Chế độ ăn cho trẻ bị tiêu chảy
(Giúp bạn)Chế độ ăn thích hợp sẽ góp phần giúp tăng cường sức khỏe cho trẻ, quá trình hồi phục cơ thể do bị tiêu chảy sẽ diễn ra nhanh và thuận lợi hơn.
Trang thông tin điện tử Bệnh viện Hồng Ngọc cho biết, tiêu chảy là bệnh hay gặp ở trẻ em nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Nguyên nhân gây tiêu chảy là do nhiễm khuẩn virut (Rotavirus…), vi khuẩn (E.Coli, Shigella, Campylobacter Jejuni, Samonella, phẩy khuẩn tả…), ký sinh trùng (Amip, L.Giardia).
Tiêu chảy gây nên hậu quả như suy dinh dưỡng, nếu nặng có thể dẫn đến tử vong. Ngoài việc đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được khám và cho đơn thuốc thích hợp.
Quá trình chăm sóc của gia đình cùng chế độ ăn uống cũng rất quan trọng, góp phần giúp tăng cường sức khỏe cho bé, quá trình hồi phục sẽ diễn ra nhanh và thuận lợi hơn.
Đặc điểm cơ thể trẻ khi bị tiêu chảy
- Quá trình hấp thu thức ăn có giảm hơn bình thường, nhưng vẫn hấp thu qua ruột 60%.
- Khi bị tiêu chảy, trẻ thường mệt mỏi, ăn ít, biếng ăn, tình trạng này kéo sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, làm trẻ bị sụt cân, dễ suy dinh dưỡng.
- Do cơ thể trẻ thải ra quá nhiều nước nên cần uống để bù lại. Nếu không đủ lượng nước cần thiết, cơ thể có thể bị khô và dẫn đến bệnh khác.
Cho trẻ bị tiêu chảy ăn đúng cách
+Trẻ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ
Tiếp tục cho bú bình thường và tăng số lần bú. Vì sữa mẹ vẫn được dung nạp rất tốt khi bị tiêu chảy, khi trẻ bú mẹ thì tiêu chảy ít hơn, nhanh khỏi hơn, do sữa mẹ có chứa đường Lactoza nên vẫn được hấp thu rất tốt khi bị tiêu chảy.
Nếu trẻ không có sữa mẹ thì cho trẻ ăn sữa bò hoặc sữa bột mà trước đó trẻ vẫn ăn những phải cho ăn từng ít một và ăn nhiều bữa trong ngày.Nếu bú bình thì cần pha loãng hơn (giảm nửa lượng sữa, giữ nguyên lượng nước), cho ăn ít nhất 3 giờ một lần.
+Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên
Ngoài bú sữa mẹ, nên cho ăn những thực phẩm dễ tiêu hoá như: Bột gạo, khoai tây, thịt gà, thịt lợn nạc, sữa chua, sữa đậu nành, cà rốt, chuối tiêu, hồng xiêm. Bữa ăn vẫn cần có chất béo để tăng thêm năng lượng khẩu phần, bạn nên thay mỡ bằng dầu ăn.
Trong thời gian này bạn chỉ nên cho bé ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hoá như cháo (cháo thịt gà băm nhỏ có tác dụng tốt trong quá trình điều trị tiêu chảy), súp, các món ninh, hầm nhừ, cơm nát.
Thức ăn cần nấu kỹ, cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh giảm nguy cơ bội nhiễm, nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã nấu sẵn thì cần phải đun lại trước khi cho ăn.
Khi chế biến thức ăn cho trẻ cần rửa tay sạch bằng xà phòng và đảm bảo vệ sinh. Bát, đũa, cốc, chén, muôi, thìa… sau khi rửa sạch bằng nước lã cần được nhúng vào nước đang đun sôi trước bữa ăn.
Nên cho trẻ ăn thêm quả chín, hoặc nước quả chín: Chuối, cam, xoài, hồng xiêm để tăng lượng kali. Táo ninh nhừ hay táo nướng sẽ giúp trẻ dễ tiêu hoá hơn.
Các loại trái cây trị tiêu chảy hiệu quả cho trẻ
Theo tin tổng hợp của Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một số loại quả từ thiên nhiên sau đây có dụng điều trị rất hiệu quả bệnh tiêu chảy của trẻ
+Quả lựu
Theo Đông y, vỏ quả lựu vị chua, chát, tính ôn, có tác dụng làm săn ruột, cầm tiêu chảy, trừ giun. Vỏ rễ có tác dụng tẩy sán (chú ý phải rửa sạch vỏ). Vỏ quả lựu vị chua, chát, tính ôn, có tác dụng làm săn ruột, cầm tiêu chảy.
Trị tiêu chảy hoặc tiêu ra máu, di tinh, bạch đới, lỵ trực khuẩn: Vỏ quả lựu 15 g, sắc 3 lần, mỗi lần với một bát nước, cô lại còn 250 ml, chia làm 3-4 lần uống trong ngày cho đến khi khỏi bệnh.
+Hồng xiêm
Quả hồng xiêm có vị ngọt, tính mát; có tác dụng bổ mát, sinh tâm dịch, giải khát, nhuận tràng.
Hồng xiêm chữa tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa do ăn nhiều mỡ, đạm. Quả hồng xiêm còn xanh 15 - 20g, cho 200ml nước, đun nhỏ lửa còn lại 100ml, chia làm hai lần uống trong ngày. Uống sau ăn 15 phút. Uống 3 - 5 ngày.
Có thể thay thế 6 - 10g vỏ thân cây hồng xiêm, rửa sạch, cho 250ml nước, sắc sôi 15 phút còn 100ml nước, chia 2 lần uống trong ngày.
+Măng cụt
Măng cụt có tên khoa học là Garcinia mangostana L, thuộc họ Bứa - Clusiaceae, được nhập trồng vào nước ta đã lâu để lấy quả ăn.
Chúng ta có thể dùng vỏ cây chữa tiêu chảy. Lấy một nắm vỏ khoảng 50g, đem cắt ra từng khoanh, cho vào nồi đất với 2 chén nước, sắc như sắc thuốc, đun nhỏ lửa cho sôi từ 15-30 phút.
Sau đó để nước âm ấm, chiết lấy nước uống làm nhiều lần, mỗi lần độ 1 ly nhỏ. Thuốc sắc ngày nào thì uống trong ngày đó, có thể thêm đường để uống và đỡ khát.
+Quả ổi
Nếu thường xuyên hằng ngày một lượng ổi chín khoảng 500 g sẽ làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, giảm cholesterol trong máu và hạ huyết áp (nhất là loại ổi da sần và ruột màu đỏ).
Quả ổi xanh có hàm lượng tanin cao nên có tác dụng cầm tiêu chảy (dùng khi bình thường dễ gây táo bón). Ổi xanh cũng có thể giải độc ba đậu và các chất độc khác gây tiêu chảy.
Thuốc tham khảo: Loperamid 2mg - Ðiều trị triệu chứng tiêu chảy cấp và mạn tính. - Giảm tần số đi tiêu, giảm thể tích phân, làm tăng thêm độ đặc của phân trên những bệnh nhân mở thông hồi tràng - Không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi. |
Thùy Linh
Theo GDVN