Viêm da mụn mủ truyền nhiễm (bệnh chốc)
(Giúp bạn)Bệnh chốc là một bệnh nhiễm trùng ở da khá phổ biến, thường do liên cầu hay tụ cầu gây nên hoặc phối hợp cả 2 vi khuẩn gây nên được gọi là chốc pha.
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm (bệnh chốc) là bệnh da thường gặp do nhiễm vi khuẩn liên cầu (liên cầu khuẩn). Bệnh có tính lây lan, nhất là đối với trẻ em, có thể lây lan thành dịch ở trong gia đình hoặc trong trường học.
Nguyên nhân viêm da mụn mủ truyền nhiễm
- Tác nhân gây bệnh chốc là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) hoặc liên cầu khuẩn tan máu nhóm A (group A beta-hemolytic streptococcus)
- Hình thái:
+ Tụ cầu vàng là một vi khuẩn gram dương, có hình cầu kích thước 1 mm, tụ thành đám như chùm nho, không di động, không sinh nha bào. Khuẩn lạc của tụ cầu vàng tạo ra sắc tố màu vàng.
+ Liên cầu khuẩn tan máu nhóm A là một vi khuẩn gram dương, hình cầu, kích thước 1 mm, xếp thành hàng dài 3, 4, 5,... tế bào cạnh nhau, không di động, không sinh nha bào. Khuẩn lạc của liên cầu khuẩn tan máu tạo ra vòng tan máu kiểu bêta xung quanh khuẩn lạc.
- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài:
+ Tụ cầu có sức đề kháng cao hơn liên cầu. Nhưng cả 2 vi khuẩn này bị chết ở 70oC sau 15 phút. Trong vảy của mụn nhọt bong vào không khí, trên da vi khuẩn tồn tại được 2-3 ngày.
+ Các thuốc sát khuẩn thường dùng có thể tiêu diệt được vi khuẩn.
Triệu chứng, biểu hiện viêm da mụn mủ truyền nhiễm
1. Xuất hiện mụn nước, bọng nước:
- Vị trí: ở da đầu (lý do chốc có tên gọi là chốc đầu); xung quanh hốc tự nhiên (mắt, mũi, miệng...); chân tay hoặc rải rác khắp người.
- Kích thước bọng nước: bằng hạt đỗ xanh, có khi to bằng hạt lạc. Lúc đầu, bọng nước trong, sau 12-24 giờ bọng nước trở nên đục (có mủ), sau đó 3 - 4 ngày bọng nước dập vỡ, đóng vảy tiết vàng sau đó vảy tiết bong đi không để lại sẹo.
2. Ngứa: Tại nơi bị bệnh chốc, bệnh nhân có cảm giác ngứa, hiếm khi thấy đau rát.
3. Triệu chứng khác: Có thể có dấu hiệu toàn thân như sốt, mệt mỏi, sưng hạch..
4. Xét nghiệm bệnh phẩm: tìm thấy tụ cầu, liên cầu
Trên đây là những triệu chứng của ca bệnh điển hình. Trên thực tế còn gặp một số thể loại khác như: chốc hạt kê; chốc không có bọng nước mà chỉ có vảy tiết; chốc loét; chốc lây lan truyền nhiễm ở trẻ sơ sinh.
Chẩn đoán viêm da mụn mủ truyền nhiễm
Theo Sức khỏe & đời sống, chẩn đoán xác định bệnh dựa vào triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm
1. Triệu chứng lâm sàng
Bệnh nhân có các biểu hiện tổn thương là các mụn nước hay bọng nước, ngứa, có thể sốt, sưng hạch..như mô tả phần “triệu chứng”
2. Xét nghiệm
- Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm: Là dịch, mủ ở bọng nước, bọng mủ hoặc vảy mụn nhọn.
- Phương pháp xét nghiệm.
+ Làm tiêu bản nhuộm gram soi kính hiển vi tìm vi khuẩn tụ cầu, liên cầu.
+ Phân lập vi khuẩn: Cấy bệnh phẩm lên môi trường chuyên dùng cho tụ cầu và liên cầu khuẩn, xác định vi khuẩn tụ cầu vàng hoặc liên cầu tan máu.
Lưu ý: Bệnh chốc có thể nhầm với một số bệnh khác như:
- Thủy đậu.
- Nhiễm Herpes simplex virus
- Bệnh chân tay miệng.
- Viêm nang lông, ghẻ bội nhiễm.
Biến chứng viêm da mụn mủ truyền nhiễm
Biến chứng nguy hiểm nhất nếu không điều trị bệnh là bệnh ngày càng lan rộng gây lở loét trên da đầu và vùng mặt. Mặc dù bệnh chốc có khả năng tự lành trong 2 – 6 tuần, nhưng đa số còn lại nếu không điều trị thì bệnh có thể lan rộng, nặng hơn và có các biến chứng như viêm da tróc vảy, viêm mô tế bào hay bệnh sốt tinh hồng nhiệt… Nếu diễn biến nặng có thể gây viêm cầu thận cấp, gây tiểu máu, phù, cao huyết áp, viêm mạch bạch huyết…
Tham khảo thuốc: Paracetamol: là chất chuyển hóa có hoạt tính của phenacetin, là thuốc giảm đau - hạ sốt hữu hiệu có thể thay thế aspirin; tuy vậy, khác với aspirin, paracetamol không có hiệu quả điều trị viêm. |
Trà Mi
Theo GDVN