Cẩn trọng khi dùng thuốc điều trị tăng nhãn áp
(Giúp bạn)Thuốc điều trị bệnh tăng nhãn áp thường ở dạng thuốc nhỏ mắt và thuốc viên.
Theo Cổng thông tin điện tử Bệnh viện Hồng Ngọc, tăng nhãn áp là chứng bệnh của mắt do áp xuất trong nhãn cầu tăng cao, thủy dịch bị ứ đọng trong mắt, hủy hoại các tế bào thần kinh ở mắt và gây mù lòa.
Nếu chẩn đoán sớm và chữa trị đúng cách, bệnh nhân có thể tránh được mù lòa.Khi bị bệnh, chỉ bác sĩ nhãn khoa mới có quyền quyết định điều trị phẫu thuật hay dùng thuốc.
Bệnh nhân có thể dùng các loại vitamin để hỗ trợ như:
– Vitamin C: Việc tiêm vitamin C liều cao vào tĩnh mạch sẽ làm hạ nhãn áp trong khoảng 12 tiếng. Vitamin C là một chất chống oxy hóa nên có tác dụng gián tiếp có lợi cho mắt.
– Vitamin A; Vitamin E: Ngoài tính chống oxy hóa mạnh, còn có tác dụng phụ trợ cho phẫu thuật tạo lỗ ở cườm nước vì ngăn chặn được sự tăng trưởng của sợi bào…
Thuốc điều trị tăng nhãn áp
Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, thuốc điều trị bệnh tăng nhãn áp thường ở dạng thuốc nhỏ mắt và thuốc viên.
+ Thuốc nhỏ mắt: đây là dạng thuốc chủ yếu trong điều trị bệnh tăng nhãn áp, mà thành phần gồm có các nhóm thuốc sau:
- Nhóm thuốc chẹn Beta (Beta Blockers): gồm có các hoạt chất như Timolol, Levobunolol, Betaxolol… có tác dụng làm giảm lượng dịch mắt tiết ra.
Cần lưu ý: thuốc nhỏ mắt nhóm này không sử dụng cho phụ nữ có thai. Người bị hen phế quản hoặc có bệnh lý về tim mạch.
Các tác dụng phụ thường gặp là hạ huyết áp, nhịp tim chậm, mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, trầm cảm...
- Nhóm thuốc chủ vận Alpha (Alpha Agonist): gồm có các hoạt chất như: Apraclonidine, Bromonidine… có tác dụng vừa làm giảm lượng dịch mắt tiết ra vừa làm tăng lượng dịch mắt thoát đi.
Các tác dụng phụ thường gặp là nhức đầu, mệt mỏi, buồn ngủ, khô miệng...Nhóm thuốc ức chế Carbonic Anhydrase: gồm có các hoạt chất như: Brinzolamide, Dozolamide... Nhóm thuốc này làm giảm áp suất ở mắt nhờ tác dụng giảm lượng dịch mắt tiết ra.
Các tác dụng phụ là gây bỏng rát, dị cảm và những khó chịu ở mắt...
- Nhóm thuốc gây co đồng tử (Miotic): gồm có các hoạt chất như Pilocarpine, Ephinephrine... do tác dụng gây co đồng tử nên gia tăng dịch mắt thoát đi, làm giảm áp suất ở mắt.
Các tác dụng phụ thường gặp là nhức đầu, mắt mờ, bỏng rát mắt…
- Nhóm thuốc tương tự Prostaglandin (Prostaglandin Analogs): gồm có các hoạt chất Latanoprost, Travaprost, Bimatoprost... Nhóm thuốc này có tác dụng làm gia tăng lượng dịch mắt thoát đi.
Các tác dụng phụ thường gặp là thay đổi màu mắt, ngứa mắt, dị cảm và mờ mắt...Nhóm thuốc kết hợp mà thành phần là sự kết hợp giữa các nhóm thuốc với nhau, như sự kết hợp giữa nhóm thuốc chẹn Beta và nhóm thuốc chủ vận Alpha (Timolol và Brimonidine).
+ Thuốc viên:
Acetazolamide là một thuốc lợi tiểu có tác dụng ức chế enzyme Carbonic Anhydrase và thường được sử dụng dưới dạng thuốc viên trong điều trị bệnh tăng nhãn áp.
Tuy nhiên, trong trường hợp cấp cứu, Acetazolamide còn được sử dụng qua đường tiêm truyền tĩnh mạch.
Tác dụng phụ của Acetazolamide là gây buồn ngủ, buồn nôn, đi tiểu nhiều, tê và gây cảm giác kiến bò ở tay và chân, sỏi thận...
Thùy Linh
Theo GDVN