Có cần dùng thuốc khi bị dị ứng thức ăn?
(Giúp bạn)Để điều trị dị ứng thức ăn, nếu mày đay cấp, nhẹ chỉ cần dùng thuốc kháng histamin. Nặng hơn phải kết hợp với các chế phẩm corticoid uống hoặc tiêm truyền.
Theo Trang thông tin điện tử Bệnh viện Fortis Sài Gòn cho biết, dị ứng thức ăn là một phản ứng miễn dịch bất lợi với một loại protein trong thực phẩm. Dị ứng thức ăn khác với không dung nạp thức ăn, phản ứng dược lý và phản ứng qua trung gian độc tố.
Protein trong thực phẩm là thành phần dị ứng phổ biến nhất. Phản ứng dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể xác định nhầm một protein là có hại, cho rằng cơ thể đang bị tấn công nên gửi các tế bào bạch cầu đến bảo vệ và gây ra phản ứng dị ứng.
Những phản ứng này có thể xảy ra từ nhẹ đến nặng như: viêm da dị ứng, rối loạn tiêu hóa, suy hô hấp hay sốc phản vệ đe dọa tính mạng cần phải được cấp cứu.
Dị ứng thức ăn hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị dị ứng phải tránh tiếp xúc với loại protein thức ăn đã gây dị ứng. Một số loại thuốc có thể sử dụng để ngăn ngừa, giảm nhẹ hoặc điều trị các phản ứng dị ứng.
Dị ứng thức ăn là một phản ứng miễn dịch bất lợi với một loại protein trong thực phẩm.
Triệu chứng dị ứng thức ăn
Các triệu chứng dị ứng thức ăn ở mỗi cá nhân thường xảy ra khác nhau. Lượng thực phẩm cần thiết để kích hoạt một phản ứng dị ứng cũng thay đổi tùy theo cơ địa mỗi người. Những phản ứng dị ứng thức ăn qua trung gian Ig E có khởi phát cấp tính, từ vài giây đến một giờ, gồm có:
-Phát ban
-Ngứa miệng, môi, lưỡi, cổ họng, mắt, da, hoặc các vị trí khác
-Sưng ( phù mạch ) môi, lưỡi, mí mắt, hoặc toàn bộ khuôn mặt
-Khó nuốt
-Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
-Khàn giọng
-Thở khò khè và / hoặc khó thở,
-Buồn nôn, ói mửa
-Đau bụng và / hoặc co thắt dạ dày
-Sốc phản vệ.
Có cần dùng thuốc khi dị ứng thức ăn
Theo Sức khỏe và Đời sống, một số người khi sử dụng thực phẩm như tôm, cua, ốc, sò, hến, nhộng, ba ba, cá... có những biểu hiện bệnh dị ứng.
Ở người sẵn có cơ địa dị ứng (mẫn cảm, không dung nạp) thì ngay những thức ăn thông thường như lạc, cà chua, hành, tỏi... vẫn có thể gây dị ứng thành mày đay.
Ngoài ra, yếu tố gây dị ứng trong thức ăn còn có thể là các chất màu, chất bảo quản, chất phụ gia trong quá trình chế biến.
Để điều trị dị ứng thức ăn, nếu chỉ là mày đay cấp, nhẹ chỉ cần dùng thuốc kháng histamin như: phenergan, dimedron, chlopheniramin, cimetidin... Nặng hơn có khi phải kết hợp với các chế phẩm corticoid (prednisolon, dexamethason...) uống hoặc tiêm, truyền.
Đối với phù Quincke, sốc phản vệ do thức ăn phải được phát hiện và điều trị kịp thời ở cơ sở y tế chuyên khoa mới mong thoát khỏi tử vong.Về ngoài da có thể bôi kem dịu da, chống ngứa có methol, phenol, sulfat kẽm nhưng bệnh nhân phải không gãi vì càng gãi càng tăng ngứa, tăng sẩn nề.
Trong Đông y thường dùng các đơn thanh lương giải độc có kim ngân, bồ công anh, ké đầu ngựa, cỏ mực, cam thảo,... vừa có hiệu lực, vừa an toàn đối với các thể mày đay nhẹ, mạn tính.Khi dùng thuốc cần lưu ý, các thuốc kháng histamin và corticoid tuy có tác dụng đặc hiệu trong dị ứng nhưng đều có thể gây tác dụng phụ và tai biến đôi khi nghiêm trọng.
Thuốc kháng histamin thường gây ù tai, chóng mặt, nặng đầu, choáng váng, buồn ngủ. Do đó, khi dùng thuốc không nên lái xe, đi xe máy, làm việc ở giàn giáo cao, dễ gây tai nạn.
Đối với corticoid dùng liều cao, lâu ngày có thể dẫn tới phù nặng mặt, teo da, xốp xương, rối loạn chuyển hóa nhẹ hoặc nặng...Vì vậy, tốt nhất bệnh nhân nên đi khám bệnh sớm ngay từ khi mới phát bệnh để được thầy thuốc hướng dẫn và điều trị thích hợp, nhất là giúp phát hiện thức ăn gây dị ứng để loại trừ, đó là phương pháp triệt để nhất.
Nổi ban sẩn nề, kèm theo triệu chứng khác thường về nội tạng, nhất là khi có phù nề ở mặt, môi, lại càng phải sớm đi khám bệnh để phòng diễn biến xấu hơn. Dị ứng thức ăn tuy là thông thường nhưng không thể xem nhẹ.
Thuốc tham khảo: Pharmaniaga Cetirizine Cetirizine được chỉ định trong điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng dai dẳng, viêm mũi dị ứng theo mùa, mày đay mạn tính vô căn ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi và viêm mũi dị ứng theo mùa ở trẻ em trên 12 tuổi, viêm kết mạc dị ứng. |
Thùy Linh
Theo GDVN