Cách chữa trị bệnh bạch hầu ở trẻ
(Giúp bạn)Bạch hầu là một căn bệnh nguy hiểm ở trẻ em, có thể dẫn đến tử vong. Vì thế, cha mẹ nên cẩn thận khi phát hiện thấy bé nhà mình có triệu chứng của căn bệnh này.
- 1
Những biến chứng của bệnh
Bạch hầu là một bệnh nguy hiểm nên bệnh nhân có thể tử vong do các biến chứng. Hai biến chứng nổi bật của bạch hầu là viêm cơ tim và biến chứng thần kinh, ít gặp hơn là hoại tử ống thận cấp gây suy thận, viêm phổi, viêm nội tâm mạc…
- 2
Biến chứng viêm cơ tim:
Đây là biến chứng thường gặp nhất, do ngoại độc tố bạch hầu gây ra. Biểu hiện: nhịp tim nhanh, tim có tiếng thổi, đặc biệt có thể rối loạn dẫn truyền dẫn tới ngừng tim và tử vong.
- 3
Biến chứng thần kinh:
Bao gồm liệt cục bộ các dây thần kinh số 4, số 10, có thể kèm nhìn mờ, khó nuốt, nói giọng như ngạt mũi… Có thể xuất hiện suy tim và trụy mạch do thoái hóa các trung tâm vận mạch và liệt lớp cơ động mạch vào tuần lễ thứ hai hoặc thứ 3 sau phát bệnh.
- 4
Điều trị và phòng bệnh bạch hầu
Bệnh bạch hầu được điều trị càng sớm càng tốt, vì nếu phát hiện và điều trị muộn thì nguy cơ tử vong sẽ cao. Điều trị phải toàn diện, trung hòa độc tố bạch hầu phối hợp với kháng sinh diệt khuẩn, phát hiện ngăn ngừa các biến chứng, chống tái phát, chống bội nhiễm và chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Những trường hợp khó thở, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật để mở khí quản
Bệnh bạch hầu có thể dự phòng hiệu quả bởi văccin “5 trong 1”. Hiện nay, văccin “5 trong 1” phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ (Hib) sẽ được tiêm miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi theo lịch: trẻ 2 tháng tuổi tiêm mũi 1, 3 tháng tuổi tiêm mũi 2 và 4 tháng tuổi tiêm mũi 3. Do bệnh có khả năng lây nhiễm cao nên những trường hợp mắc bệnh bạch hầu cần được cánh ly với mọi người và các thành viên trong gia đình.
- 5
Biện pháp chung:
Chủ động, nhanh chóng khai báo cho các cơ sở y tế gần nhất nếu phát hiện thấy các trường hợp mắc bệnh hoặc có triệu chứng nghi ngờ.
Cần thiết phải đưa người bệnh đến khám, điều trị và cách ly tại ở các bệnh viện lây, nhất là khi đã có chẩn đoán bằng các xét nghiệm.
Điều quan trọng nhất là phải kịp thời phát hiện, điều trị sớm và đúng cách, tránh các biến chứng và tử vong.
Phải dùng huyết thanh chống bạch hầu ngay từ ngày đầu tiên của bệnh (trước ngày thứ 6)
Bắt buộc phải tẩy uế trong thời kỳ phát bệnh và thời kì khỏi bệnh, năng rửa cổ họng cho người bệnh.
Những người tiếp xúc với người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được làm xét nghiệm 2 lần cách nhau 1,2 ngày. Nếu có kết quả dương tính, phải chú ý theo dõi và đưa đến khám nếu có triệu chứng nghi ngờ trong vòng 7 ngày kể từ khi đưa bệnh nhân vào viện.
Tích cực vệ sinh môi trường, xung quanh nhà ở, lớp học, đảm bảo môi trường thông thoáng, sạch sẽ và an toàn cho trẻ.
Vào mùa đông nên giữ ấm, vệ sinh cổ họng cho trẻ. Có thể họp nhóm các bà mẹ cùng nhau trao đổi thảo luận các vấn đề về sức khỏe của trẻ, tìm hiểu các triệu chứng sớm và cách phòng tránh một số bệnh truyền nhiễm hay gặp và nguy hiểm của trẻ như bạch hầu, bại liệt, ho gà, cúm, sởi…
- 6
Phòng bệnh đặc hiệu:
Biện pháp hiệu quả nhất là tạo miễn dịch chủ động. Đưa trẻ < 1 tuổi đến các trạm y tế, trung tâm y tế, y tế dự phòng để được tiêm phòng vaccin theo đúng lịch chương trình tiêm chủng mở rộng.
Những người tiếp xúc với người bệnh và chưa bao giờ tiêm vaccine cần được tiêm huyết thanh kháng độc. Miễn dịch thụ động xuất hiện ngay, nhưng chỉ tồn tại nhất thời, không quá 20 ngày. Chỉ tiêm huyết thanh không thì không đủ, vì sau 3 tuần lễ trẻ em có thể bị lây bởi người bệnh đã khỏi nhưng còn mang vi khuẩn.Cho nên phải phối hợp huyết thanh và giải độc tố.