết niệu
Theo Dân trí, cơn đau của bệnh này thường đến đột ngột, rất dữ dội và chỉ ở một bên. Đau bắt đầu ở vùng thắt lưng rồi lan sang phía bụng, nách và các cơ quan sinh dục. Có lúc đau giảm đi nhưng sau đó lại xuất hiện cơn khác dữ dội hơn. Bệnh nhân có thể nôn, buồn nôn, ra mồ hôi, mạch nhanh nhưng không sốt; buồn tiểu nhưng lại không cảm thấy dễ chịu sau khi tiểu.
Những viên sỏi nằm ở đài bể thận hay bàng quang thường hình thành từ rất lâu trước khi có triệu chứng và triệu chứng cũng mơ hồ không rõ rệt như chỉ thấy tưng tức, nằng nặng vùng thắt lưng hay vùng bụng dưới.
Đi tiểu ra máu ở mức độ khó phát hiện, chỉ thấy hơi hồng hồng, hoặc phải xét nghiệm nước tiểu mới thấy có hồng cầu.
Các xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh sỏi tiết niệu
Siêu âm là phương pháp thông dụng vì rẻ tiền, dễ thực hiện, rất nhiều khi chỉ nhờ khám sức khỏe định kì mà phát hiện sỏi thận. Ngoài ra, siêu âm còn có thể phát hiện cặn can-xi là giai đoạn sớm chớm hình thành sỏi có tác dụng chỉ dẫn để đề phòng ngăn ngừa sỏi.
Các xét nghiệm sinh hoá, huyết học sẽ cho biết một số thông số cần quan tâm nhưng chỉ có ý nghĩa khi thông số cao bất thường (gấp rưỡi hoặc gấp đôi trị số bình thường) hoặc cho biết có đái máu vi thể và phản ứng viêm tiết niệu.
Các chỉ định chụp CT Scanner, chụp UIV khi đã có chẩn đoán sỏi tiết niệu sơ bộ từ kết quả siêu âm hay chụp X quang thông thường nhằm mục tiêu đánh giá chức năng thận, vị trí số lượng, đặc điểm của sỏi, chuẩn bị cho cuộc mổ.
Điều trị sỏi: thuốc thảo dược như Kim tiền thảo có tác dụng khi sỏi nhỏ 5- 7mm hoặc mới là dạng cặn, vì nguyên lí của nó là làm mòn, làm hoà tan dần dần viên sỏi và để thải tự nhiên qua đường tiểu.
Tán sỏi ngoài cơ thể: có hiệu quả khi sỏi nhỏ dưới 20mm, chức năng thận còn tốt và đường tiết niệu chưa bị hẹp. Gần gũi với phương pháp này là tán sỏi ngược dòng bằng laser, phương pháp này yêu cầu cao về trang bị và trình độ người thực hiện.
Mổ nội soi: đang trong thời kì phát triển ở nước ta cả về trang bị và trình độ bác sĩ với nhiều lợi thế so với mổ mở nhưng giá thành còn cao.
Mổ mở: đây vẫn là giải pháp triệt để và cuối cùng khi các phương pháp khác không thực hiện được, nhiều bệnh nhân lúc đầu định mổ nội soi nhưng trong quá trình thực hiện có khó khăn nên vẫn phải chuyển sang mổ mở.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Để phòng bệnh, cần bắt đầu từ nguyên nhân gây bệnh mà chủ yếu bắt nguồn từ lối sống, thói quen ăn uống và sinh hoạt.
Cụ thể là: Hạn chế chất can-xi, protein, oxalat, purin, thức ăn mặn... Nên uống từ 2 – 3 lít nước mỗi ngày, bảo đảm bài tiết 1,5 lít nước tiểu hằng ngày và nên dành thời gian vận động. Không nên ăn quá nhiều đậu nành vì nó chứa rất nhiều oxalat, ăn quá nhiều sẽ khiến can-xi và oxalate kết dính thành khối gây ra sỏi thận.
Tùy theo nguyên nhân gây sỏi, người bệnh cần có chế độ ăn khác nhau:
Sỏi canxi: Giới hạn lượng can-xi đưa vào <600 mg/ngày, gia tăng chất xơ (từ rau và trái cây). Không nên dùng các loại nước “cứng”.
Sỏi oxalat: Không ăn măng tây, đậu cô ve, củ cải đường, đào lộn hột, rau diếp, đậu bắp, nho, mận, khoai lang và trà. Cảnh giác với thức ăn chua hay các viên vitamin C liều cao.
Sỏi axit uric: Các sỏi này liên quan đến chuyển hóa purin và đôi khi là một biến chứng của bệnh gút. Nên giảm ăn những chất có purin (thức ăn quá nhiều đạm).
Tham khảo thuốc: Thuốc cốm trị sỏi thận Sirnakarang: chứa tinh chất cao khô kim tiền thảo có tác dụng lợi tiểu, pha loãng dòng nước tiểu, làm ngưng sự gia tăng kích thước của hòn sỏi, đồng thời, hòa tan sỏi theo cơ chế "nước chảy đá mòn". |
Trà Mi
Theo GDVN