Bệnh sốt vàng: Triệu chứng, biện pháp phòng ngừa
(Giúp bạn)Bệnh sốt vàng hiện chưa có thuốc đặc trị, vì vậy điều trị theo các nguyên tắc: phát hiện, chẩn đoán đúng bệnh; điều trị sớm.
BS Nguyễn Võ Hinh cho biết, sốt vàng (Yellow fever) là một bệnh do virut gây nên do muỗi truyền, giống như bệnh sốt xuất huyết. Virut gây nên bệnh sốt vàng chủ yếu phát hiện ở các quần thể khỉ trong các vùng rừng rậm ở châu Phi, Trung và Nam Mỹ. Bệnh được truyền từ con khỉ này sang con khỉ khác do các loài muỗi sống trong rừng (ở châu Phi do các loài muỗi Aedes, ở Trung và Nam Mỹ do các loài muỗi Haemagogus và Sabethes). Các loài muỗi này đôi khi cũng đốt ngay cả con người khi họ đi vào rừng và có thể truyền virut là mầm bệnh ở khỉ sang cho người. Sốt vàng là một bệnh cấp tính, xảy ra trong thời gian ngắn, hay dẫn đến tử vong.
Triệu chứng bệnh sốt vàng
1. Đặc điểm của bệnh
- Bệnh nhân có sốt cao, khởi phát đột ngột, kèm rét run, đau đầu, đau cơ toàn thân, mặt đỏ xung huyết, buồn nôn và nôn, mạch chậm và yếu không tương xứng với tăng thân nhiệt, có vàng da nhẹ, bạch cầu máu ngoại vi giảm.Giai đoạn toàn phát có dấu hiệu xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, máu mũi, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen). Trường hợp nặng, bệnh nhân tổn thương nhiều phủ tạng, suy gan, suy thận, trụy tim mạch, vàng da vừa hoặc nặng, sốc nhiễm khuẩn. Tỷ lệ tử vong ở thể nặng 20-50%, các thể khác dưới 5%.
- Các xét nghiệm sau:
+ MAC - ELISA phát hiện kháng thể IgM kháng vi-rút sốt vàng ở giai đoạn sớm của bệnh; Kỹ thuật ngăn ngưng kết hồng cầu (HI) hoặc GAC - ELISA trên máu kép lấy cách nhau 14 ngày phát hiện IgG có hiệu giá kháng thể tăng ít nhất gấp 4 lần.
+ Phân lập vi-rút, hay kỹ thuật PCR từ máu, dịch não tủy bệnh nhân lấy trong giai đoạn nhiễm vi-rút huyết.
Biện pháp phòng ngừa bệnh sốt vàng
Theo Sức khỏe & đời sống:
1. Biện pháp dự phòng
Biện pháp dự phòng có hiệu quả nhất đối với bệnh sốt vàng cho đến nay là tiêm phòng vắc-xin. Thường sử dụng vắc-xin 17D sống, giảm độc lực, an toàn cao, chế tạo từ phôi gà. Vắc-xin được tiêm dưới da cho người từ 9 tháng tuổi trở lên, dùng 1 liều duy nhất, hiệu lực đạt trên 90% và có thể duy trì kháng thể bảo vệ lâu dài, tuy nhiên nên có mũi tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm ở những người có nguy cơ cao trong vùng dịch lưu hành. Vắc-xin sốt vàng được quy định tiêm bắt buộc cho người đi đến từ vùng có bệnh lưu hành và đi vào vùng có bệnh dịch sốt vàng. Chống chỉ định dùng vắc-xin sốt vàng 17D áp dụng như đối với các vắc-xin sống, giảm độc lực. Vắc-xin vẫn có thể sử dụng cho người đã nhiễm HIV chưa chuyển thành AIDS.
Việt Nam cho tới nay chưa có bệnh nhân sốt vàng, vì thế biện pháp tăng cường kiểm dịch y tế biên giới là rất quan trọng nhằm kịp thời phát hiện, xử lý, quản lý những trường hợp nghi mắc sốt vàng có thể xâm nhập.
Tuyên truyền giáo dục và tổ chức cho cộng đồng tiến hành các biện pháp giám sát thường xuyên, khống chế việc sinh sản và diệt muỗi trưởng thành đối với loài muỗi Aedes trong các khu vực dân cư, đặc biệt là khi có cảnh báo về ca bệnh sốt vàng du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Các biện pháp cụ thể áp dụng như đối với muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết dengue.
2. Biện pháp chống dịch
- Tổ chức:Báo cáo khẩn cấp cơ quan y tế cấp trên về mọi trường hợp nghi ngờ ca bệnh sốt vàng ở bất cứ địa điểm nào trong nước, có thể báo cáo vượt cấp lên tới Bộ Y tế. Duy trì báo cáo cho tới khi hết tình trạng cảnh báo dịch bệnh sốt vàng xâm nhập.
- Thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch sốt vàng khẩn cấp ở các tuyến theo quy định của Chính phủ khi có tình trạng cảnh báo dịch.
- Chuyên môn:
Cách ly chủ yếu bằng biện pháp duy trì chống muỗi đốt cho bệnh nhân; ngoài ra thu gom và khử khuẩn triệt để chất dịch cơ thể của bệnh nhân (máu, dịch não tủy, tinh dịch, dịch tiết khác). Thời gian theo dõi cách ly ngắn nhất trong vòng 7 ngày, thường là 14 ngày sau khi phát bệnh. Kết hợp phun hóa chất diệt muỗi (phun dạng ULV, phun nhắc lại sau 1 tuần) trong bệnh viện và khu vực ổ dịch, tập trung vào khu vực muỗi Aedes truyền bệnh có thể trú đậu và sinh sản.
Đăng ký cụ thể, tổ chức theo dõi những người tiếp xúc trực tiếp và người cùng sống với người bệnh trước khi phát bệnh 5 ngày, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mới phát bệnh để đưa vào diện cách ly, điều trị.
Có thể tiêm vắc-xin 17D dự phòng khẩn cấp cho những người sống trong khu vực ổ dịch, đề phòng dịch lan rộng và kéo dài. Thời gian xuất hiện kháng thể bảo vệ sớm nhất khoảng 7 ngày, đạt mức bảo vệ tốt 14-21 ngày sau mũi tiêm.
Xử lý vệ sinh môi trường chủ yếu theo hướng giảm bớt ổ sinh sản, phát triển của muỗi Aedes aegypti trước mắt và lâu dài.
- Kiểm dịch y tế biên giới:
Tự khai báo bệnh khi quá cảnh.
Áp dụng các biện pháp kiểm dịch và diệt côn trùng bắt buộc đối với tàu thủy, máy bay và các phương tiện giao thông đường bộ đến từ nơi có bệnh sốt vàng. Kết hợp kiểm dịch động vật đối với các loài linh trưởng (khỉ, vượn, đười ươi) nhập khẩu, theo dõi 7-14 ngày kể từ khi rời khu vực có bệnh sốt vàng.
Yêu cầu có phiếu xác nhận đã tiêm chủng sốt vàng đối với những người nhập cảnh từ vùng lưu hành bệnh sốt vàng và người Việt Nam sắp đi vào vùng có dịch sốt vàng.
Tham khảo thuốc: Paracetamol: là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, là thuốc giảm đau - hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế aspirin; tuy vậy, khác với aspirin, paracetamol không có hiệu quả điều trị viêm. |
Trà Mi
Theo GDVN