Sử dụng thuốc điều trị bệnh bạch biến
(Giúp bạn)Bệnh bạch biến điều trị còn nhiều khó khăn, chủ yếu là điều trị theo cơ chế và triệu chứng bằng nhiều phương pháp hoặc sử dụng thuốc khác nhau, tùy theo mức độ bệnh, thể bệnh, vị trí tổn thương, tuổi đời, tuổi bệnh...
Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, bạch biến là một loại bệnh do một số tế bào sắc tố trong da bị hư khiến làn da mất đi sắc tố melamin so đó làm da biến thành màu trắng hoặc nổi đốm trắng và có khi ảnh hưởng tới những vùng như lông, tóc.
Bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Khác với bệnh bạch tạng là bệnh giảm sắc tố di truyền, tính lặn với biểu hiện giảm sắc tố đồng đều ở da, tóc và võng mạc.
Trả lời trên Báo điện tử Người lao động, Thạc sĩ - bác sĩ CK2 Nguyễn Văn Út, Phòng Chăm sóc da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) cho biết, hiện nay, nguyên nhân chính xác gây bệnh bạch biến chưa được biết rõ. Tần suất mắc bệnh là 1% - 2%.
Thông thường mắc bệnh trước 20 tuổi, ảnh hưởng đồng đều trên cả hai giới và mọi chủng tộc. Bạch biến có thể di truyền. Trẻ em có cha và mẹ bị bạch biến thì có khuynh hướng bị bạch biến nhiều hơn. Thực tế 30% bệnh nhân bạch biến có người thân bị bạch biến.
Dạng bạch biến trung tâm và từng vùng thì thường khu trú một bên cơ thể và không lan, dạng toàn thân khó dự đoán được có lan hay không. Đối với một vài người, bạch biến lan chậm trong vài năm nhưng ở những người khác lại diễn tiến rất nhanh.
Mặc dù đã có nhiều phương pháp chữa trị nhưng hiện vẫn không có phương pháp nào chữa khỏi hẳn.
Triệu chứng của bệnh bạch biến
Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, tổn thương khởi đầu có thể chỉ là chấm trắng nhỏ vài mm ở một vùng nào đó của cơ thể, hay gặp vùng mặt, môi, bàn tay, cẳng cánh tay, cẳng chân và sinh dục. Sau đó lan rộng dần và có ở cả nơi khác nhanh hoặc chậm.
Tổn thương cơ bản là các dát trắng to nhỏ khác nhau có thể hình tròn, bầu dục ranh giới rõ, bằng mặt da, không có vảy, không cộm và thường có viền sắc tố xung quanh. Lông tóc trên vùng dát trắng có thể bạc màu hoặc không.
Bệnh có thể chỉ một vùng hay đối xứng hai bên, có các đầu chi, bán niêm mạc, hay vạch trên vết xước da (hiện tượng Koebner). Các tổn thương tiến triển có thể nhanh liên kết các tổn thương thành mảng dát trắng lớn hoặc tiến triển chậm trong nhiều tháng, nhiều năm. Không mất cảm giác tại chỗ, không ngứa.
Dựa theo vị trí tổn thương, bệnh bạch biến chia ra các thể sau:
- Thể khu trú (localized vitiligo): Tổn thương là một hoặc hơn các dát trắng ở những vị trí độc lập.
- Thể lan tỏa (generalized vitiligo): Tổn thương phân bổ rộng rãi liên kết với nhau tạo thành hình vằn vèo và thường đối xứng hai bên cơ thể.
- Thể đầu chi hoặc mặt (chóp mũi, môi) (acral or acro-facial vitiligo): tổn thương khu trú đầu chi như đầu ngón tay, ngón chân, chóp mũi, môi, quanh mắt.
- Thể đứt đoạn (segmental vitiligo): tổn thương là các dát trắng tạo thành một dải thường dọc theo dây thần kinh cảm giác chi phối.
Xu hướng hiện nay phân theo 2 thể chính là: Thể đứt đoạn (segmental vitiligo-SV) hay bạch biến týp B và không đứt đoạn (non segmental vitiligo-NSV) hay bạch biến týp A.
Các thuốc dùng để điều trị bệnh bạch biến
Bệnh bạch biến điều trị còn nhiều khó khăn, chủ yếu là điều trị theo cơ chế và triệu chứng bằng nhiều phương pháp khác nhau, tùy theo mức độ bệnh, thể bệnh, vị trí tổn thương, tuổi đời, tuổi bệnh... Hiện nay, có những biện pháp chính sau đây:
- Các thuốc bôi: Các dạng kem, mỡ của corticoid có hoạt tính khác nhau từ nhẹ, vừa, mạnh và rất mạnh. Tùy theo vùng da tổn thương, tuổi để có chỉ định phù hợp. Các thuốc có cảm ứng ánh sáng như meladinin, psoralen...
Gần đây, có dùng daivonex hoặc daivibet cũng có hiệu quả điều trị bạch biến và tăng hiệu quả khi kết hợp với UVA hoặc UVB. Đặc biệt gần đây có tacrolimus (protopic) 0,1% và 0,03% (dùng cho trẻ em).
- Quang hóa trị liệu bằng thuốc bôi tại chỗ: dung dịch psoralen, daivonex, daivibet...
- Quang hóa trị liệu bằng thuốc toàn thân: PUVA: psoralene (5MOP, 8MOP) uống trước 1,5-2 giờ sau đó chiếu UVA hoặc UVB. Đây là phương pháp điều trị có hiệu quả khá tốt cho bệnh bạch biến.- Thuốc ức chế miễn dịch: corticoid liều thấp, cyclosporine...
- Thuốc làm mất sắc tố: Khi những bệnh nhân chỉ còn những đảo da lành nhỏ, người ta cho dùng các thuốc làm mất sắc tố để thỏa mãn thẩm mỹ cho người bệnh như hydroquinon (hiquin)...
- Các phương pháp vật lý: Chiếu UVA, UVB. Gần đây thấy hiệu quả tốt của UVB-311nm, một phương pháp không cần uống thuốc. Laser: HeNe 632,8 nm có thể khôi phục những tổn thương thần kinh và làm giảm bạch biến thể đứt đoạn.
Ngoài ra còn có thể điều trị bằng phương pháp ngoại khoa như:
- Ghép da: ghép da mỏng (tem thư), ghép da đục...
- Cấy tế bào sắc tố...
Thùy Linh
Theo GDVN