Chữa tật ăn chậm của con
(Giúp bạn)Để giải quyết việc này, trước mắt bạn xem bé nếu có biểu hiện bệnh lý của răng miệng thì cần đưa bé đi chữa trị. Không nên cho bé đi ăn rong hoặc vừa ăn vừa chơi, vừa xem TV.
Chữa ăn chậm cho con, bố mẹ cần xem lại phương pháp
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Thị Tường Vi, Phòng khám dinh dưỡng, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã trả lời trên Vnexpress, phụ huynh có thể xem lại các nguyên nhân làm bé ăn chậm dưới đây:
- Cách lựa chọn thực phẩm có đa dạng và thay đổi món ăn trong ngày cho bé không?
- Chế biến có vừa miệng bé không, có mặn, nhạt hoặc sống chín thế nào?
- Thói quen ăn chậm mới xảy ra gần đây hay từ khi bé mới ăn bổ sung? Khi ăn bé có tập trung không hay là vừa ăn vừa xem TV, chơi ipad, đi rong…
- Bé bị quát nạt, mắng mỏ, ức chế, vừa ăn vừa khóc… làm giảm tiết dịch tiêu hóa nên càng ăn chậm.
- Bé bị đau họng, đau răng, mệt mỏi, còi xương, suy dinh dưỡng…
Bạn đã chịu khó chế biến thay đổi món ăn cho bé, thậm chí cho bé nhịn nhưng không cải thiện chứng tỏ thói quen ăn chậm của bé đã diễn ra trong thời gian quá dài.
Để giải quyết việc này, trước mắt bạn xem bé nếu có biểu hiện bệnh lý của răng miệng thì cần đưa bé đi chữa trị. Không nên cho bé đi ăn rong hoặc vừa ăn vừa chơi, vừa xem TV.
Thay đổi đa dạng món ăn, chế biến món ăn bé ưa thích cho ăn trước rồi mới lồng ghép các món khác tiếp theo. Cho bé ăn theo bữa, có thể lên giờ ăn cho bé trong ngày, giữa các bữa ăn không nên cho bé ăn vặt nhất là không cho bé ăn đồ ngọt như bánh, kẹo, bimbim, uống nước ngọt dễ làm bé ngang dạ, đến bữa ăn chính bé không muốn ăn.
Nếu đến giờ ăn mà bé vẫn không muốn ăn, có thể cho bé chơi, chạy nhảy, hoạt động để bé có cảm giác đói, lúc đó bé ăn ngon miệng hơn.
Đến giờ ăn, bạn nên cho bé ngồi cùng bàn ăn với gia đình, tạo cho bé không khí vui vẻ, ấm cúng, động viên bé ăn, bé sẽ cảm thấy hứng thú. Không nên quát nạt, mắng mỏ làm bé căng thẳng không muốn ăn.
Vì cân nặng và chiều cao của bé đều trong giới hạn trung bình thấp, ăn lại chậm, bạn có thể bổ sung thêm cho bé lysin, men tiêu hóa, kẽm, vitamin và khoáng chất khác để giúp bé ăn ngon miệng và khắc phục dần thói quen ăn chậm.
Vì xót con nên cha mẹ vô tình làm con trở nên lười ăn, ăn chậm
Dân trí dẫn tin theo Sài Gòn tiếp thị cho biết, BS Nguyễn Thị Hoa, Trưởng khoa Dinh dưỡng, bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM đã trả lời bạn đọc về việc trẻ ăn chậm:
Nhiều trẻ ăn chậm là do một vòng lẩn quẩn. Sáng cháu không ăn được, thì bố mẹ cho ăn thêm quà vặt, các món linh tinh. Do vậy đến trưa cháu lại không ăn được. Chiều về, bố mẹ xót lại cho con uống sữa, nước ngọt hay dặm thêm. Đến lúc tối, trẻ ngang bụng rồi nên lại không ăn. Bố mẹ lại vất vả ép uổng.
Phải thay đổi vòng tròn này bắt đầu từ chuyện ăn sáng. Buổi sáng phải cho trẻ ăn sáng, không cho ăn quà vặt. Chiều về cũng không cho quà vặt, để cháu ăn ngon miệng và nhanh. Bên cạnh đó, tập cho trẻ vận động để nó thấy đói, lúc đó mới ăn ngon miệng.
Nếu lỡ trẻ đã trót ăn chậm, cứ hay thích ngậm chứ không nuốt nhanh. Vậy thì cho cháu ăn kèm thứ mà cháu thích, ví dụ nếu nó thích ăn trái cây hay kẹo C, thì cho cháu ăn một miếng cơm, rồi ăn một miếng của thứ trái cây, kẹo… mà cháu thích.
Từ 5 tuổi, nên cho cháu ăn riêng các thức ăn chứ đừng trộn hầm bà lằng lên. Trẻ đã ăn chậm, mà còn trộn nhiều thứ, 1-2 tiếng sau nó sình lên thì làm sao mà cháu ăn ngon được nữa. Nếu cháu không ăn được cái này, thì có thể thay bằng cái kia.
Chẳng hạn cháu thích ăn dưa hấu, không chịu ăn rau thì cho cháu ăn cơm với dưa hấu cũng được. Ngoài ra trẻ cũng thích bắt chước. Mẹ và con cùng ăn thì cháu sẽ thích thú việc ăn hơn. Không được kéo dài bữa ăn quá 45 phút.
Nếu ăn không đủ thì vẫn cho ngưng, rồi cho trẻ bổ sung bằng sữa, các thức bổ dưỡng khác. Nhiều cha mẹ cho uống thuốc bổ, vitamin. Nhưng hình thức này thì phải mang đến bác sĩ để khám qua, chứ không cho uống tự tiện được.
Tiến Khê
Theo GDVN