Bị liệt từ ngực trở xuống do rơi từ trên cao điều trị thế nào?
(Giúp bạn)Bị liệt từ ngực trở xuống do rơi từ trên cao là chấn thương cột sống gây liệt tủy hoàn toàn. Đây là một chấn thương để lại hậu quả tương đối nặng nề.
Thưa Bác sĩ! Em 18 tuổi, nam giới. Em bị rơi trên cao xuống, hiện tại đã được 6 tháng. Bị liệt từ ngực xuống chân, đại tiện và tiểu tiện không kiểm soát đựợc. Chân cháu vẫn cử động, mỗi khi trở người là nó khi thì duỗi ra, khi thì co lại, đôi lúc đứng được 2-3 giây, có khi lại nhún chân rung rung như may máy ấy nhưng không biết, không có cảm giác. Mong Bác sĩ tư vấn cho em cách điều trị bệnh. Cảm ơn Bác sĩ!
BS. Nguyễn Văn An - Chuyên khoa Nội - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định trả lời:
Chào bạn!
Với các triệu chứng mà bạn mô tả, đó là một chấn thương cột sống liệt tủy hoàn toàn do ngã cao. Đây là một chấn thương để lại di chứng khá nặng nề nhất là ở những người còn trẻ như bạn, khả năng hồi phục rất khó khăn, nếu có thì cũng rất chậm và đòi hỏi sự tập luyện rất kiên trì của người bệnh cũng như của người chăm sóc. Đến giai đoạn này, việc điều trị chủ yếu là chăm sóc để chống loét, chăm sóc chế độ dưỡng và tập phục hồi chức năng cho bạn. Chăm sóc chống loét bằng cách nằm đệm nước, lăn trở, thay đổi tư thế 2 – 3 tiếng một lần, xoa bóp, massage tại những vùng bị tì đè nhiều để lưu thông máu tốt hơn, hạn chế loét. Những vùng dễ bị loét là những vùng bị tì đè, ít tổ chức, chỉ có da và xương như: xương bả vai, vùng cùng cụt, gót chân, mắt cá ngoài….Biểu hiện sớm của loét là da tại vị trí đó tấy đỏ.
Bị liệt từ ngực trở xuống đến chân là chấn thương cột sống gây liệt tủy hoàn toàn
Chế độ ăn uống cần phải đầy đủ chất dinh dưỡng (đủ cả protein, lipid, glucid, các vitamin). Chế độ ăn đặc biệt quan trọng khi có loét, nếu chế độ ăn kém thì các vị trí loét sẽ liền chậm hoặc không thể liền được và người bệnh sẽ lâm vào trạng thái suy kiệt, mắc các bệnh nhiễm trùng. Hiện tại, bạn bị liệt hoàn toàn, không thể tự tập luyện được nên cần phải có người chăm sóc tập thụ động cho bạn với các động tác gấp duỗi đùi, cẳng chân, vận động bàn chân và các ngón chân, vừa có tác dụng kích thích tủy sống hồi phục vừa giúp các cơ đỡ bị teo hơn. Việc tập luyện này cần phải được làm hàng ngày và kiên trì trong nhiều tháng, nhiều năm.
Chúc bạn mau khỏe!
Chào Bác sĩ! Em bị tai nạn, rơi trên cao xuống, bị liệt từ ngực xuống hai chân, mất cảm giác không tự điều khiển được chân, thậm chí tiểu tiện và đại tiện không kiểm soát được. Nhưng chân em khi thì co lại duỗi ra mỗi khi nằm lâu rồi lật người. Em bị được khoảng 6 tháng rồi. Mong Bác sĩ giúp đỡ để đỡ bệnh. Cảm ơn Bác sĩ!
Nghe anh trình bày ngắn gọn về tình trạng bệnh của anh đã thấy ngay đó là một chấn thương cột sống gây liệt tủy hoàn toàn. Đây là một chấn thương để lại hậu quả tương đối nặng nề: người bệnh sẽ bị liệt từ vùng tủy bị tổn thương trở xuống, mất hoàn toàn vận động và cảm giác, đại tiểu tiện không tự chủ. Những trường hợp bị tổn thương như này, khả năng hồi phục là khó khăn hoặc nếu có cũng không đáng kể.
Việc điều trị quan trọng nhất với anh từ bây giờ là chăm sóc để chống loét các vùng tì đè (như vùng cùng, cụt, mắt cá ngoài, gót chân,…) bằng cách lăn trở mỗi 2 – 3 giờ. Cần phải có người giúp anh tập vận động thụ động 2 chân bằng các động tác gấp duỗi để hạn chế teo cơ đồng thời kích thích tủy sống hồi phục. Vì 2 chân bị mất cảm giác nên người chăm sóc cần phải lưu ý để khỏi bị bỏng. Do tổn thương nặng nề, hồi phục kém nên anh cần có sự chuẩn bị tốt về tâm lý và có kế hoạch tổ chức cuộc sống phù hợp nhất.
Chúc anh khỏe!
Tham khảo thuốc: Paracetamol: là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, là thuốc giảm đau - hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế aspirin; tuy vậy, khác với aspirin, paracetamol không có hiệu quả điều trị viêm. |
Trà Mi
Theo GDVN