Cách điều trị lạc nội mạc tử cung
(Giúp bạn)Lạc nội mạc trong cơ tử cung (Adenomyosis) là bệnh lý lành tính, thường gặp ở phụ nữ 35 - 50 tuổi. Đây là tình trạng mô tuyến của nội mạc tử cung hiện diện bên trong cơ của thành tử cung.
Theo trang thông tin điện tử của Bệnh viện Từ Dũ, lạc nội mạc tử cung (LNMTC) là một vấn đề sức khỏe quan trọng đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Căn nguyên, mối liên hệ giữa mức độ phát tán và triệu chứng, ảnh hưởng trên khả năng sinh sản và biện pháp điều trị phù hợp nhất vẫn chưa được biết đầy đủ.
Hầu hết những phụ nữ bị LNMTC đều mong muốn bảo tồn khả năng sinh sản. Nên lựa chọn phương pháp điều trị ít xâm lấn nhất, ít tốn kém nhất, có hiệu quả và ít nguy cơ về lâu dài nhất. Những người bệnh LNMTC có triệu chứng có thể diều trị bằng thuốc giảm đau, hormon, phẫu thuật, phương pháp hỗ trợ sinh sản hoặc kết hợp các phướng pháp này.
Có nhiều phụ nữ bị LNMTC có triệu chứng đau và hiếm muộn đồng thời, điều này khiến cho việc chọn lựa phương pháp điều trị trở nên khó khăn. Tuy nhiên, LNMTC là một bệnh mãn tính, việc loại trừ tế bào lạc nội mạc bằng phẫu thuật hay bằng thuốc chỉ là biện pháp tạm thời. Do đó, mục tiêu điều trị là loại trừ những tổn thương lạc nội mạc và quan trọng hơn là điều trị các triệu chứng (đau và hiếm muộn) và ngăn ngừa tái phát.
(Ảnh minh họa)
Nguyên nhân gây bệnh lạc nội mạc tử cung
Nguyên nhân của lạc nội mạc trong cơ tử cung là không rõ. Các giả thuyết cho rằng bất kỳ loại chấn thương tử cung mà có thể gây phá vỡ rào cản giữa nội mạc tử cung và cơ tử cung, chẳng hạn như: mổ lấy thai, thắt ống dẫn trứng, nạo phá thai, mổ bóc tách u xơ tử cung và khi mang thai...
Biểu hiện lạc nội mạc trong cơ tử cung
Bệnh có thể gây ra: chảy máu nặng nề hoặc kéo dài trong kỳ kinh nguyệt; Chảy máu giữa các chu kỳ kinh; Cơ co thắt nặng hoặc đau bụng dữ dội ở vùng bụng dưới khi hành kinh; Đau khi giao hợp; Kích thước tử cung sẽ to lên gấp đôi hoặc gấp ba so với bình thường.
Mặc dù bệnh nhân không thể tự biết được nhưng nếu để ý sẽ thấy vùng bụng dưới có thể lớn hơn. Tuy nhiên, có trường hợp không có triệu chứng gì...
Chẩn đoán xác định lạc nội mạc trong cơ tử cung
Cho đến gần đây, chẩn đoán xác định lạc nội mạc trong cơ tử cung là thực hiện cắt tử cung và kiểm tra các mô tử cung dưới kính hiển vi (làm giải phẫu bệnh). Tuy nhiên hiện nay, với công nghệ chẩn đoán hình ảnh hiện đại đã làm cho các bác sĩ chẩn đoán được lạc nội mạc trong cơ tử cung mà không cần phẫu thuật. Các bác sĩ không cần phải lấy khối lạc nội mạc ra để làm sinh thiết chẩn đoán bệnh
Cùng với các kỹ thuật hiện đại như:
Siêu âm phụ khoa: Siêu âm qua thành bụng (người bệnh cần nhịn tiểu để bàng quang căng).
Siêu âm qua đầu dò âm đạo có giá trị chẩn đoán cao hơn.
Sử dụng siêu âm Doppler màu mạch máu để đánh giá mức độ cấp máu của khối lạc nội mạc trong cơ tử cung hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI).
Các phương pháp điều trị
Điều trị bảo tồn
Bao gồm các thuốc chống viêm như ibuprofen nhằm giúp kiểm soát cơn đau. Thuốc hormon nhằm ức chế nội tiết tố. Điều trị nội khoa cũng có hiệu quả tốt nhưng nhược điểm là khi ngừng thuốc thì bệnh hay tái phát.
Điều trị ngoại khoa
Có thể lựa chọn phẫu thuật bóc tách lạc nội mạc trong cơ tử cung có chọn lọc nhằm bảo tồn tử cung, nhược điểm của kỹ thuật này là chỉ bóc tách được các khối to, các khối nhỏ vẫn tiếp tục phát triển.
Mổ cắt tử cung
Đây là phương pháp điều trị triệt để, đương nhiên là một phẫu thuật quá nặng nề với một khối lạc nội mạc trong cơ tử cung lành tính.
Can thiệp nội mạch
Là phương pháp gây tắc động mạch tử cung bằng kỹ thuật Seldinger nhằm tránh phẫu thuật.
Chỉ định gây tắc động mạch tử cung trong điều trị lạc nội mạc trong cơ tử cung:
Khi điều trị nội khoa không kết quả; Bệnh nhân không muốn mổ cắt tử cung; Còn muốn sinh con; Bệnh nhân suy tim, không muốn phẫu thuật hoặc không còn chỉ định phẫu thuật; Mắc các bệnh mạn tính; Đã mổ bóc tách nay lại tái phát; Có nhiều khối lạc nội mạc trong cơ tử cung...
Kỹ thuật nút mạch
Đầu tiên, các bác sĩ điện quang can thiệp mạch máu sử dụng những ống thông nhỏ và rất mềm gọi là ống catheter, đưa từ động mạch đùi phải hoặc trái, dưới nếp bẹn 1,5cm để đi lên động mạch chậu và vào động mạch chậu trong để vào động mạch tử cung.
Tại đây, dùng vật liệu gây tắc mạch (Embolization particles) thường được dùng là: Polyvinyl Alcohol (PVA) là những hợp chất hữu cơ, nhỏ như hạt cát, được bơm từ từ vào động mạch tử cung nuôi dưỡng khối u với nguồn cung cấp máu bị cắt đứt thì các khối lạc nội mạc trong cơ tử cung sẽ bị teo nhỏ lại.
Bệnh nhân được giảm đau bằng gây tê ngoài màng cứng, trong quá trình thực hiện nút mạch và duy trì sau 24 - 48 giờ tiếp theo.
Sau khi thực hiện xong thì rút catheter, đè ép vị trí chọc kim khoảng 15 phút, kiểm tra không thấy chảy máu rồi băng ép lại, đưa về phòng điều trị, chân chọc kim duỗi thẳng và nằm bất động trong 6 giờ đầu, sau đó cử động và đi lại nhẹ nhàng trong phòng điều trị và có thể ra viện ngay ngày hôm sau. Người bệnh nghỉ ngơi tuyệt đối tại nhà 1 tuần, sau đó làm việc nhẹ nhàng trong tháng đầu.
Ưu điểm của kỹ thuật này là không cần gây mê, không mất máu nên không cần truyền máu, không để lại sẹo trên thành bụng, không sợ nguy cơ dính ruột, còn khả năng có con... Hiệu quả gây tắc mạch để cầm máu là nhanh chóng, thậm chí còn nhanh hơn phẫu thuật cắt tử cung. Các triệu chứng lâm sàng khác sẽ giảm hoặc hết trong tháng đầu và những tháng tiếp theo.
Tham khảo thuốc: Vitamin B9 Rất cần bổ sung acid (400mcg/ngày) trước khi thụ thai cũng như trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, vì nhập ít acid folic làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh, nứt đốt sống ở trẻ sơ sinh. |
Tú Liên
Theo GDVN