Chế độ ăn trong viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em
(Giúp bạn)Dinh dưỡng trong chế độ ăn có vai trò rất quan trọng trong điều trị, phục hồi sức khỏe cho trẻ bị viêm loét dạ dày tá tràng.
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ em
Theo Trang thông tin điện tử Viện dinh dưỡng Quốc gia, loét dạ dày tá tràng (DDTT) là bệnh không thường gặp ở trẻ em. Ở Mỹ tỷ lệ mắc viêm loét dạ dày – tá tràng chiếm khoảng 3,5-14,7% và vị trí viêm loét dạ dày – tá tràng thường gặp hơn loét dạ dày đơn thuần gấp 5 lần.
+ Nguyên nhân:
Trang thông tin điện tử Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng ở trẻ em thường do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori ( HP).
Vi khuẩn HP có khả năng tồn tại và gây bệnh trong môi trường dịch vị có độ acide cao. Bệnh có thể lây truyền theo đường miệng – miệng và đường phân – miệng lây từ người và ruồi nhặng.
Bệnh thường xảy ra ở các nước đang phát triển và có mối liên quan với tình trạng kinh tế xã hội thấp, nguồn nước bị ô nhiễm, văn hóa thấp, tập quán nhai cơm, ăn cơm sớm (trước 2 tuổi), mớm cơm cho trẻ đều dẫn đến lây truyền giữa các thành viên trong gia đình.
+ Triệu chứng lâm sàng:
- Đau bụng có liên quan đến bữa ăn, đau từng cơn, đau ờ vùng thượng vị
- Nôn máu, hoặc đi ngoài ra máu đen
- Ăn kém, ăn không tiêu, trướng bụng.
- Nội soi có viêm dạ dày dạng cục.
Chế độ ăn cho trẻ loét dạ dày tá tràng
+ Những việc cha mẹ nên làm:
- Đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ: Vitamin, vi chất, muối khoáng theo tuổi, cân nặng.
- Chia nhỏ bữa ăn, ăn thức ăn nấu nhuyễn nghiền nát, sử dụng rau củ không dùng rau có lá nhiều chất xơ.
- Không cho trẻ ăn cơm sớm.
- Trong bữa ăn, không vừa ăn vừa uống nhất là sử dụng đồ uống có ga.
- Sử dụng nguồn protein từ thịt (nạc vai lợn, lườn gà), trứng (hấp, dạng kem caramen, xúp), sữa.
- Sử dụng nguồn vitamin từ rau củ (khoai tây, khoai lang nhiều beta-caroten và vitamin C…)
- Trẻ còn nhỏ nên cho bú sữa mẹ, cho trẻ bú nhiều lần.
- Đối với trẻ lớn không nên ăn chan canh vì như vậy trẻ không chịu nhai mà chỉ nuốt chửng gây nặng gánh cho dạ dày.
+ Để giúp trẻ tiêu hóa thức ăn tốt:
- Thức ăn nên nấu chín, ninh nhừ.
- Không ăn thực phẩm sống.
- Ăn chậm, nhai kỹ.
- Tránh để trẻ quá đói hay ăn quá no.
- Không ăn thức ăn quá lạnh hay quá nóng.
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ.
- Nghỉ ngơi 15 – 30 phút sau khi ăn .
+ Những thực phẩm nên dùng:
- Sữa, trứng, bơ, phô mai
- Thịt, cá ( nên luộc, hấp tốt hơn chiên, xào )
- Gạo nếp, khoai, bánh mì, bột sắn
- Ăn nhiều rau, trái cây tươi, uống nhiều nước lọc
+ Hạn chế hoặc không dùng thức ăn, nước uống gây kích thích niêm mạc dạ dày :
- Thức ăn quá chua như dưa cà, hành muối, hoa quả chua…
- Thức ăn có nhiều gia vị hành, tiêu, tỏi, ớt
- Thức ăn cứng dai
- Nước uống có nhiều gas
+ Phòng ngừa vi khuẩn HP:
- Bỏ phong tục nhai mớm cơm cho con. Vì nếu người đó mắc bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng thì trong nước bọt có chứa vi khuẩn HP
- Cần vệ sinh sạch sẽ đồ dùng sinh hoạt, ăn uống
- Trong gia đình, nếu có người bị viêm dạ dày do HP phải điều trị triệt để tránh lây bệnh cho trẻ do đồ dùng trong sinh hoạt, ăn uống không hợp vệ sinh
Thùy Linh
Theo GDVN