Củ tam thất dùng thế nào?
(Giúp bạn)Củ tam thất vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng hành ứ, cầm máu, tiêu thủng, dùng chữa thổ huyết máu cam, lỵ ra máu...
Tôi nghe nói tam thất có tác dụng bồi bổ, phòng máu tụ và ngừa ung thư rất tốt, nhưng mỗi người khuyên một cách dùng khác nhau. Mong tòa soạn hướng dẫn cách dùng nào là tốt nhất: Uống sống hay hầm?
(Nguyễn Thị Hoa - Hà Nội)
Báo Kiến thức dẫn lời Bs.TTND Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam: Củ tam thất vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, có tác dụng hành ứ, cầm máu, tiêu thủng, dùng chữa thổ huyết máu cam, lỵ ra máu, đẻ xong máu hôi không sạch, ung thũng, bị đòn tổn thương.
Nhân dân coi tam thất là một vị thuốc cầm máu, hành huyết, chủ yếu dùng để bồi bổ cho phụ nữ sau sinh, người mới ốm dậy... Tuy nhiên, không nên dùng củ tam thất một cách đơn điệu để "bổ" như nhân sâm mà nên sử dụng theo hướng "thực phẩm" hầm với gà và thịt để cầm máu là chính, tiếp đến là tác dụng hóa ứ, giảm đau, tiêu u.
Tam thất chỉ phát huy tác dụng hóa ứ giảm đau tốt, khi mới bị tụ huyết như các trường hợp xuất huyết tiền phòng, chấn thương sưng đau. Do vậy, không nên dùng khi có các cục máu tụ, máu đông đã xuất hiện lâu trong lòng mạch, trong tim, trong não...
Theo Sức khỏe đời sống, hiện nay có nhiều người chưa hiểu hết tính năng của tam thất nên đã sử dụng tam thất một cách tùy tiện. Để sử dụng tam thất một cách khoa học, hợp lý với hiệu quả chữa bệnh cao, cần lưu ý một số điểm.
Công dụng và cách dùng tam thất
Tam thất có hai tác dụng chính là cầm máu và bổ dưỡng do chứa saponin triterpen là ginsenozid, một hoạt chất quý của nhân sâm. Gần đây, tam thất còn được dùng trong một số trường hợp ung thư (phổi, tuyến tiền liệt, vòm họng, vú) với kết quả tốt.
Dùng sống dưới dạng bột hoặc mài với nước uống hoặc dạng lát cắt thì ngậm nhai rồi nuốt để chữa thổ huyết, băng huyết, rong kinh, chảy máu cam, máu hôi sau khi đẻ, kiết lỵ ra máu, khối u (ung thư). Bột tam thất rắc ngoài làm cầm máu nhanh các vết thương.
Dùng chín trong những trường hợp thiếu máu, suy nhược, phụ nữ sau khi đẻ, người mới ốm dậy. Củ tam thất hấp cho mềm, thái mỏng hoặc sao khô, tán bột rồi hầm với thịt gà, thịt chim, ăn hằng ngày trong vài tuần.
Có thể ngâm rượu uống. Đơn giản thì hãm tam thất với nước sôi như pha trà, uống làm nhiều lần vừa dễ làm, tiện lợi, vừa giữ được hương vị, hoạt chất. Nước hãm tam thất pha với sữa dùng cho trẻ em rất tốt.
Có thể phối hợp với nhân sâm trong trường hợp uống riêng tam thất thấy có cảm giác "nóng", nhất là đối với những người mà khí, huyết đều suy kiệt. Tuy nhiên, nên uống hỗn hợp sâm - tam thất vào ban ngày và uống riêng tam thất vào buổi tối vì nhân sâm sẽ làm cho tỉnh táo, khó ngủ.
Tam thất còn phối hợp với kỷ tử, cúc hoa chữa các chứng bệnh về mắt; với hoa hòe hoặc rutin trong những trường hợp chảy máu; với linh chi lại tăng cường miễn dịch, chống stress, cải thiện trí nhớ.
Tham khảo thuốc: Honaramin ginseng Tăng cường sinh lực của cơ thể trong các tình trạng suy nhược, gầy mòn, thiếu máu, mệt mỏi, chán ăn, giảm khả năng tập trung, phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em đang phát triển, người già yếu. Bổ sung sinh tố trong những trường hợp mất cân bằng hoặc thiếu hụt dinh dưỡng, suy giảm thể chất khi đang bị bệnh, sau phẫu thuật. |
Tuyển Trần
Theo GDVN